Ngày 15/6, tại Hà Nội, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo sửa đổi Luật Dược và Xây dựng chính sách thúc đẩy sản xuất kinh doanh dược. Tham dự và chỉ đạo hội nghị có PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế và TS Takeshi Kasai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, sự ra đời của Luật Dược cùng với Chính sách quốc gia về thuốc năm 1996 và Chiến lược phát triển ngành dược VIệt Nam năm 2002 đã giúp cho ngành dược giải quyết nhiều vấn đề bất cập trong công tác quản lý nhà nước về thuốc như: quản lý giá thuốc, quản lý chất lượng thuốc, các hoạt động hành nghề dược, đảm bảo cung ứng thường xuyên và đủ thuốc có chất lượng cho nhân dân…
Tuy nhiên, sau năm 2007, khi Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã xuất hiện những vấn đề mới, những bất cập của các quy định hiện hành. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Dược năm 2005, sửa đổi bổ sung chính sách quốc gia về thuốc, đưa ra chiến lược cho giai đoạn tiếp theo là việc làm hết sức quan trọng. Bộ trưởng đề nghị các tổ chức, các doanh nghiệp cùng các chuyên gia trong và ngoài ngành tích cực đóng góp ý kiến tranh luận, đánh giá và đề xuất các phương án cho các văn bản trên, đặc biệt trong các lĩnh vực giá thuốc, cấp phép đăng ký lưu thành thuốc, hoạt động dược lâm sàng, quản lý chất lượng thuốc…
Tại hội thảo, trưởng đại diện WHO tại Việt Nam TS Takeshi Kasai cũng đánh giá, việc sửa đổi, bổ sung Luật Dược và ban hành Chính sách dược quốc gia giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là đỉnh điểm của các bước và các hoạt động đổi mới mà Chính phủ Việt Nam đã tiến hành trong thời gian qua. Các vấn đề này đã được đưa lên tầm của luật và nhiệm vụ được ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự của cả Chính phủ cũng như của toàn ngành dược là phải tiếp tục đảm bảo tiếp cận thuốc thiết yếu nhằm đóng góp cho mục tiêu bao phủ, chăm sóc sức khỏe toàn dân… TS Takeshi Kasai cũng cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Dược và ban hành chính sách dược quốc gia giai đoạn đến 2020, tầm nhìn năm 2030 cần phải tập trung vào các vấn đề: tiếp cận thuốc là quyền được chăm sóc sức khỏe của mỗi người dân; thuốc là hàng hóa y tế công cộng nên cần được quản lý chặt chẽ, chất lượng phải được đảm bảo và kinh doanh hợp pháp; sản xuất thuốc trong nước trước hết phải nhằm phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân; không được dùng các thỏa thuận thương mại để mở rộng độc quyền đối với các thuốc đắt tiền…
N.Hồng