Phát biểu tại buổi tiếp, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chào mừng ông Atul Tandon cùng các thành viên đoàn đã đến thăm và làm việc với Bộ Y tế; đồng thời cảm ơn AstraZeneca hợp tác với Bộ Y tế trong suốt thời gian qua, đặc biệt trong công tác phòng, chống COVID-19.
Ngoài ra, AstraZeneca đã đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng, phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật, hỗ trợ tăng cường tiếp cận y tế của người dân và xây dựng hệ thống y tế bền vững...
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cùng các đại biểu Bộ Y tế đã nghe đại diện AstraZeneca Việt Nam chia sẻ về những hoạt động trọng tâm của Công ty trong các lĩnh vực như: Nghiên cứu phát triển dược phẩm phát minh; dự án chuyển giao công nghệ sản xuất các loại thuốc tiên tiến của AstraZeneca tại Việt Nam; các hoạt động nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng và các chương trình hợp tác vì cộng đồng phát triển bền vững của AstraZeneca trong lĩnh vực y tế nhằm hướng tới một hệ thống y tế công bằng, bền vững và tăng cường khả năng tiếp cận của bệnh nhân Việt Nam đến các thuốc và các phương pháp điều trị tiên tiến...
Ông Atul Tandon,Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao chủ trương của Bộ Y tế trong việc đưa cơ chế tham chiếu kết quả thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc của cơ quan quản lý dược nước ngoài vào dự thảo Luật Dược sửa đổi, bổ sung.
AstraZeneca Việt Nam cũng mong muốn Luật Dược sửa đổi, bổ sung sớm được thông qua và Bộ Y tế sớm có các hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng cơ chế tham chiếu (reliance) cho các thuốc mới để có thể thúc đẩy việc tiếp cận thuốc sớm cho người dân.
"AstraZeneca sẵn sàng hỗ trợ các kế hoạch hành động Bộ Y tế trong việc tăng cường năng lực cho các chuyên gia thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc nhằm triển khai áp dụng cơ chế tham chiếu một cách hiệu quả tại Việt Nam" - ông Atul Tandon nói.
Ông Atul Tandon cũng bày tỏ mong muốn Bộ Y tế sẽ có các sửa đổi, điều chỉnh linh hoạt về công bố GMP; Đối với lĩnh vực thuốc hiếm, thuốc điều trị bệnh hiếm gặp và bệnh hiểm nghèo, AstraZeneca cũng mong muốn các chính sách liên quan hiện có tại dự thảo Luật Dược sửa đổi, bổ sung sẽ sớm được cụ thể hóa tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, trong đó các thủ tục, quy trình riêng biệt và cụ thể cho phép rút ngắn thời hạn cấp giấy phép nhập khẩu, giấy phép lưu hành; các ưu tiên trong đàm phán giá, đấu thầu…và các biện pháp quản lý phù hợp khác đối với các thuốc này để các bệnh nhân bị bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là trẻ em được tiếp cận kịp thời thuốc điều trị bệnh với mức giá ưu đãi.
Lắng nghe và tiếp nhận các đề xuất từ phía AstraZeneca, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã đưa ra những chia sẻ trên tinh thần cùng hợp tác vì sức khỏe của người dân, ghi nhận các nội dung đề xuất của Công ty trong các lĩnh vực thuốc chuyển giao công nghệ, cơ chế tham chiếu, GMP, thuốc hiếm...
Về các vấn đề mà AstraZeneca đề cập, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đối với lĩnh vực dược, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 376/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
"Trong nội dung của hai quyết định này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đưa ra nhiều định hướng liên quan đến ưu đãi đầu tư lĩnh vực dược" - Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết thêm: Bộ Y tế Việt Nam đang hoàn thiện dự thảo Luật Dược sửa đổi, bổ sung để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10, trong đó có nhiều chính sách liên quan đến ưu đãi đầu tư phát triển công nghiệp dược cho các nhà đầu tư như: Ưu tiên trình tự thủ tục cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc; ưu tiên trong đấu thầu tập trung và danh mục thuốc được BHYT thanh toán...
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng thông tin, trong dự kiến về chính sách ưu đãi đầu tư lĩnh vực dược có đề cập đến ưu đãi đầu tư đặc biệt theo Luật Đầu tư để triển khai kỹ thuật cao như sản xuất thuốc mới, biệt dược, thuốc sinh học, tương đương sinh học...; cùng đó được các quỹ hỗ trợ đầu tư hỗ trợ thêm về ưu đãi đầu tư phát triển.
Hiện Việt Nam đang thiết lập hai khu công nghiệp công nghệ cao về sản xuất dược phẩm, phía Bắc tại tỉnh Thái Bình và phía Nam tại TPHCM.
Thứ trưởng Bộ Y tế giao Cục Quản lý Dược tiếp tục làm việc, trao đổi chi tiết với AstraZeneca về các đề xuất kiến nghị; đồng thời xây dựng các kế hoạch phối hợp về hoạt động đào tạo nâng cao năng lực quản lý ngành Y tế, chia sẻ chuyên môn, kinh nghiệm quốc tế về ứng dụng số hóa và công nghệ trong hệ thống y tế, sản xuất dược phẩm phát minh, các lĩnh vực nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng và cảnh giác dược...
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cùng ông Atul Tandon nhất trí thời gian tới hai bên sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác chiến lược dài hạn phù hợp cùng hướng đến mục tiêu chung nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe người dân và xây dựng một hệ thống y tế Việt Nam công bằng, bền vững.