Thanh tra Bộ Y tế vừa có công văn số 1057/TTRB-P1 gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về y tế trong các dịp Lễ, Tết đầu xuân năm 2021.
Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2021 đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm và nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế sẽ tăng cao. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ các nước vào Việt Nam còn rất lớn.
Song, ở một số đơn vị, địa phương đã xuất hiện tình trạng chủ quan, không thực hiện đúng, không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định; một số tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh và nhu cầu tăng cao của thị trường để thực hiện hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; vi phạm quy định về khám chữa bệnh...
Nhằm thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế về việc tiếp tục tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế xã hội, vừa thực hiện phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Thanh tra Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Thanh tra Sở, các đơn vị chức năng thuộc Sở phối hợp với các đơn vị liên quan: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về y tế, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết và mùa Lễ hội, thực phẩm nhập khẩu có nguy cơ lây nhiễm COVID-19; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thuốc, hóa chất, thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch; các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là cơ sở thẩm mỹ hành nghề quá phạm vi cho phép. Kết hợp làm tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đặc biệt, đối với công tác phòng chống dịch COVID-19 cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động về phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.
Ảnh minh họa.
Chú trọng phát hiện các trường hợp không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực, không kịp thời; trốn tránh, không chấp hành biện pháp cách ly y tế theo hướng dẫn của ngành Y tế; các cơ sở y tế không thực hiện đúng, không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch và kiểm soát lây nhiễm; không đeo khẩu trang nơi tập trung đông người và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Trường hợp phát hiện vi phạm yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính khác có liên quan.
Nếu phát hiện có dấu hiệu của tội phạm hình sự, đề nghị chuyển ngay hồ sơ vụ việc vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định. Công bố rộng rãi các trường hợp vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho cộng đồng.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, các kiến thức, kỹ năng về bảo đảm ATTP; về phòng chống dịch bệnh và các nội dung liên quan thuộc lĩnh vực y tế; khuyến cáo người dân tố giác các hành vi vi phạm để cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định. Trường hợp khó khăn, vướng mắc, đề nghị báo cáo kịp thời về Thanh tra Bộ và các Vụ/Cục chức năng thuộc Bộ Y tế để được hướng dẫn giải quyết.