Bộ Y tế phổ biến, giải đáp nhiều vấn đề về đấu thầu, mua sắm của các cơ sở y tế

05-07-2024 15:46 | Y tế

SKĐS - Để tạo dựng khung pháp lý đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị... tại các cơ sở y tế, Bộ Y tế đã ban hành liên tiếp 4 Thông tư hướng dẫn những nội dung liên quan đến công tác này.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận đã nhấn mạnh những thông tin này tại hội nghị phổ biến Luật đấu thầu, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP của Chính phủ và các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Y tế do Bộ Y tế tổ chức hôm nay, 5/7 tại Hà Nội.

Hàng trăm đại biểu đến từ một số Uỷ ban của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, BHXH Việt Nam, các Vụ, Cục trực thuộc Bộ Y tế; Tổng hội Y học Việt Nam, các Hiệp hội dược, y tế tư nhân; đại diện Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, lãnh đạo phụ trách trực tiếp và cán bộ phụ trách mua sắm, đấu thầu của các cơ sở y tế trực thuộc Bộ, các trường và một số cơ sở sản xuất, kinh doanh dược, thiết bị y tế.

Bộ Y tế phổ biến, giải đáp nhiều vấn đề về đấu thầu, mua sắm của các cơ sở y tế- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận phát biểu tại hội nghị phổ biến Luật đấu thầu, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP của Chính phủ và các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Giải quyết tối đa các bất cập trong mua sắm, đấu thầu

Thông tin tại hội nghị cho thấy, Luật đấu thầu số 22/2023/QH15 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. Căn cứ quy định của Luật đấu thầu, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Cùng đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành liên tiếp 4 Thông tư liên quan đến nội dung này:

  1. Thông tư số 03/2024/TT-BYT ngày 16/4/2024 về việc ban hành danh mục thuốc có ít nhất 03 hãng trong nước sản xuất trên dây chuyền sản xuất thuốc đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương EU-GMP và đáp ứng tiêu chí kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế và về chất lượng, giá, khả năng cung cấp;
  2. Thông tư số 04/2024/TT-BYT ngày 20/4/2024 quy định danh mục mua sắm tập trung quốc gia đối với thuốc;
  3. Thông tư số 05/2024/TT-BYT ngày 15/5/2024 quy định danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá;
  4. Thông tư số 07/2024/TT-BYT ngày 17/5/2024 quy định về đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập.

Trên cơ sở tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế, các Thông tư này đã có nhiều quy định nhằm giải quyết tối đa các bất cập trong mua sắm, đấu thầu mà các bệnh viện phản ánh như thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị cục bộ tại các cơ sở y tế; tồn tại, hạn chế trong lựa chọn nhà thầu đối với mua sắm tập trung; các bất cập trong xây dựng giá gói thầu ...

Ngoài ra, các Thông tư được ban hành cũng tạo khung pháp lý đồng bộ, thống nhất đảm bảo thực hiện hiệu quả Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.

Theo Bộ Y tế, nội dung trong các Thông tư đã được xây dựng để đảm bảo phù hợp với thực tiễn và các quy định pháp luật về đấu thầu hiện hành.

Các danh mục thuốc mua sắm tập trung cấp Quốc gia; danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm đàm phán giá cập nhật theo các nguyên tắc, tiêu chí xây dựng đảm bảo phù hợp với thực tiễn, công khai, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Ngoài ra, Thông tư 05/2024/TT-BYT cũng bổ sung thêm nguyên tắc, tiêu chí đối với vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng được áp dụng đàm phán giá. Đặc biệt, có thêm quy định về danh mục thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng đàm phán giá. Các thuốc hiếm, thuốc mua với số lượng ít (như thuốc chữa ngộ độc, rắn độc cắn …) cũng được đàm phán giá, mua sắm tập trung.

Thông tư 03/2024/TT-BYT ra đời cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư mua sắm đối với các thuốc sản xuất trong nước, đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất thuốc tại Việt Nam.

