Hà Nội

Bộ Y tế: Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố nghiêm trọng an toàn thông tin, an ninh mạng

26-04-2024 07:47 | Y tế

SKĐS - Bộ Y tế cho hay thời gian qua một số đơn vị trong ngành chưa quán triệt, ưu tiên nguồn lực triển khai, vẫn để xảy ra sự cố gây mất an toàn thông tin, an ninh mạng...

Một số đơn vị trong ngành y tế vẫn để xảy ra sự cố gây mất an toàn thông tin, an ninh mạng

Theo Bộ Y tế, thời gian qua, tình hình hoạt động tấn công mạng, đặc biệt là mã độc tống tiền tăng mạnh và có thể tiếp tục diễn biến phức tạp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan quản lý chuyên ngành, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo về tăng cường bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. 

Tuy nhiên, một số đơn vị trong ngành chưa quán triệt, ưu tiên nguồn lực triển khai, vẫn để xảy ra sự cố gây mất an toàn thông tin, an ninh mạng như một số trang thông tin điện tử, hệ thống thông tin tồn tại nhiều điểm yếu, lỗ hổng bảo mật, lộ tài khoản trên không gian mạng, bị tin tặc tấn công, chèn thông tin xấu độc,... 

Trước tình hình này, thực hiện Công điện số 33/CĐ-TTg ngày 07/04/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan quản lý về an toàn thông tin, an ninh mạng, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố và y tế các bộ, ngành đề nghị tăng cường bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.

Bộ Y tế: Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố nghiêm trọng an toàn thông tin, an ninh mạng- Ảnh 1.

Bộ Y tế đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố và y tế các bộ, ngành đề nghị tăng cường bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu Thủ trưởng đơn vị tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan quản lý về an toàn thông tin, an ninh mạng và của Bộ Y tế, trong đó nhấn mạnh Thủ trưởng Đơn vị trực tiếp chỉ đạo và phụ trách công tác đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng;

Ưu tiên nguồn lực, khẩn trương, quyết liệt triển khai có hiệu quả công tác này, chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan có thẩm quyền nếu để hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý không đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng, để xảy ra sự cố nghiêm trọng. 

Quán triệt, thực hiện nghiêm Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng và các Nghị định, Chỉ thị liên quan; Cụ thể hóa trách nhiệm của đơn vị, tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ an ninh mạng hệ thống thông tin trọng yếu, bảo vệ dữ liệu cá nhân. 

Bộ Y tế yêu cầu tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng đối với các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Y tế; báo cáo kết quả về cơ quan quản lý có thẩm quyền và Bộ Y tế (Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo)... 

Phải xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố an toàn thông tin, an ninh mạng

Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền để thẩm định, phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn thông tin đối với 100% hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; thực hiện nghiêm thời hạn hoàn thành phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn thông tin, triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin như hồ sơ đề xuất cấp độ đã được phê duyệt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 23/02/2024. 

Các đơn vị cung cấp dịch vụ trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp phải tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng, tuân thủ đầy đủ các quy định về vấn đề này...

Cùng đó xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố đối với hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý; Triển khai phương án sao lưu định kỳ hệ thống và dữ liệu quan trọng để kịp thời khôi phục khi bị tấn công mã hóa dữ liệu... 

Bộ Y tế lưu ý việc sử dụng thường xuyên các nền tảng hỗ trợ đảm bảo an toàn thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý và thực thi pháp luật về an toàn thông tin mạng; 

Bộ Y tế: Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố nghiêm trọng an toàn thông tin, an ninh mạng- Ảnh 2.

Bộ Y tế tổ chức diễn tập an toàn thông tin để sẵn sàng ứng phó sự cố an ninh mạng.

Bố trí hạng mục về an toàn thông tin mạng khi xây dựng, triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin hàng năm, giai đoạn 5 năm và dự án công nghệ thông tin; bảo đảm tỷ lệ kinh phí chỉ cho các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng đạt tối thiểu 10% tổng kinh phí triển khai các kế hoạch, dự án này Đồng thời, các đơn vị phải thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chức, viên chức, người lao động, đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, an toàn thông tin, an ninh mạng... 

Bộ Y tế nêu rõ, trường hợp xảy ra sự cố bị tấn công mạng, cần kịp thời báo cáo sự cố về cơ quan chủ quản, đơn vị chuyên trách ứng cứu sự cố cùng cấp và cấp trên, Bộ Y tế, Cơ quan điều phối quốc gia, các cơ quan, doanh nghiệp có chức năng quản lý an ninh mạng; Tuân thủ sự điều phối ứng cứu sự cố của Cơ quan điều phối quốc gia và các cơ quan chức năng liên quan trong việc: thu thập, phân tích thông tin; xử lý, khắc phục sự cố; xác minh nguyên nhân và truy tìm nguồn gốc; phát ngôn và công bố thông tin...

Ưu tiên nguồn lực, con người, rà soát thể chế để chuyển đổi số y tế hiệu quảƯu tiên nguồn lực, con người, rà soát thể chế để chuyển đổi số y tế hiệu quả

SKĐS - Chuyển đổi số y tế là yêu cầu mang tính tất yếu và là động lực cho sự phát triển của ngành y tế trong thời kỳ mới. Bộ Y tế sẽ rà soát lại hệ thống thể chế bởi liên quan đến chuyển đổi số hiện đang có nhiều văn bản ở nhiễu lĩnh vực khác nhau như dược, trang thiết bị...

Thái Bình
Ý kiến của bạn