Chiều ngày 5/2/2021 tại Bộ Y tế, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị thông báo nhanh kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. GS.TS Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Thứ trưởng, Uỷ viên ban cán sự Đảng Bộ Y tế: Trương Quốc Cường; Nguyễn Trường Sơn; Trần Văn Thuấn. Các đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ; Ủy viên Ban chấp hành Đảng Bộ, các đồng chí lãnh đạo Văn phòng Ban cán sự Đảng, Văn phòng Đảng ủy Bộ, các Ban tham mưu của Đảng ủy, Bí thư các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ Y tế, cấp Trưởng/Phó các Vụ, Cục, Tổng cục, Thanh tra, Văn phòng, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cơ quan Bộ.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Long- Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng- Bộ trưởng Bộ Y tế đã thông báo nhanh kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo tại hội nghị Ảnh:Trần Minh
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng họp từ ngày 25/1/2021 đến ngày 1/2/2021, tại Thủ đô Hà Nội (kết thúc sớm gần 2 ngày so với kế hoạch đề ra). Với chủ đề “Đoàn kết- Dân chủ- Kỷ cương- Sáng tạo- Phát triển”, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng ta, đất nước ta và dân tộc ta, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới.
Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển chương trình của năm 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; xác định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước tới năm 2045; tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng; kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII và bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Đồng chí Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Đại hội đã tạo không khí rất phấn khởi, trách nhiệm, những đại biểu tham dự Đại hội thấy mình có nhiều trách nhiệm niềm tin lớn lao vào Đại hội.
Đồng chí Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, tại Đại hội, nhiều tham luận của các đại biểu, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội... đều đề cập và đánh giá cao vai trò của ngành y tế trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Đồng chí Nguyễn Thanh Long cho biết, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công rất tốt đẹp trên 3 phương diện.
Thứ nhất là quá trình chuẩn bị mọi mặt để tổ chức Đại hội, đặc biệt là là công tác chuẩn bị các Văn kiện trình Đại hội.
Thứ hai là sự thành công về công tác nhân sự, kỹ lưỡng, nhiều mặt, chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công tâm để Đại hội bầu được Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có tâm, có tầm, gánh vác được trọng trách lãnh đạo đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới.
Thứ ba là khâu tổ chức Đại hội về hậu cần, an ninh.
Nhấn mạnh tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Thanh Long ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực trong công tác chuẩn bị về y tế để phục vụ Đại hội của các đồng chí cán bộ cơ quan Bộ Y tế, các Vụ/Cục/Văn phòng và đơn vị khác theo sự phân công.
“Sự nỗ lực, chuyên nghiệp và trách nhiệm cao của ngành y tế trong thực hiện nhiệm vụ được phân công phục vụ Đại hội đã góp phần làm nên thành công của Đại hội”- GS.TS Nguyễn Thanh Long nói.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định , trên cơ sở những bài học, kinh nghiệm đúc kết trong quá trình triển khai thực hiện; ngành Y tế đã, đang và tiếp tục “đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, thể hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong các văn kiện trình Đại hội XIII”, phấn đấu đến năm 2030 đứng thứ 30 các nước trên thế giới về y tế.
Theo đó, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, trong thời gian tới ngành tập trung một số nhiệm vụ như:
Thứ nhất, tập trung công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt các chính sách đổi mới trong phát triển ngành. Trình Quốc hội ít nhất 6 dự án luật. Hoàn thành quy hoạch hệ thống y tế quốc gia đến năm 2045; đảm bảo sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền, trong đó ưu tiên phát triển y tế ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Trung Bộ.
Thứ hai, đổi mới công tác y tế dự phòng và nâng cao sức khỏe, bảo đảm an toàn, an ninh y tế. Tiếp tục phát huy những bài học kinh nghiệm trong phòng chống đại dịch COVID-19 để phòng chống hiệu quả các dịch bệnh khác.
Đổi mới mạnh mẽ y tế cơ sở trong tình hình mới; thực hiện các giải pháp đột phá về nhân lực, chuyên môn, cơ chế tài chính, đầu tư cho y tế cơ sở. Quản lý sức khỏe toàn dân; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em. Hoàn thành trước thời hạn các mục tiêu phát triển bền vững theo chương trình nghị sự Liên hợp quốc.
Thứ ba, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh; phát triển các kỹ thuật y khoa chuyên sâu; phát triển một số khu phức hợp y tế kỹ thuật cao ở các tỉnh, thành phố hội đủ các điều kiện để cạnh tranh với y tế các nước tiên tiến.
Đến 2025, 100% các cơ sở y tế được kết nối khám chữa bệnh từ xa, để người dân cả nước đều có cơ hội tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao của tuyến trên. Phát huy lợi thế y học cổ truyền, kết hợp chặt chẽ y học cổ truyền với y học hiện đại.
Các đại biểu tham dự hội nghị thông báo nhanh kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Ảnh:Trần Minh
Thứ tư, đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế. Đổi mới việc thi, cấp chứng chỉ hành nghề, hình thành các trung tâm thi cấp chứng chỉ theo chuẩn mực quốc tế; đào tạo bác sỹ cho các nước; triển khai đề án đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cho 28 tỉnh miền núi, tỉnh khó khăn; đổi mới giáo dục chính trị, tư tưởng nhất là thế hệ thầy thuốc trẻ; từng bước cải thiện điều kiện và các chính sách đãi ngộ với nhân viên y tế chú trọng cán bộ công tác tại y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa, miền núi, lĩnh vực y tế dự phòng.
Thứ năm, đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong y học; hình thành các trung tâm nghiên cứu y học mạnh gắn với các trường và các bệnh viện.
Đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số ngành y tế tiến tới y tế số, y tế thông minh phục vụ người dân. Thúc đẩy việc nghiên cứu sản xuất vắc xin, trước mắt là với vắc xin Covid-19. Hình thành khu công nghiệp dược, trang thiết bị y tế kỹ thuật cao hướng tới xuất khẩu; phát triển các vùng dược liệu gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Thứ sáu, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân theo hướng đa dạng, đa tầng, hiện đại; đổi mới cơ chế tài chính thay đổi trong đầu tư, ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư cho y tế cơ sở, địa bàn, lĩnh vực khó khăn; hoàn thiện cơ chế thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho chăm sóc sức khỏe.
Thực hiện triệt để công khai, minh bạch trong quản lý, cấp phép, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế. Đổi mới công tác dân số, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe; làm tốt công tác an toàn thực phẩm; đổi mới hợp tác quốc tế tăng vai trò vị thế của Y học Việt Nam; thúc đẩy việc hình thành các trung tâm y tế quốc tế và khu vực tại Việt Nam.
“Đề nghị các đồng chí dự hội nghị hôm nay quán triệt những nhiệm vụ trong tâm của ngành tới các đồng chí Đảng viên trong đơn vị, đồng thời nỗ lực, quyết tâm để ngành ngày càng thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ chăm sóc sức khoẻ nhân dân”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.