Thông tư số 07/2024/TT-BYT quy định việc xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu đảm bảo tính đồng bộ, ghi rõ số lượng, nội dung gói thầu, nêu rõ thời gian và giá gói thầu; Ngoài việc hướng dẫn các phương pháp xây dựng giá gói thầu, cơ sở y tế công lập có thể căn cứ thông tin giá thuốc, dược liệu, vị thuốc cổ truyền trúng thầu theo nhóm tiêu chí kỹ thuật của các cơ sở y tế công lập hoặc trúng thầu tập trung cấp địa phương hoặc trúng thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận nêu rõ, xác định mua sắm, đấu thầu là một trong các hoạt động hết sức quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, để Luật đấu thầu cũng như các văn bản hướng dẫn được thực thi hiệu quả, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị liên quan dành thời gian giải đáp những nội dung các đơn vị quan tâm, băn khoăn nhằm kịp thời hướng dẫn, phổ biến các nội dung liên quan đến đấu thầu, mua sắm vào thực tiễn.

Bộ Y tế phổ biến, giải đáp nhiều vấn đề về đấu thầu, mua sắm của các cơ sở y tế- Ảnh 2.

Ông Hoàng Cương - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị.

Cơ sở y tế công lập được tự quyết định việc mua sắm thuốc, vaccine... trong những trường hợp nào?

Tại hội nghị các đại biểu đã nêu một số câu hỏi liên quan đến một số nội dung như: Cơ sở y tế công lập được tự quyết định việc mua sắm mà không nhất thiết phải tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu năm 2023 trong những trường hợp nào?

Về nội dung này, chuyên gia cho hay, Tại Điều 3 của Luật Đấu thầu nêu rõ: Cơ sở y tế công lập được tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu thầu trên cơ sở đảm bảo công khai minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình trong các trường hợp sau đây.

1. Mua thuốc không thuộc danh mục thuốc do quỹ BHYT chi trả;

2. Mua vaccine để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ;

3. Lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu sử dụng vốn do tổ chức, cá nhân trong nước tài trợ mà nhà tài trợ yêu cầu không lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật này;

4. Gói thầu của đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng nguồn vốn vay, trừ vốn tín dụng đầu tư của nhà nước, vốn vay lại từ vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài;

5. Lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, dịch vụ phi tư vấn phục vụ trực tiếp cho gói thầu mà đơn vị sự nghiệp công lập đã trúng thầu;

6. Tổ chức lựa chọn nhà thầu ở nước ngoài của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập;

7. Thuê, mua, thuê mua nhà, trụ sở, tài sản gắn liền với đất.

Về quan tâm liên quan đến nội dung để bảo đảm việc cung cấp thuốc, vật tư tiêu hao và các dịch vụ (bảo vệ, vệ sinh công nghiệp, giặt là…) không bị gián đoạn, đồng thời tiết kiệm thời gian tổ chức đấu thầu, bệnh viện có thể tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng cung cấp với thời gian dài hơn 1 năm (12 tháng) được không? các chuyên gia cho biết: Theo quy định tại các khoản 1, 2 Điều 37 và khoản 3 Điều 39 Luật Đấu thầu năm 2023, bệnh viện có thể tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, vật tư tiêu hao và các dịch vụ (bảo vệ, vệ sinh công nghiệp, giặt là…) với thời gian thực hiện hợp đồng dài hơn 01 năm (ví dụ: bệnh viện có thể tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu cung cấp thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế cho các năm 2025, 2026).

Trong trường hợp này, nguồn vốn có thể được xác định trên cơ sở dự toán mua sắm của năm ngân sách và dự kiến dự toán mua sắm của các năm ngân sách tiếp theo.

