Hà Nội

Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT phòng chống dịch tả lợn châu Phi

03-06-2019 11:11 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút African swine fever virus (ASFV) gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, ở tất cả các loại lợn với tỉ lệ lợn chết cao, lên đến 100%.

Bệnh lây truyền qua các đàn lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Bệnh không lây truyền từ động vật sang người. Trong năm 2018, nhiều nước thuộc châu Phi, châu Âu và châu Á đã ghi nhận các vụ dịch bệnh tả lợn châu Phi ở các đàn lợn.

Ngay từ những tháng cuối năm 2018, khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại Trung Quốc và chưa ghi nhận tại nước ta, Bộ Y tế đã theo dõi sát tình hình dịch bệnh và triển khai các hoạt động phối hợp nhằm ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập vào nước ta và giảm thiểu tác động của dịch bệnh đổi với kinh tế - xã hội của nước nhà.

Bộ Y tế đã đưa các thông tin về tình hình dịch và hình thức lây truyền của bệnh tả lợn châu Phi tại một số nước trên thế giới đặc biệt là tại Trung Quốc, khẳng định dịch bệnh không lây truyền sang người để người dân hiểu được biện pháp phòng bệnh nhưng không tẩy chay ăn thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn an toàn.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các các tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế trên toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các đơn vị kiểm dịch động vật tại các cửa khẩu để giám sát, kiểm tra người, hàng hóa, phương tiện nhập cảnh từ các nước đang có dịch bệnh nhằm hạn chế nguy cơ mầm bệnh xâm nhập vào nước ta.

Dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại lớn cho người dân. Ảnh minh họa.

Trong những tháng đầu năm 2019, khi dịch bệnh tả lợn châu Phi đã ghi nhận tại một số địa phương trong nước, thực hiện Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo ngành y tế các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các đơn vị kiểm dịch động vật trong việc kiểm tra, giám sát ngăn ngừa mầm bệnh xâm nhập vào nước ta cũng như tuyên truyền về việc bệnh tả lợn châu Phi không lây truyền sang người trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân trong lúc triển khai các biện pháp quyết liệt phòng chống dịch bệnh nhưng không tẩy chay ăn thịt lợn.

Trên cơ sở đó, thịt lợn an toàn vẫn được sử dụng trên phạm vi toàn quốc, nhiều phong trào mua thịt lợn ủng hộ người người chăn nuôi đã được các ban, ngành, đoàn thể phát động, góp phần hạn chế phần nào những tác động của dịch bệnh đối với cuộc sống người chăn nuôi.

Bộ Y tế khẳng định, bệnh tả lợn châu Phi không gây bệnh ở người do đó thịt lợn, các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh vẫn được khuyến cáo sử dụng bình thường.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi.

Cả nước đã tiêu hủy trên 1,85 triệu con lợn

Đến thời điểm này, Tiền Giang là tỉnh thứ 48 trong cả nước và là tỉnh thứ 9/13 được phát hiện đang có dịch tả lợn châu Phi ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện ngành chức năng cả nước đã tiêu hủy bắt buộc trên 1,85 triệu con lợn.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, lịch sử ngành chăn nuôi thế giới chưa bao giờ có dịch tả lợn Châu Phi lớn đến vậy. Loại virút gây bệnh này hết sức nguy hiểm vì khi tấn công vào đàn lợn thì gây tỷ lệ chết 100%. Chúng lây truyền rất nhanh qua rất nhiều con đường và quan trọng nhất là đến giờ phút này là gần 100 năm nhưng thế giới không có vắc-xin phòng và không có thuốc chữa.


D.Hải
Ý kiến của bạn