Ngày 4/6, tại Tổng Cục Hải Quan, Ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa Asean và cơ chế một cửa quốc gia đã tổ chức phiên họp lần thứ V và Lễ công bố mở rộng cơ chế một cửa quốc gia đối với các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường.
Tại đây, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế thể hiện quyết tâm của Bộ Y tế trong việc tham gia thực hiện kết nối hải quan một cửa, sau khi thí điểm đối với 2 thủ tục hành chính tại Cục An toàn thực phẩm, dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2015, Bộ Y tế sẽ tiến hành kết nối quy trình “Cấp giấy phép nhập khẩu Trang thiết bị y tế”, đến năm 2016 tiến hành kết nối 05 quy trình của Cục Quản lý Dược với Cổng thông tin một cửa quốc gia.
TS.Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cho biết Bộ Y tế sẽ phối hợp với Tổng cục hải quan tổ chức thí điểm kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia từ ngày 04/6/2015 đến 31/12/2015 tại địa điểm là Cảng Hải Phòng và 04 cơ quan: Cục An toàn thực phẩm, Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia, Trung tâm y tế dự phòng Hải Phòng, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1. Từ 01/01/2016 sẽ thực hiện chính thức tại tất cả các cảng trên toàn quốc và 14 cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh bấm nút công bố mở rộng cơ chế hải quan một cửa quốc gia Ảnh: vfa.gov.vn
Theo đó, 2 thủ tục hành chính thí điểm kết nối hải quan một cửa về lĩnh vực an toàn thực phẩm là: Quy trình xác nhận đạt yêu cầu đối với thực phẩm nhập khẩu và Quy trình đăng ký lưu hành bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm, đây là 02 thủ tục hành chính có tác động lớn đến hoạt động nhập khẩu thực phẩm của nhiều doanh nghiệp.
Liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm trước đó, Bộ Y tế đã triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến ở hai lĩnh vực là “Cấp giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy và Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” và “Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm” tại Cục An toàn thực phẩm.
Sau gần một năm sử dụng dịch vụ công trực tuyến đối với các lĩnh cấp phép tại Cục An toàn thực phẩm, TS Nguyễn Thanh Phong cho biết, đến nay, kết quả trả trực tuyến cho doanh nghiệp qua dịch vụ công trực tuyến này khá khả quan với 1.295 giấy xác nhận nội dung quảng cáo; 15.667 giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy và giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; 124 hồ sơ đang xử lý để cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cũng theo TS Nguyễn Thanh Phong, do cấp phép trực tuyến, nên mọi khâu xét duyệt hồ sơ đều rất minh bạch. Hiện tượng tiêu cực cũng tự bị xóa bỏ, thay vào đó là sự tương tác giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp rất rõ ràng.
Đặc biệt, khi đi công tác, đơn vị vẫn có thể nộp hồ sơ và kiểm tra hồ sơ của doanh nghiệp mình đang được giải quyết đến đâu, rất minh bạch và tiện lợi.
Ngoài ra, thời hạn tối đa từ khi nhận hồ sơ đến khi trả hồ sơ cấp giấy phép quảng cáo thực phẩm là 10 ngày. Nếu quá 10 ngày, hồ sơ của doanh nghiệp trên mạng sẽ thể hiện ở trạng thái quá hạn. Khi đó, phía cơ quan quản lý phải giải trình với doanh nghiệp.
Việc áp dụng thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 là một trong những chủ trương quyết liệt của Bộ Y tế trong việc đẩy mạnh thực hiện chương trình cải cách thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ công nói chung, đặc biệt, tiết kiệm tiền bạc, công sức cho doanh nghiệp và bảo đảm công khai, minh bạch, tránh phiền hà.
Cùng với lĩnh vực an toàn thực phẩm, mới đây, Bộ Y tế cũng đã triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với lĩnh vực cấp giấy chứng nhận của mỹ phẩm tại Cục Quản lý Dược
Thái Bình