Hà Nội

Bộ Y tế sẽ thực hiện đàm phán giá thuốc cấp quốc gia

03-01-2018 17:30 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chiều ngày 3/1/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì buổi gặp gỡ báo chí để thông tin những vấn đề được dư luận quan tâm. Bộ Y tế cho biết, dự kiến trong quý 1 năm 2018, sẽ thực hiện đàm phán giá thuốc cấp quốc gia...

Bộ trưởng cho biết, trong năm 2017, nền y học nước nhà đã đạt nhiều thành tựu nổi bật như: Liên thông kết quả xét nghiệm; ghép phổi từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện; Các kỹ thuật can thiệp tim mạch tiếp tục đạt được nhiều thành công; phẫu thuật nội soi được các bác sĩ của Việt Nam ứng dụng điều trị hiệu quả nhiều loại bệnh, ở một số lĩnh vực thậm chí đi đầu trong khu vực như nội soi ổ bụng, xương khớp, lồng ngực; Lĩnh vực hỗ trợ sinh sản làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới: ứng dụng kỹ thuật giảm thiểu phôi, tiêm tinh trùng vào bào tương noãn, chuyển phôi giai đoạn muộn, đông phôi và trữ phôi, chọc hút tinh trùng từ mào tinh…

Lĩnh vực dược cũng tập trung nhiều công trình nổi bật, trong đó có công nghệ chế bào mới, hiện đại đã được nghiên cứu áp dụng vào sản xuất như công nghệ đông khô, công nghệ sinh khối tế bào, công nghệ chiết xuất siêu tới hạn. Cùng với những tiềm năng thế mạnh đó, ngành dược liệu nước ta còn có rất nhiều cơ hội để phát triển do thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm dược liệu là rất lớn, hàng năm nhu cầu dược liệu trong nước khoảng 60 đến 80 nghìn tấn; Khối lượng dược liệu xuất khẩu đạt gần 5.000 tấn đem lại giá trị lên đến 6 triệu đô la mỗi năm; giá trị kinh tế đem lại từ việc nuôi trồng dược liệu...

Sẽ thực hiện đàm phán giá thuốc cấp quốc gia

Năm 2017, Bộ Y tế triển khai đấu thầu quốc gia lần đầu tiên đạt hiệu quả tốt. Bộ trưởng cho biết, trong thời gian vừa qua, triển khai quản lý công tác mua sắm thuốc đối với các khu vực bệnh viện công lập, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam liên tục sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu thầu thuốc để thực hiện Luật đấu thầu và nhằm tăng cường sự công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả kinh tế, đồng thời giải quyết các khó khăn, bất cập trong công tác đấu thầu thuốc.

Triển khai Luật đấu thầu năm 2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã triển khai công tác đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia đợt 1 cho 21 mặt hàng thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, giảm 16,4% so với giá trúng thầu trung bình năm trước, khắc phục tình trạng chênh lệch giá thuốc trúng thầu giữa các vùng.

Bộ Y tế đang chuẩn bị thực hiện đàm phán giá thuốc cấp quốc gia: thành lập Hội đồng đàm phán giá thuốc; thẩm định kế hoạch đàm phán giá thuốc đợt 1 gồm 8 mặt hàng thuốc biệt dược gốc quy định tại Thông tư số 09/2016/TT-BYT ngày 5/5/2016, dự kiến hoàn thành trong quý 1 năm 2018; xây dựng bổ sung Danh mục biệt dược gốc đã có nhiều thuốc generic thay thế thí điểm hình thức đàm phán giá (dự kiến 139 mặt hàng thuốc).

Đối với đấu thầu trang thiết bị, vật tư, hóa chất, Bộ Y tế đã thành lập ban soạn thảo xây dựng Thông tư hướng dẫn đấu thầu vật tư y tế tiêu hao, chuẩn bị thí điểm đấu thầu tập trung một số trang thiết bị, vật tư, hóa chất.

 

Về trọng tâm của ngành y tế năm 2018, Bộ trưởng cho biết, năm 2018 là năm bản lề, quyết định trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế đề ra 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 như sau:

1. Khẩn trương triển khai thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành TƯ khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, về công tác dân số trong tình hình mới. Xây dựng Chương trình sức khỏe Việt Nam trên cơ sở tổng hợp, kết nối các chương trình, đề án về nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030.

2. Thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ: triển khai mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã; mở rộng mô hình bác sỹ gia đình, quản lý sức khỏe đến từng người dân; đẩy mạnh quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm, chăm sóc dài hạn tại trạm y tế xã.

