Tham dự lễ phát động, Phó thủ tưởng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đại diện một số bộ, ngành và Liên Hợp quốc, Phong trào thúc đẩy dinh dưỡng (The SUN)… đã ký cam kết thực hiện Chỉ thị số 46/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới nhằm thực hiện được các chỉ tiêu về dinh dưỡng của Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Đại diện Chính phủ, bộ, ngành, tổ chức quốc tế ký cam kết thực hiện Chỉ thị tăng cường dinh dưỡng
Mặc dù theo đánh giá của cộng đồng quốc tế, Việt Nam là một điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đặc biệt là việc giảm liên tục và bền vững tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi từ 31,9% năm 2001 xuống còn 13,8% vào năm 2016. Nhưng ngành dinh dưỡng vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn như tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi hiện vẫn còn ở mức cao; tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện như mong đợi; tình trạng thừa cân- béo phì, rối loạn chuyển hóa và các bệnh mạn tính không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng nhanh ở cả trẻ em và người trưởng thành; thể lực và tầm vóc của người Việt Nam còn hạn chế... Để giải quyết thực trạng này, Đảng, Nhà nước đã có những chỉ đạo sát sao thông qua Nghị quyết số 20/NQ-TW và Nghị quyết số 21/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương lần thứ 6 khóa XII; Chỉ thị số 46/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới yêu cầu sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động- Thương binh và xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại buổi lễ
Đối với Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bộ sẽ thực hiện 5 nội dung chính để triển khai Chị thị 46-CT-TTg bao gồm: ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến dinh dưỡng và hoạt động thể lực; xây dựng các khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm tuổi, nhóm đối tượng đặc thù...; giải quyết các vấn đề trong tình hình mới, ưu tiên việc chăm sóc dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời; đề xuất xây dựng Luật Dinh dưỡng; thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục dinh dưỡng hợp lý. Bên cạnh đó là đề nghị các địa phương đưa chỉ tiêu về cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, huy động nguồn lực tại chỗ, triển khai các can thiệp dinh dưỡng đặc thù cho các nhóm đối tượng, đặc biệt ưu tiên giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở vùng miền múi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tình trạng thừa cân, béo phì của lứa tuổi học đường ở khu vực đô thị.