Bộ Y tế: Truy xuất nguồn gốc thực phẩm bếp ăn khiến 33 người ở Đồng Tháp đau bụng, nôn

08-04-2025 22:18 | Y tế

SKĐS - Sau khi ăn bữa trưa do một cơ sở nấu ăn tại TP Cao Lãnh - tỉnh Đồng Tháp cung cấp, 33 học sinh, giáo viên, tình nguyện viên có biểu hiện đau bụng, nôn ói, tiêu chảy.

Tạm đình chỉ hoạt động cơ sở chế biến bữa ăn nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận nhận được báo cáo sơ bộ ngày 08/4/2025 của Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp về vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường Đại học Đồng Tháp, sau khi ăn bữa trưa ngày 06/4/2025 do một cơ sở nấu ăn tại TP Cao Lãnh cung cấp, có 33 học sinh, giáo viên, tình nguyện viên có biểu hiện đau bụng, nôn ói, tiêu chảy.

Trước tình hình trên, hôm nay (8/4) Cục An toàn thực phẩm đã ban hành công văn số 687/ATTP-NĐTT đề nghị Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp khẩn trương tổ chức điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm để xác định rõ nguồn cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho cơ sở chế biến nghi ngờ gây ngộ độc; lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân.

Bộ Y tế: Truy xuất nguồn gốc thực phẩm bếp ăn khiến 33 người ở Đồng Tháp đau bụng, nôn- Ảnh 1.

Sự kiện Ngày hội STEM tổ chức tại Trường ĐH Đồng Tháp vào ngày 6/4. Ảnh: Facebook Trường Đại học Đồng Tháp

Tạm đình chỉ hoạt động cơ sở chế biến bữa ăn nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm nếu phát hiện nguy cơ có thể tiếp tục gây ngộ độc thực phẩm; xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý, đặc biệt trong các bếp ăn tập thể, các cơ sở cung cấp suất ăn để hạn chế nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thực hiện nghiêm việc kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm, đảm bảo vệ sinh trong suốt quá trình sơ chế, chế biến, vận chuyển thực phẩm, điều kiện an toàn thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm.

Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị Sở Y tế Đồng Tháp thực hiện nghiêm các nội dung tại Công văn số 2487/BYT-ATTP ngày 11/5/2024 và Công văn số 3113/BYT-ATTP ngày 07/6/2024 và Công văn số 6495/BYT-ATTP ngày 22/10/2024 của Bộ Y tế về việc triển khai Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 11/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; đồng thời báo cáo kết quả về Cục An toàn thực theo quy định.

Các khuyến cáo để đảm bảo an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, căng tin

Theo Cục An toàn thực phẩm , an toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng trong các bếp ăn tập thể, căng tin trường học, nhà máy, cũng như các buổi tiệc lớn. Đảm bảo thực phẩm sạch và an toàn không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn nâng cao uy tín của đơn vị cung cấp.

Dưới đây là các biện pháp quan trọng để đảm bảo an toàn thực phẩm trong những môi trường này.

Kiểm soát nguyên liệu đầu vào:

• Lựa chọn nhà cung cấp uy tín, có chứng nhận an toàn thực phẩm.

• Kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, đảm bảo có hóa đơn, chứng từ rõ ràng.

• Sử dụng nguyên liệu tươi, tránh thực phẩm ôi thiu, có dấu hiệu hư hỏng.

• Bảo quản nguyên liệu đúng cách: thịt, cá trong tủ đông; rau củ để nơi thoáng mát

Vệ sinh khu chế biến

• Nhà bếp phải sạch sẽ, có hệ thống thoát nước tốt, không đọng nước.

• Dụng cụ chế biến (dao, thớt, nồi, chảo…) cần vệ sinh thường xuyên, phân biệt dao, thớt sử dụng cho thực phẩm sống và chín.

• Phân khu rõ ràng giữa khu sơ chế, khu chế biến và khu nấu nướng để tránh nhiễm chéo.

• Rác thải thực phẩm phải được xử lý đúng cách, không để lâu trong bếp.

Đảm bảo vệ sinh cá nhân của nhân viên

• Nhân viên bếp phải mặc đồ bảo hộ: khẩu trang, bao tay, tạp dề, mũ che tóc.

• Rửa tay sạch trước khi chế biến, sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với thực phẩm sống.

• Không làm việc nếu có dấu hiệu bệnh (cảm cúm, tiêu chảy…) để tránh lây nhiễm thực phẩm. Người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, chế biến thức ăn không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Kiểm soát quy trình nấu

• Chế biến thực phẩm ở nhiệt độ thích hợp: thịt, cá phải nấu chín hoàn toàn.

• Không để thức ăn chín tiếp xúc với thực phẩm sống.

• Sử dụng dầu ăn đúng cách, không dùng dầu chiên lại nhiều lần.

• Hạn chế sử dụng phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Bảo quản và phục vụ thực phẩm đúng cách

• Thức ăn nấu xong phải dùng trong thời gian cho phép, tránh để quá lâu.

• Bảo quản thực phẩm chín trong tủ giữ nhiệt hoặc ngăn mát tủ lạnh nếu chưa sử dụng ngay.

• Dụng cụ đựng thức ăn phải sạch sẽ, không dùng chung giữa thực phẩm sống và chín.

• Nước uống phải đảm bảo vệ sinh, dùng nước đóng chai hoặc nước đun sôi.

Bộ Y tế: Truy xuất tận cùng nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc khiến 37 người nhập viện ở TP HCMBộ Y tế: Truy xuất tận cùng nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc khiến 37 người nhập viện ở TP HCM

SKĐS - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đề nghị Sở An toàn thực phẩm TP HCM tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ nghi ngờ ngộ độc khiến 37 người nhập viện sau ăn bánh mì; truy xuất đến tận cùng nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân...

Thái Bình
Ý kiến của bạn