Bộ Y tế tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đấu thầu tại các cơ sở y tế

11-10-2024 14:15 | Y tế
google news

SKĐS - Ngày 11/10, tại thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo triển khai thi hành Luật Đấu thầu, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Y tế.

 Hội thảo được tổ chức với mục tiêu phổ biến các quy định mới của pháp luật đấu thầu; trao đổi, thảo luận, hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế tại các cơ sở y tế.

Khắc phục các bất cập trong việc mua thuốc, thiết bị y tế

Hội nghị thu hút hàng trăm đại biểu tham dự là lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo các bệnh viện và cán bộ làm công tác đấu thầu, mua sắm tại các các cơ sở y tế phía Nam.

Theo thông tin từ Hội thảo, trong thời gian qua, để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong công tác mua sắm, đấu thầu và tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế Quốc hội đã ban hành Luật Đấu thầu năm 2023, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu;

Ông Hoàng Cương - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế trình bày tại hội thảo. Ảnh: Xuân Dự

Ông Hoàng Cương - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế - trình bày tại hội thảo. Ảnh: Xuân Dự

Bộ Y tế đã ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu về công tác mua thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế để các đơn vị áp dụng như: Thông tư số 04/2024/TT-BYT ngày 20/4/2024 quy định danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc; Thông tư số 05/2024/TT-BYT ngày 14/5/2024 quy định danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá; Thông tư số 07/2024/TT-BYT ngày 17/5/2024 quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.

Quy định của pháp luật về đấu thầu đối với việc mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế đã được ban hành kịp thời, đầy đủ, thống nhất và đồng bộ; trong đó đã quy định nhiều giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế thời gian vừa qua.

Sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị gỡ vướng

Theo ông Hoàng Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài Chính, Bộ Y tế, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tiếp tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật đấu thầu theo hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến tới tất cả các Sở Y tế, các bệnh viện trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng của Bộ như Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Pháp chế, Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y dược cổ truyền, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia… đã chủ động phối hợp với nhiều Sở Y tế, bệnh viện để kịp thời hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện công tác mua sắm, đấu thầu bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đồng thời tiếp tục tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, thiết bị y tế.

Bộ Y tế đã chủ động, kịp thời các ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện mua sắm, đấu thầu thuốc, hoá chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế gửi tất cả các địa phương, cơ sở y tế. Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định phân cấp thẩm quyền quyết định các nội dung trong quá trình lựa chọn nhà thầu cho các bệnh viện trực thuộc Bộ để các bệnh việc chủ động, linh hoạt, tự quyết định và chịu trách nhiệm trong việc bảo đảm thuốc, vật tư, thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng và ban hành Sổ tay hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện công tác đấu thầu để các bệnh viện tham khảo, áp dụng.

Tại Hội thảo, đại diện các Sở y tế, bệnh viện khu vực phía Nam đã nêu ra nhiều nội dung còn vướng mắc như: thủ tục thẩm định, phê duyệt tại một số địa phương còn phức tạp; có địa phương còn chưa phân cấp triệt để cho các bệnh viện trong việc quyết định mua sắm; việc thu thập báo giá, thông tin để xác định giá gói thầu còn có cách hiểu chưa thống nhất như việc xác định giá gói thầu theo báo giá cao nhất, thấp nhất hay trung bình; khó khăn trong việc phê duyệt dự toán ngân sách dành cho mua sắm; việc đánh giá về xuất xứ của hàng hóa mà nhà thầu nêu trong hồ sơ dự thầu; chưa có hướng dẫn cụ thể về lập và thẩm định hồ sơ thầu hay thông tư chưa có quy định rõ về hàm lượng đối với một số thuốc biệt dược trong Danh mục bảo hiểm y tế...

Lãnh đạo ngành y tế các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tham gia hội thảo. Ảnh: Xuân Dự

Lãnh đạo ngành y tế các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tham gia hội thảo. Ảnh: Xuân Dự

Nhiều nội dung đã được các chuyên gia hướng dẫn, giải đáp cụ thể như: việc áp dụng tùy chọn mua thêm để có thể mua thêm ngay được thuốc, vật tư, thiết bị y tế; các cơ sở y tế có thể đấu thầu để mua sắm số lượng sử dụng cho nhu cầu sử trong 2 năm, 3 năm thay vì đấu thầu dùng cho 1 năm như trước đây; cách thức xác định giá gói thầu cho phù hợp; việc đánh giá về xuất xứ của hàng hóa; thực hiện ưu đãi cho hàng hóa sản xuất trong nước; thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong mua sắm tập trung… Thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế đã Mẫu hóa toàn bộ các khâu trong quá trình lựa chọn nhà thầu, đã có quy định rõ về trình tự, thủ tục thực hiện đấu thầu. Cũng tại Hội thảo này, đại diện Trung tâm đấu thầu qua mạng Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã hướng dẫn cho các chủ đầu tư cách thức khai thác, tra cứu thông tin về giá trúng thầu, các mặt hàng đã trúng thầu, thông tin về nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để các chủ đầu tư làm cơ sở xây dựng giá gói thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, tìm hiểu thông tin về các nhà thầu và thông tin đấu thầu của các địa phương, bệnh viện khác.

