Tại TP Đà Nẵng, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử, hướng tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy và không sử dụng tiền mặt thanh toán viện phí.
Hội nghị thu hút hơn 500 đại biểu đến từ các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, các Sở Y tế; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện công lập hạng I trở lên và một số bệnh viện tư nhân... cùng nhiều đối tác liên quan tham dự.
PGS.TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị
Bệnh án điện tử giúp quản lý thông tin về sức khoẻ của người dân suốt đời
Báo cáo tại hội nghị diễn ra ngày 23/7, PGS.TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, hiện 100% bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh và triển khai phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS); 92,3% bệnh viện triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm (LIS); 86,2% bệnh viện triển khai phần mềm quản lý điều hành (văn bản điện tử, thư điện tử);…
Tuy nhiên, công tác ứng dụng các phần mềm mới chủ yếu được triển khai ở các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, còn ở các cơ sở y tế khác có mức độ ứng dụng thấp.
Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, Bộ Y tế đã chỉ đạo đẩy mạnh kết nối liên thông giữa cơ sở y tế. Hiện hơn 99,5% cơ sở y tế trên toàn quốc đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Theo PGS.TS Trần Quý Tường, việc triển khai bệnh án điện tử mang lại lợi ích rất to lớn cho người dân trong công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Việc hướng đến xây dựng hệ thống mã số định danh cho bệnh nhân sẽ giúp người dân khám, chữa bệnh tại tất cả các cơ sở y tế, mà không cần phải đem theo các hồ sơ giấy tờ liên quan
Quy định của Bộ Y tế về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử tại các cơ sở khám chữa bệnh
Bệnh án điện tử giúp quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của người dân, giúp người dân chủ động hơn trong phòng bệnh và chữa bệnh.
Người bệnh không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm và không phải hoang mang khi đọc chữ viết của bác sĩ. Cung cấp thông tin, dữ liệu lâm sàng nhanh chóng, kịp thời giữa các cơ sở khám chữa bệnh. Tiết kiệm được chi phí duy trì các kho lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy.
“Ngoài ra, khi thông tin về khám chữa bệnh của người bệnh được minh bạch sẽ giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có”- PGS.TS Trần Quý Tường nói
Tuy nhiên, Cục trưởng Trần Quý Tường cũng thẳng thắn cho rằng, vẫn còn một số khó khăn khi triển khai bệnh án điện tử như lãnh đạo các bệnh viện chưa quyết liệt, tâm lý chờ cơ quan quản lý cấp trên; chưa có cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin y tế nói chung và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nói riêng,ơ kinh phí triển khai bệnh án điện tử còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt: Lợi cả bệnh viện và người dân
Liên quan đến việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, Cục trưởng Trần Quý Tường cho biết, đây là một nội dung được Bộ Y tế triển khai trong thời gian tới.
Việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt mang lại lợi ích cho cả bệnh nhân và bệnh viện
PGS.TS Trần Quý Tường chỉ ra những lợi ích của việc này: Với bệnh viện, hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt sẽ đơn giản hóa thủ tục cho người dân; phục vụ bệnh nhân tốt hơn; giảm thiểu rủi ro giao dịch tiền mặt; giảm chi phí quản lý, kiểm đếm, in ấn đơn/phiếu; tiết kiệm chi phí, nhân lực, giúp bệnh viện quản trị hiệu quả; rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh; tích hợp với hệ thống thông tin bệnh viện, hồ sơ bệnh án điện tử.
Đối với người dân, việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng dễ dàng và thuận tiện; giảm thời gian chờ đợi; không phải xếp hàng và không cần mang theo tiền mặt.
Giải quyết các điểm nghẽn trong thực hiện bệnh án điện tử và thanh toán viện phí không dùng tiền mặt: Cách nào?
Với mục tiêu đẩy mạnh triển khai Bệnh án điện tử, hướng tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy và không sử dụng tiền mặt trong thanh toán viện phí, PGS.TS. Trần Quý Tường đã nêu các giải pháp chính để triển khai bệnh án điện tử.
Đó là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách và các quy định về bệnh án điện tử, trong đó đặc biệt phải khẩn trương xác lập, sử dụng và quản lý mã định danh y tế (ID); xây dựng chuẩn kết nối liên thông giữa các hệ thống thông tin tại bệnh viện; quy định và giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; xây dựng cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin y tế và hồ sơ bệnh án điện tử, trong đó tập trung xây dựng kết cấu chi phí công nghệ thông tin trong chi phí dịch vụ y tế.
Đồng thời, PGS.TS Trần Quý Tường đã nêu 4 giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt tại các bệnh viện, gồm: Bộ Y tế sẽ quy định chuẩn thông tin thanh toán điện tử trong Y tế; xây dựng chuẩn kết nối giữa ngân hàng và hệ thống thông tin bệnh viện – HIS; xây dựng chuẩn kết nối thanh toán giữa thẻ Napas với HIS; xây dựng và ban hành chuẩn thanh toán QR y tế.
Theo PGS.TS Trần Quý Tường, qua thực tế thời gian qua ở các bệnh viện có hai điểm nghẽn chính trong thanh toán diện tử ở các bệnh viện cần khắc phục trong thời gian tới là: Phí dịch vụ thanh toán điện tử còn cao, Bộ Y tế sẽ đề nghị Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước xem xét nội dung này; người dân chưa có thói quen thanh toán điện tử, do đó cần đẩy mạnh truyền thông về tiện lợi của thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt đến nhân dân.