Bộ Y tế sẽ không cấp phép hoạt động cho bệnh viện nếu thiếu khoa Dinh dưỡng- Tiết chế

28-05-2020 18:41 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đây là ý kiến của PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh tại Hội thảo góp ý chỉnh sửa Thông tư 08/2011/TT-BYT hướng dẫn công tác dinh dưỡng, tiết chế trong bệnh viện được tổ chức ngày 28/5 tại Hà Nội.

 

Thông tin tại hội thảo cho biết, năm 2011, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 08/2011/TT-BYT về hướng dẫn công tác tiết chế, dinh dưỡng trong bệnh viện. Nhiều bệnh viện đã tích cực triển khai và đem lại lợi ích thiết thực, góp phần nâng cao thể trạng và phục hồi sức khỏe cho người bệnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác dinh dưỡng trong các bệnh viện vẫn còn nhiều hạn chế.

Đó là tình trạng thiếu bộ phận chuyên môn chẩn đoán, điều trị dinh dưỡng; dinh dưỡng cho người bệnh chưa được đưa vào giá dịch vụ y tế; công tác đào tạo kiến thức dinh dưỡng cho thầy thuốc, bệnh nhân còn hạn chế; thiếu cơ sở vật chất...

PGS.TS  Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh tại Hội thảo góp ý chỉnh sửa Thông tư 08/2011/TT-BYT hướng dẫn công tác dinh dưỡng, tiết chế trong bệnh viện

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, hiện dân số Việt Nam đã đạt 100 triệu dân, mỗi năm các cơ sở khám, chữa bệnh khám và tiếp nhận cho 150 triệu lượt ngoại trú và khoảng 15 triệu lượt bệnh nhân nội trú. Do đó, công tác dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng, “dinh dưỡng là thuốc, thuốc là dinh dưỡng” phải được coi là nhiệm vụ quan trọng bên cạnh nhiệm vụ điều trị bệnh. Hiện cả nước có 1.400 Bệnh viện công lập, 260 bệnh viện tư, do đó công tác dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng, góp phần trong điều trị người bệnh.

Đặc biệt đối với các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, huyết áp, tiểu đường…, dinh dưỡng, tiết chế đóng vai trò đặc biệt quan trọng, trong điều kiện tỷ lệ dân số mắc bệnh cao huyết áp là 25%, bệnh tiểu đường (ở nhóm tuổi 20-79) là 5,8%, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trong cộng đồng từ 15 tuổi trở lên là 2,2%...

“Bộ Y tế sẽ không cấp phép hoạt động cho các bệnh viện tư nhân mới thành lập hoặc cơ sở 2 của các bệnh viện công nếu thiếu khoa Dinh dưỡng- Tiết chế”- PGS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Đồng thời đề nghị các cán bộ dinh dưỡng tại các bệnh viện nâng cao  vai trò của mình trong hoạt động chăm sóc và điều trị người bệnh, để hoạt động dinh dưỡng, tiết chế phát huy hiệu quả. Tại Hội thảo, các đại biểu đã góp ý vào dự thảo sửa đổi thông tư hướng dẫn công tác dinh dưỡng, tiết chế trong bệnh viện, đặc biệt là phần tổ chức phục vụ dinh dưỡng có nội dung: Bệnh viện phải cung cấp chế độ ăn dinh dưỡng cho người bệnh; Người bệnh được cung cấp suất ăn tại buồng bệnh; Bệnh viện đảm bảo quy trình chế biến và cung cấp suất săn theo quy định an toàn thực phẩm…

Tổ chức dinh dưỡng, tiết chế trong bệnh viện được hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư 08/2011/TT-BYT hướng dẫn về công tác dinh dưỡng, tiết chế trong bệnh viện do Bộ Y tế ban hành, theo đó:

Điều 8. Tổ chức dinh dưỡng, tiết chế trong bệnh viện

1. Bệnh viện công lập từ hạng III trở lên thành lập khoa Dinh dưỡng, tiết chế; bệnh viện hạng đặc biệt thành lập khoa Dinh dưỡng, tiết chế hoặc Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng; các bệnh viện khác thành lập khoa hoặc tổ Dinh dưỡng, tiết chế tùy theo điều kiện của từng bệnh viện.

2. Khoa hoặc tổ Dinh dưỡng, tiết chế thuộc khối các khoa lâm sàng do Giám đốc hoặc Phó giám đốc chuyên môn phụ trách.

3. Tổ chức của khoa hoặc tổ Dinh dưỡng, tiết chế:

a) Lãnh đạo khoa hoặc tổ gồm trưởng khoa (tổ trưởng), các phó trưởng
khoa (phó tổ trưởng).

b) Điều dưỡng trưởng khoa.

c) Các bộ phận chuyên môn:
- Bộ phận dinh dưỡng điều trị.

- Bộ phận chế biến và cung cấp suất ăn: do bệnh viện thực hiện hoặc bệnh viện hợp đồng với cá nhân, đơn vị đáp ứng đủ điều kiện để chế biến và cung cấp chế độ ăn bệnh lý cho người bệnh. Bộ phận này chịu sự giám sát về chuyên môn và an toàn thực phẩm của khoa Dinh dưỡng, tiết chế.
- Bộ phận hành chính.

4. Bệnh viện có mạng lưới dinh dưỡng, tiết chế: mỗi khoa lâm sàng cử một bác sĩ hoặc điều dưỡng viên tham gia mạng lưới dinh dưỡng, tiết chế.


Lê Hảo- Thái Bình
Ý kiến của bạn