Ông Đỗ Trung Hưng – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho hay Hội thảo đã đạt được đồng thuận ở mức cao nhất với các nội dung và vướng mắc được hướng dẫn tháo gỡ.

Những vướng mắc đều đã được các chuyên gia của Bộ Y tế giải đáp, hướng dẫn cụ thể, đồng thời khẳng định những nội dung này đều đã được quy định chi tiết trong Luật, Nghị định và các Thông tư hướng dẫn về đấu thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế. Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị để tháo gỡ vướng mắc trong việc thi hành quy định của pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu.

"Hy vọng với phần giải thích, các đơn vị sẽ vững tâm hơn, hiểu thống nhất các nội dung để triển khai công tác mua sắm, đấu thầu được thuận lợi, kịp thời, hanh thông hơn", ông Hưng cho hay.

Việc mua thuốc để bán lẻ tại nhà thuốc trong khuôn viên bệnh viện thực hiện như thế nào?

Tại Hội thảo, các đại biểu đặt câu hỏi về vấn đề mua thuốc để bán lẻ tại nhà thuốc trong bệnh viện. Các chuyên gia cho hay, đối với việc mua thuốc để bán lẻ tại nhà thuốc của bệnh viện, Điều 16 Thông tư số 07/2024/TT-BYT đã hướng dẫn cụ thể cách thức mua sắm. Theo đó, đối với thuốc trong danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, bệnh viện có thể lựa chọn:

- Tính gộp số lượng thuốc cần mua để bán lẻ vào số lượng thuốc cần mua sắm, đấu thầu của bệnh viện và lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định.

Đại diện Bộ Y tế trả lời thắc mắc của lãnh đạo cơ sở y tế các tỉnh, thành phố. Ảnh: Xuân Dự

Đại diện Bộ Y tế trả lời thắc mắc của lãnh đạo cơ sở y tế các tỉnh, thành phố. Ảnh: Xuân Dự

- Bệnh viện cũng có thể tách riêng số lượng thuốc cần mua sắm để bán lẻ thành một hoặc một số gói thầu; lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu riêng. Trong trường hợp này, bệnh viện có thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Đấu thầu năm 2023, tuy nhiên phải bảo đảm đáp ứng quy định về điều kiện áp dụng và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP (ví dụ: trường hợp áp dụng chỉ định thầu thì phải tuân thủ quy định tại Điều 23 Luật Đấu thầu năm 2023; các Điều 76, 77, 78 và khoản 1 Điều 94 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP. Trường hợp áp dụng mua sắm trực tiếp thì phải tuân thủ quy định tại Điều 25 Luật Đấu thầu năm 2023 và Điều 80 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP…). Trong trường hợp này, bệnh viện cần lưu ý, giá trúng thầu đối với thuốc mua để bán lẻ không được cao hơn giá trúng thầu của thuốc có cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế, cùng tên thương mại với thuốc đã trúng thầu và cung ứng tại cơ sở y tế đó (bao gồm thuốc mua sắm tập trung và đàm phán giá).

Đối với thuốc không thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, bệnh viện tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình mà không yêu cầu bắt buộc phải thực hiện theo Luật Đấu thầu năm 2023, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và Thông tư số 07/2024/TT-BYT.

Ngoài ra, đối với nhà thuốc tư nhân nằm trong khuôn viện bệnh viện, không thuộc quyền quản lý của bệnh viện, ví dụ bệnh viện cho tư nhân thuê địa điểm thì hoạt động mua thuốc, vật tư y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… của các cơ sở này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu năm 2023. Tuy nhiên, trong trường hợp này, việc bệnh viện cho tư nhân thuê địa điểm để bán lẻ thuốc phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản công và quy định khác có liên quan.

Tại Hội thảo, đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật, trong đó có Luật Đấu thầu năm 2023. Trên cơ sở ý kiến đề xuất, thống nhất của nhiều bệnh viện, Bộ Y tế đã tổng hợp, có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, sửa đổi quy định về mua thuốc để bán lẻ trong nhà thuốc thuộc khuôn viên bệnh viện theo hướng cho phép bệnh viện được áp dụng mua sắm trực tiếp nhiều lần, thay vì một lần như quy định hiện hành. Việc cho phép áp dụng mua sắm trực tiếp nhiều lần, cùng với các quy định khác như: áp dụng tùy chọn mua thêm, mua sắm cho nhu cầu sử dụng nhiều hơn một năm, áp dụng chào giá trực tuyến, mua sắm trực tuyến… sẽ bảo đảm đáp ứng được yêu cầu về mua sắm thuốc cho nhà thuốc bệnh viện, vật tư, thiết bị y tế và các hàng hóa khác.

Những điểm mới giúp tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu thuốcNhững điểm mới giúp tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu thuốc

SKĐS - Năm 2024, Luật Đấu thầu (sửa đổi) bắt đầu có hiệu lực đã tháo gỡ điểm nghẽn về đấu thầu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực y tế, đáp ứng mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.


Xuân Dự
Ý kiến của bạn