3. Hoàn thành các Đề án, văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng trong Chương trình công tác của Chính phủ năm 2018; các Thông tư trong Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2018 của Bộ Y tế. Xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; cải cách thủ tục hành chính; tiết kiệm, chống lãng phí.

4. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế: Các địa phương đẩy nhanh việc thực hiện mô hình trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, trung tâm y tế huyện đa chức năng và quản lý trạm y tế; Bộ Y tế xây dựng đề án hình thành CDC trung ương và vùng; cơ quan kiểm soát dược phẩm, thực phẩm, thiết bị y tế (FDA) trung ương và vùng trên cơ sở sáp nhập các đơn vị cùng thực hiện nhiệm vụ trên.

5. Tăng cường hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục nâng cao sức khỏe,  y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh. Bảo đảm vắc xin và duy trì tỷ lệ tiêm chủng mở rộng trên 95%. Đẩy mạnh phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, bệnh tật học đường. Thực hiện nghiêm các quy định về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em và các đối tượng theo luật định. Tăng cường quản lý môi trưởng y tế; kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS ở mức dưới 0,3%, giảm số người nhiễm mới HIV.

Ảnh minh hoạ.

 

6. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh: phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, thực hiện nghĩa vụ luân phiên; ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục trong khám, chữa bệnh; ban hành các quy trình chuyên môn; đổi mới phong cách phục vụ, nâng cao y đức. Thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I và tương đương. Xây dựng hệ thống báo cáo sự cố y khoa toàn quốc, ban hành hướng dẫn, khuyến cáo an toàn người bệnh quốc gia. Thực hiện việc đa dạng hóa các loại hình khám, chữa bệnh, kết hợp giữa y tế phổ cập và y tế chuyên sâu, giữa y học cổ truyền với y học hiện đại.

7. Tiếp tục thực hiện các giải pháp duy trì mức sinh thấp hợp lý, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; mở rộng sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; bảo đảm hậu cần đầy đủ và có chất lượng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Tăng  khả năng tiếp cận dịch vụ sức khỏe  sinh sản có chất lượng, triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tai biến sản khoa, giảm tử vong bà mẹ và trẻ em.

8. Phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ y tế, xây dựng các văn bản pháp luật về đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo nguồn nhân lực y tế theo hướng hội nhập quốc tế. Tăng cường giám sát đào tạo nhân lực y tế, tập trung vào công tác đào tạo liên thông, liên kết, đào tạo cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ sử dụng, công tác tuyển sinh, đảm bảo bảo chất lượng đào tạo. Tiếp tục xây dựng chương trình, chuẩn năng lực cơ bản các ngành thuộc nhóm ngành khoa học sức khỏe. Triển khai thí điểm đào tạo chuyên khoa cấp I cho bác sỹ ngay sau khi tốt nghiệp.

9. Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, mở rộng quyền tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, hình thành mô hình quản lý bệnh viện như doanh nghiệp công ích. Tiếp tục thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình BHYT toàn dân, hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo, các đối tượng chính sách trong khám, chữa bệnh, phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH. Đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế thanh toán BHYT cho y tế dự phòng, y tế cơ sở. Thực hiện phương thức thanh toán BHYT theo định suất và thí điểm thanh toán theo trường hợp bệnh. Đẩy mạnh xã hội hoá, thực hiện Nghị quyết 93 của Chính phủ, vận động viện trợ, vốn vay ưu đãi, đầu tư theo hình thức đối tác công-tư trong y tế.

10. Đảm bảo cung ứng đủ về số lượng, an toàn về chất lượng thuốc, vắc xin, sinh phẩm và trang thiết bị y tế với giá cả hợp lý phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện tốt việc đấu thầu tập trung và đàm phán giá thuốc cấp quốc gia, thí điểm đấu thầu tập trung trang thiết bị, vật tư, hóa chất. Tăng cường các biện pháp phát hiện và thu hồi thuốc kém chất lượng, phòng chống thuốc giả, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm. Nâng cao năng lực hệ thống kiểm nghiệm, kiểm định thuốc, vắc xin, sinh phẩm, thiết bị y tế. Tăng cường phát triển công nghiệp dược, thiết bị trong nước. Tiếp tục triển khai Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, Đề án "Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020". Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng để quản lý việc bán thuốc của các nhà thuốc trên toàn quốc.



Dương Hải
Ý kiến của bạn