Theo đó, Chuẩn năng lực cơ bản của Dược sĩ Việt Nam được đặt ra trong 07 lĩnh vực bao gồm: Sử dụng thuốc hợp lý; Cung ứng thuốc; Bào chế, sản xuất thuốc và nguyên liệu làm thuốc; Đảm bảo chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc; Tổ chức và quản lý; Năng lực giao tiếp – cộng tác; Hành nghề chuyên nghiệp và có đạo đức.
Cụ thể, ở lĩnh vực hành nghề chuyên nghiệp và có đạo đức phải đáp ứng được các tiêu chuẩn: hành nghề theo quy định của pháp luật; hành nghề theo quy tắc đạo đức nghề nghiệp; hành nghề phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện thực tế; học tập suốt đời.
Về năng lực giao tiếp cộng tác phải đáp ứng được các tiêu chuẩn: giao tiếp có hiệu quả; xây dựng được mối quan hệ thân thiện, hợp tác, tin tưởng với người bệnh, người chăm sóc, khách hàng, đồng nghiệp và cộng đồng; cộng tác có hiệu quả với đồng nghiệp và đối tác.
Về tổ chức và quản lý phải có kỹ năng lập kế hoạch; tổ chức làm việc hiệu quả; thông tin và ra quyết định; kỹ năng giám sát và đánh giá.
Ảnh minh họa.
Đảm bảo chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải đảm bảo tiêu chuẩn quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc; đảm bảo chất lượng thuốc trong sản xuất và cung ứng; tham gia nghiên cứu đảm bảo chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Ở lĩnh vực bào chế, sản xuất thuốc và nguyên liệu làm thuốc phải đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất, phát triển nguyên liệu làm thuốc; bào chế, sản xuất thuốc.
Lĩnh vực cung ứng thuốc, chuẩn năng lực cơ bản dược sĩ Việt Nam thì dược sĩ phải thực hiện được lựa chọn thuốc; thực hiện được mua sắm thuốc hợp lý và phù hợp với các quy định; thực hiện phân phối, cấp phát và tồn trữ thuốc; thực hiện quản lý sử dụng thuốc.
Về sử dụng thuốc hợp lý, chuẩn năng lực cơ bản dược sĩ Việt Nam yêu cầu dược sĩ tham gia xây dựng kế hoạch điều trị cho người bệnh; triển khai kế hoạch điều trị cho người bệnh; theo dõi, giám sát việc sử dụng thuốc trên người bệnh; tham gia các hoạt động thúc đẩy sử dụng thuốc hợp lý tại cơ sở y tế.
Trong từng lĩnh vực trên, người dược sĩ cần đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể khác như: Hành nghề theo quy định pháp luật; Luôn đặt sự an toàn, lợi ích của người bệnh lên trên hết; Tôn trọng, bảo vệ quyền của người bệnh và khách hàng; Thận trọng, tỉ mỉ, chính xác trong khi hành nghề; Coi trọng việc kết hợp kiến thức y dược học hiện đại với y dược học cổ truyền; Thấu cảm, thương lượng và giải quyết những băn khoăn, lo lắng của người bệnh;…
Bên cạnh đó, dược sĩ phải đáp ứng các tiêu chí liên quan đến việc triển khai kế hoạch điều trị cho người bệnh; Thực hiện quản lý sử dụng thuốc; Thực hiện phân phối, cấp phát và tông trữ thuốc; Có khả năng thực hiện được việc tổ chức và pha chế một số thuốc tại cơ sở điều trị.
Đối với xã hội sẽ tăng cường sự giám sát của xã hội với những cam kết về chất lượng đào tạo của ngành, cơ sở đào tạo; hạn chế và khắc phục tình trạng cung cấp dịch vụ y tế không đạt chất lượng hay sai lầm do thiếu năng lực.
Đối với cơ sở sử dụng và quản lý nhân lực: chuẩn hóa được năng lực cơ bản của dược sĩ Việt Nam là căn cứ để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực, kiểm soát chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng chế độ lương thưởng, đánh giá hiệu suất làm việc, xác định được các lỗ hổng kỹ năng, năng lực để có chiến lược bồi dưỡng, đào tạo lại phù hợp. Chuẩn năng lực cũng là cơ sở quan trọng để đào tạo người lao động, hoạch định việc kế nhiệm cũng như quản lý sự thay đổi. Là căn cứ quan trọng để có thể triển khai thực hiện kỳ thi quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề dược sĩ theo xu hướng hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nó cũng là thông tin quan trọng giúp cho Bộ Y tế và Nhà nước có hoạch định chính sách, quy định phù hợp trong việc bố trí, sử dụng nguồn nhân lực.