Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến khẩn phòng chống dịch sốt xuất huyết

24-07-2017 14:15 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, chiều ngày 24/7, Bộ Y tế tổ chức hội nghị phòng chông dịch bệnh sốt xuất huyết trực tuyến tại điểm cầu Bộ Y tế ở Hà Nội, điểm cầu TP Hồ Chí Minh và một số điểm cầu khác. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Theo thống kê của Bộ Y tế đến thời điểm này cả nước đã ghi nhận gần 60.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 17 ca đã tử vong. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, chiều ngày 24/7, Bộ Y tế sẽ tổ chức hội nghị phòng chông dịch bệnh sốt xuất huyết trực tuyến tại điểm cầu Bộ Y tế ở Hà Nội, điểm cầu TP Hồ Chí Minh và một số điểm cầu khác. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Tại Hà Nội- một trong những địa phương có ca bệnh sốt xuất huyết gia tăng nhanh chóng, tích lũy từ đầu năm đến nay, thành phố có hơn 6.000 trường hợp mắc, trong đó đã có 3 ca tử vong do sốt xuất huyết. Bệnh nhân nam vừa ghi nhận tử vong do sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi, 54 tuổi (ở Giáp Bát, quận Hoàng Mai), có kết quả xét nghiệm cho thấy mắc sốt xuất huyết. Do tình trạng quá nặng, bệnh nhân được trả về nhà và qua đời ngày 14/7.

Cũng trong ngày này, viện Nhiệt đới trung ương ghi nhận một bệnh nhân 51 tuổi ở quận Ba Đình tử vong vì biến chứng của sốt xuất huyết. Bệnh nhân này có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp nhiều năm.

Trước đó, hồi đầu tháng 5, một nữ sinh ở Đại học Ngoại Thương Hà Nội đã tử vong vì sốc nhiễm khuẩn. Kết quả xét nghiệm cho thấy nữ sinh này bị sốt xuất huyết.

Hiện 28 bệnh viện đa khoa của Hà Nội đều có bệnh nhân sốt xuất huyết vào điều trị. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đống Đa có lượng bệnh nhân đông nhất. Hiện nay khá nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết của Hà Nội đang nằm điều trị tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TW, trong đó nhiều nhất là bệnh nhân đến từ quận Đống Đa.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội cho biết, năm nay, mùa mưa đến sớm cộng với các công trình xây dựng, nhiều khu nhà trọ, môi trường sống ô nhiễm là nguyên nhân khiến muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. 

Thông thường, đỉnh dịch sốt xuất huyết rơi vào tháng 9 và tháng 10. Nhưng năm nay, mới tháng 7 mà Hà Nội đã rơi vào đỉnh dịch. Dịch sốt xuất huyết trên địa bàn còn có thể kéo dài đến cuối năm 2017. Dự báo, tháng 9 và tháng 11 tiếp tục có những đỉnh dịch mới với số mắc có thể vượt những “kỷ lục” trong 10 năm gần đây như năm 2009 có 16.000 ca, năm 2015 hơn 15.000 ca.

Điều trị cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết biến chứng tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TW


Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue (D) gây nên. Có 4 type vi rút gây bệnh (gồm D1, D2, D3, D4). Điều đáng chú ý, nếu như năm 2016, qua giám sát cho thấy, các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội là do vi rút type D1, thì năm nay đã phát hiện thêm vi rút type D2 và D4. 

Do xuất hiện 3 type vi rút nên số người mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội gia tăng mạnh, thậm chí nhiều trường hợp khi tái nhiễm, bệnh sẽ nặng hơn. Hiện việc phun thuốc diệt muỗi là phun xông hơi và chỉ có tác dụng nhất thời. Vì vậy, biện pháp quan trọng nhất vẫn là tích cực vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng.

 

Theo Bộ Y tế, sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
-Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
-Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
-Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
-Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
-Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
-Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

 


Thái Bình
Ý kiến của bạn