Hà Nội

Bộ Y tế tư vấn Đồng Nai "giữ sạch" các khu công nghiệp

25-06-2021 15:01 | Thời sự
google news

SKĐS - Bên cạnh những biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã được tỉnh Đồng Nai quyết liệt triển khai, Đoàn công tác của Bộ Y tế tư vấn thêm những điều mà Đồng Nai cần làm để bảo vệ sản xuất trước nguy cơ dịch bệnh xâm nhập.

Trong buổi kiểm tra và làm việc về công tác phòng chống dịch COVID-19 với đại diện lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn trực tiếp hỗ trợ, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm giúp địa phương, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại công ty Daikan thuộc khu công nghiệp Amata trên địa bàn TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

Mô hình công nhân lưu trú tại doanh nghiệp

Trong buổi kiểm tra của đoàn công tác của Bộ Y tế tại công ty Daikan Việt Nam đóng tại Khu công nghiệp Amata trên địa bàn TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Công Đoàn - Tổng giám đốc công ty cho biết: “Ngoài việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định như khai báo y tế, đo thân nhiệt, khử trùng định kỳ toàn bộ khuôn viên công ty, khu vực sản xuất; Công ty còn tuân thủ nghiêm các quy định về giãn cách, bố trí lắp đặt các vách ngăn tại khu vực làm việc, nhà ăn để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm”.

Đồng thời để chủ động ứng phó với dịch bệnh, công ty cũng đã xây dựng kế hoạch bố trí ăn ở cho công nhân tại công ty để đảm bảo sản xuất. Theo đó, khu tạm trú của 45 lao động nam được bố trí tại một phần tầng 2 của nhà xưởng có diện tích 1.960 m2, với 8 máy lạnh di động quanh; đối với 36 lao động nữ nơi lưu trú của họ là nhà ăn và phòng họp với tổng diện tích gần 300 m2 đã có sẵn máy lạnh. Đồng thời công ty còn trang bị các vật dụng cần thiết như lều ngủ chống muỗi, nệm, chăn, gối cho từng người, cũng như các tiện ích giải trí, thể thao phù hợp để phục vụ người lao động tạm trú ở công ty.

Ông Thái Bảo - Phó Chủ tịch UBND Đồng Nai cho biết, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện đã có 3 doanh nghiệp là Công ty TNHH Sơn Ocean Việt Nam (Khu công nghiệp Long Thành, huyện Long Thành); Công ty TNHH Dược phẩm Shinpoong Daewoo (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP. Biên Hòa) và Công ty Cổ phần GreenFeed chi nhánh Đồng Nai (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom) triển khai mô hình cho công nhân tạm trú tại doanh nghiệp; nhiều đơn vị khác cũng đã xây dựng phương án bố trí người lao động ăn, ở, tạm trú tại công ty để trình các đơn vị có thẩm quyền phê duyệt.

Chủ động “giữ sạch” để sản xuất

Tại buổi làm việc tại công ty TNHH Fujitsu Việt Nam đóng tại KCN Biên Hòa 2, ông Lê Đức Vinh – Giám đốc Hành chính & Nhân sự công ty cho biết, hiện tại công ty đang có khoảng 1600 công nhân và được chia làm 3 ca sản xuất, tại các phân xưởng công nhân được yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch. Đồng thời công ty cũng đã tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Doanh nghiệp sử dụng cách vách ngăn để ngăn cách khu vực làm việc của các nhân viên.

Theo đó khu vực làm việc của nhóm nhân viên hành chính, văn phòng được bố trí đảm bảo các quy định về giãn cách; nhà ăn được bố trí các vách ngăn, mỗi bàn ăn chỉ bố trí 2 công nhân ngồi chéo để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong trường hợp nếu có xuất hiện trường hợp ca F0 tại công ty.

“Đối với xe đưa rước công nhân, công ty thực hiện theo quy định của các cơ quan chức năng, theo đó mỗi xe 45 chỗ ngồi chỉ chở tối đa 20 công nhân, công nhân được sắp xếp chỗ ngồi cố định trên xe (trường hợp công nhân vắng chỗ ngồi đó sẽ để trống”, ông Lê Đức Vinh chia sẻ thêm.

Đánh giá cao những nỗ lực của công ty TNHH Fujitsu Việt Nam trong việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong doanh nghiệp để bảo đảm sản xuất, ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục quản lý Môi trường Y tế đã kiến nghị nhiều giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả phòng chống dịch, bảo vệ sản xuất của công ty.

Theo đó, Phó Cục trưởng Cục quản lý Môi trường Y tế đề nghị: công ty nên bố trí việc di chuyển, khu vực làm việc, nghỉ ngơi, sinh hoạt của công nhân để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm, giảm thiểu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của công ty nếu chẳng may xuất hiện ca bệnh; Đối với khối nhân viên văn ngoài việc đảm bảo giãn cách, khoảng cách như hiện nay, công ty nên chia nhân viên thành từng nhóm nhỏ và có khoảng cách thích hợp giữa các nhóm.

Ngoài việc thiết lập các vách ngăn, mỗi bàn cũng chỉ bố trí tối đa 2 công nhân ngồi chéo nhau.

Những giải pháp toàn diện hơn

Đối với các khu vực nhà trọ lưu trú của công nhân trên địa bàn tỉnh, các chuyên gia từ đoàn công tác đánh giá đây cũng là một trong những mắt xích quan trọng cần được kiểm soát chặt trong chuỗi hành trình công ty về nơi lưu trú và ngược lại.

Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra khu nhà trọ công nhân trên địa bàn TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM đánh giá cao mô hình giữa doanh nghiệp – nhà trọ đang được thực hiện tại Đồng Nai. Theo đó nhà trọ sẽ được quy hoạch gần với khu công nghiệp, doanh nghiệp nơi người lao động làm việc, nếu phải áp dụng biện pháp giãn cách thì không gặp quá nhiều khó khăn để bố trí nơi cách ly, lưu trú cho công nhân với đầy đủ các yêu cầu về điều kiện sống.

Về vấn đề này, Ông Dương Chí Nam chia sẻ thêm, khu vực nhà trọ mà đoàn tới kiểm tra có điều kiện tốt, các phòng đều có nhà vệ sinh riêng, đồng thời các quy định về lưu trú, các biện pháp về phòng chống dịch được thực hiện tốt. Tuy nhiên địa phương cũng cần quan tâm đến các khu nhà trọ, nơi lưu trú của nhóm người lao động, công nhân có thu nhập thấp bởi điều kiện lưu trú cũng như các biện pháp phòng chống dịch không được đảm bảo tốt như khu vực đã được kiểm tra.

Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn lưu ý, việc di chuyển từ nơi lưu trú đến nơi làm việc cũng có thể làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập nhất là trong các trường hợp công nhân tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân, do đó địa phương, và doanh nghiệp cần đề ra nhưng giải pháp phù hợp.

Công nhân tuân thủ các quy định phòng chống dịch tại phân xưởng sản xuất

Ngoài ra, địa phương cần nhanh chóng triển khai việc thành lập các tổ kiểm tra phòng chống dịch tại các nhà máy, doanh nghiệp; Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tập huấn các cho lực lượng này để nhanh chóng đi vào hoạt động; địa phương cũng nên áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin để hỗ trợ tốt hơn trong công tác phòng chống dịch.

 Bộ Y tế cũng đã cùng địa phương tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc và sẽ hỗ trợ toàn diện Đồng Nai trong công tác phòng, chống dịch thời gian tới.


Khôi Nguyễn
Ý kiến của bạn