Về nội dung gói thầu mua sắm hàng hóa (bao gồm cả mua thuốc, vật tư y tế) có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng có bắt buộc phải áp dụng loại hợp đồng trọn gói như Luật Đấu thầu năm 2013 hay không? Các chuyên gia cho biết Luật Đấu thầu năm 2023 không còn quy định bắt buộc áp dụng hợp đồng trọn gói đối với gói thầu mua sắm hàng hóa (bao gồm cả mua thuốc, vật tư y tế) có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng như Luật Đấu thầu năm 2013.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 64 Luật Đấu thầu năm 2023, hợp đồng trọn gói được áp dụng đối với: Gói thầu mà tại thời điểm lựa chọn nhà thầu, phạm vi công việc, yêu cầu kỹ thuật, thời gian thực hiện gói thầu được xác định rõ, ít có khả năng thay đổi về khối lượng, yêu cầu kỹ thuật, các điều kiện không lường trước được; Gói thầu chưa thể xác định được rõ khối lượng, đơn giá nhưng các bên tham gia hợp đồng xác định được khả năng quản lý rủi ro, quản lý thay đổi phát sinh hoặc xác định được các tính chất, đặc điểm của sản phẩm đầu ra, bao gồm cả hợp đồng EPC và hợp đồng chìa khóa trao tay.

Bộ Y tế phổ biến, giải đáp nhiều vấn đề về đấu thầu, mua sắm của các cơ sở y tế- Ảnh 3.
Bộ Y tế phổ biến, giải đáp nhiều vấn đề về đấu thầu, mua sắm của các cơ sở y tế- Ảnh 4.

Quang cảnh hội nghị.

Hướng dẫn cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở y tế công lập thực hiện mua sắm

Liên quan đến vấn đề cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở y tế công lập việc mua sắm được thực hiện như thế nào? Các chuyên gia cho biết, theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 07/2024/TT-BYT, đối với thuốc trong danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, bệnh viện có thể lựa chọn:

Tính gộp số lượng thuốc cần mua để bán lẻ vào số lượng thuốc cần mua sắm, đấu thầu của bệnh viện và lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định; Tách riêng số lượng thuốc cần mua sắm để bán lẻ thành một hoặc một số gói thầu; lập KHLCNT và tổ chức lựa chọn nhà thầu riêng.

Trong trường hợp này, bệnh viện có thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Đấu thầu năm 2023, tuy nhiên phải bảo đảm đáp ứng quy định về điều kiện áp dụng và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP (ví dụ: trường hợp áp dụng chỉ định thầu thì phải tuân thủ quy định tại Điều 23 Luật Đấu thầu năm 2023; các Điều 76, 77, 78 và khoản 1 Điều 94 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP. Trường hợp áp dụng mua sắm trực tiếp thì phải tuân thủ quy định tại Điều 25 Luật Đấu thầu năm 2023 và Điều 80 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP…).

Cũng trong trường hợp này, bệnh viện cần lưu ý, giá trúng thầu đối với thuốc mua để bán lẻ không được cao hơn giá trúng thầu của thuốc có cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế, cùng tên thương mại với thuốc đã trúng thầu và cung ứng tại cơ sở y tế đó (bao gồm thuốc mua sắm tập trung và đàm phán giá).

Đối với thuốc không thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, bệnh viện tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình mà không yêu cầu bắt buộc phải thực hiện theo Luật Đấu thầu năm 2023, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và Thông tư số 07/2024/TT-BYT.

Bộ Y tế phổ biến, giải đáp nhiều vấn đề về đấu thầu, mua sắm của các cơ sở y tế- Ảnh 5.

Tại Thông tư 07 của Bộ Y tế đã hướng dẫn cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở y tế công lập thực hiện mua sắm, đấu thầu thuốc...

Đối với nhà thuốc tư nhân nằm trong khuôn viện bệnh viện, không thuộc quyền quản lý của bệnh viện, ví dụ bệnh viện cho tư nhân thuê địa điểm thì hoạt động mua thuốc, vật tư y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… của các cơ sở này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu năm 2023. Tuy nhiên, trong trường hợp này, việc bệnh viện cho tư nhân thuê địa điểm phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản công và quy định khác có liên quan.

Đấu thầu thuốc, vật tư y tế, bệnh viện được chỉ định thầu trong trường hợp cấp báchĐấu thầu thuốc, vật tư y tế, bệnh viện được chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách

SKĐS - Chính phủ vừa ban hành nghị định số 24 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu. Trong đó, đáng chú ý, Nghị định 24 đã quy định rõ các gói thầu được chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách, cấp cứu người bệnh, phục vụ phòng, chống dịch bệnh...

Thái Bình/Ảnh: Trần Minh
Ý kiến của bạn