Như báo Sức khoẻ & Đời sống đã đưa tin, ngày 22/6, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị Hướng dẫn công tác truyền thông, cung cấp thông tin y tế và triển khai Quy chế phát ngôn của Bộ Y tế năm 2023 khu vực phía Bắc.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe một số tham luận, chia sẻ về các chuyên đề như: định hướng công tác truyền thông y tế năm 2023 và triển khai Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin y tế của Bộ Y tế; Kỹ năng nắm bắt thông tin và viết tin bài cung cấp cho các cơ quan báo chí, truyền thông; Truyền thông chính sách, từ niềm tin đến ủng hộ và thực hiện chính sách và thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về truyền thông, thông tin y tế.
Ai là người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí?
Trao đổi tại hội nghị về chủ đề về định hướng công tác truyền thông y tế năm 2023 và triển khai Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin y tế, TS Hà Anh Đức - Chánh Văn phòng Bộ kiêm Chánh Văn phòng Ban Cán sư Đảng Bộ Y tế cho biết theo Điều 2 của Quyết định 56/QĐ-BYT quy định người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Y tế, gồm:
- Bộ trưởng Bộ Y tế;
- Đồng chí Thứ trưởng được Bộ trưởng Bộ Y tế giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin thường xuyên cho báo chí (sau đây gọi chung là Người phát ngôn);
- Đối với các lĩnh vực cụ thể do các đồng chí Thứ trưởng phụ trách, Bộ trưởng Bộ Y tế ủy quyền cho các đồng chí Thứ trưởng chịu trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí hoặc phối hợp cùng Người phát ngôn thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo nhiệm vụ được giao;
- Với các lĩnh vực chuyên ngành của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, Bộ trưởng giao Thủ trưởng của các đơn vị đó chịu trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
- Thủ trưởng các đơn vị được phân công phụ trách cung cấp thông tin, xử lý thông tin và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin cung cấp cho báo chí trước Bộ trưởng Bộ Y tế và trước pháp luật về nội dung cung cấp.
- Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn, Người được giao nhiệm vụ phát ngôn sẽ phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí nội dung đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt, Văn phòng Bộ có nhiệm vụ là cơ quan đầu mối tổng hợp nội dung phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Cũng tại quyết định này nêu rõ, người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ gồm:
- Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế;
- Trường hợp Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì ủy quyền cho cấp phó là người được giao phụ trách thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ nội dung ủy quyền và thời hạn ủy quyền.
- Họ tên, chức vụ, số điện thoại và địa chỉ e-mail của Người phát ngôn của Bộ Y tế phải được công bố bằng văn bản và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
- Khi thực hiện ủy quyền thì họ tên, chức vụ, số điện thoại và địa chỉ email của người được ủy quyền phát ngôn của Bộ Y tế, văn bản ủy quyền phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ký văn bản ủy quyền.
- Người được ủy quyền phát ngôn quy định tại Điều này không được ủy quyền tiếp cho người khác. Chỉ những người có thẩm quyền phát ngôn quy định tại Điều này mới được phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
- Các cá nhân không được giao nhiệm vụ phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí thì không được nhân danh đại diện đơn vị để phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí. Trường hợp những người này trả lời phỏng vấn trên báo chí thì việc trả lời phỏng vấn đó mang tính chất cá nhân và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và Thủ trưởng đơn vị về nội dung trả lời cho báo chí.
6 hình thức phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
TS Hà Anh Đức cũng cho biết có 6 hình thức phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, cụ thể:
- Tổ chức họp báo, gặp mặt báo chí.
- Đăng tải nội dung phát ngôn và cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, Cổng thông tin điện tử của các đơn vị (nếu có) và Báo Sức khỏe và Đời sống.
- Phát ngôn trực tiếp hoặc trả lời phỏng vấn của nhà báo, phóng viên.
- Gửi thông cáo báo chí, nội dung trả lời cho cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên bằng văn bản hoặc qua thư điện tử.
- Cung cấp thông tin qua trao đổi trực tiếp hoặc tại các cuộc giao ban báo chí do Trung ương tổ chức khi được yêu cầu.
- Ban hành văn bản đề nghị cơ quan báo chí đăng, phát phản hồi, cải chính, xin lỗi nội dung thông tin trên báo chí khi các thông tin được đăng tải chưa chính xác, chưa đầy đủ, gây hiểu lầm cho xã hội.
TS Hà Anh Đức cho biết thêm, theo quyết định của Bộ Y tế về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin y tế, Văn phòng Bộ Y tế là đơn vị đầu mối của Bộ Y tế trong việc cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí; Đề xuất và thực hiện việc tổ chức cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, ban hành thông cáo báo chí trên cơ sở nội dung thông tin được các đơn vị trong ngành Y tế cung cấp.
Các đơn vị thuộc Bộ Y tế: Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Y tế chịu trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí về lĩnh vực đơn vị phụ trách; Chủ động đề xuất nội dung cần cung cấp thông tin cho báo chí; Phối hợp với Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn và Văn phòng Bộ để cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí theo quy định.
"Trường hợp đặc biệt khi được lãnh đạo Bộ Y tế ủy quyền, các đơn vị có thể cung cấp thông tin liên quan đến việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ Y tế, các hoạt động chuyên môn của đơn vị nhưng phải thống nhất nội dung với Văn phòng Bộ và báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế trước khi thông tin"- TS Hà Anh Đức nhấn mạnh.
Về thiết lập Mạng lưới truyền thông y tế toàn quốc, thông tin tại hội nghị, TS Hà Anh Đức cho biết, đến nay đã có 1500 cán bộ truyền thông y tế trên toàn quốc từ Trung ương đến địa phương đăng ký tham gia mạng lưới.