Đến dự buổi mít tinh có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, đại diện các bệnh viện, cùng hàng nghìn bác sĩ, dược sĩ, cán bộ y tế, bác sĩ thú y và những người nông dân, những người làm việc trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm nông nghiệp, các viện nghiên cứu…
Phát biểu tại buổi mít tinh, PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, kháng sinh ra đời là bước ngoặt trong lịch sử y học hiện đại để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Kháng sinh không chỉ dùng trong điều trị mà còn dùng trong chăn nuôi gia súc gia cầm, thủy hải sản nhằm mục đích trị bệnh và kích thích tăng trưởng. Việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết tuy nhiên so việc sử dụng không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh không cần thiết đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh…
PGS.TS. Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM phát biểu tại mít tinh
Kháng thuốc ngày nay trở thành vấn đề không chỉ của riêng quốc gia nào mà là vấn đề toàn cầu, đặc biệt là các nước đang phát triển. Mỗi năm có khoảng hàng trăm nghìn người tử vong cho kháng thuốc và chi phí hàng chục tỷ USD cho kháng thuốc. Kháng thuốc vì thế không chỉ làm tổn hại về người mà còn làm ảnh hưởng đến kinh tế của bất kỳ quốc gia nào.
Việt Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi của WHO “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” và trở thành một trong những nước đi đầu trong việc xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2013-2020. Kế hoạch liên ngành đòi hỏi sự cam kết thực hiện của tất cả các bộ ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc, chứ không phải của ngành y tế.
“Mít tinh lần này một lần nữa tiếp tục phát động sự kết hợp của các ngành các cấp trong việc sử dụng kháng sinh có trách nhiệm. Đây là hoạt động quan trọng, thiết thực để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc phòng chống kháng kháng sinh tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói.
Đại diện ngành y tế TP.HCM, địa phương có nhiều bệnh viện tuyến cuối và có nhu cầu sử dụng kháng sinh cao, PGS.TS. Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ kêu gọi mọi nỗ lực, cam kết phối hợp thực hiện của các Sở ngành có liên quan trên địa bàn để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc, đảm bảo an ninh lương thực, sức khỏe con người. Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế tuân thủ đúng hướng dẫn và lựa chọn kháng sinh hợp lý trong quá trình điều trị cho người bệnh nhằm hạn chế nguy cơ kháng thuốc.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế (hàng đầu bìa trái) cùng các lãnh đạo y tế TP.HCM trong buổi mít tinh
Về các hoạt động phòng chống kháng thuốc, WHO hiện nay đang phối hợp với Bộ Y tế tăng cường triển khai hoạt động quản lý thuốc kháng sinh trong bệnh viện. Tiến hành tiếp cận có hệ thống và được phối hợp để tối ưu hóa việc sử dụng kháng sinh nhằm nâng cao tính hiệu quả cho người bệnh và giảm thiểu các hậu quả bất lợi, bao gồm kháng thuốc kháng sinh.
Kể từ tháng 11/2018, WHO và Bộ Y tế đã tiến hành thăm và làm việc với một số bệnh viện trên toàn quốc để hỗ trợ việc thực hiện chương trình hoạt động quản lý thuốc kháng sinh trong bệnh viện. WHO cũng sẽ hỗ trợ Bộ Y tế trong việc truyền thông thông điệp phù hợp ở tuyến cộng đồng, cơ sở. WHO cũng sẽ tiếp tục công việc của mình trong việc nâng cao năng lực để quản lý kháng thuốc tại bệnh viện và các cơ sở y tế khác; định hướng thâm nhập vào cộng đồng và “bình thường hóa” vai trò chủ đạo của từng cá nhân, từng nhóm đối tượng và các ngành nghề trong công cuộc phòng chống kháng thuốc.
Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) cũng làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm cải thiện việc sử dụng kháng sinh có trách nhiệm trong sức khỏe động vật. Trong số các hoạt động hợp tác quan trọng là một chương trình đạo tạo dành cho các nhà sản xuất thức ăn gia súc, với mục đích tăng cường quản lý sử dụng kháng sinh, các hội thảo truyền thông vận động thực thi các qui định quốc gia tập trung vào các chính quyền địa phương và khu vực tư nhân và tăng cường phối hợp giữa các ngành y tế và ngành nông nghiệp về giám sát và giảm thiểu kháng thuốc.