Động thái mạnh mẽ
QCVN này có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi nó quy định tên gọi sữa dạng lỏng bán trên thị trường hiện nay, là mặt hàng tiêu dùng nhanh cho mọi gia đình. Nói về định hướng sửa đổi QCVN, Cục trưởng An toàn thực phẩm Lê Thanh Phong cho rằng, QCVN mới đã đảm bảo công khai minh bạch tên gọi để người tiêu dùng lựa chọn; phù hợp với thực tiễn sản xuất; phù hợp hội nhập quốc tế.
QCVN sửa đổi quy định Nhóm sữa tươi gồm: sữa tươi nguyên chất, sữa tươi nguyên chất tách béo, sữa tươi, sữa tươi tách béo (cùng với đó bao bì sẽ ghi thêm công nghệ chế biến là thanh trùng hay tiệt trùng). Nhóm sữa chế biến từ sữa bột (từng được gọi là Sữa tiệt trùng) sửa đổi thành Sữa hoàn nguyên và Sữa hỗn hợp theo Codex Stan 206-1999. Cuối cùng là nhóm sữa cô đặc và sữa đặc có đường.
Cách gọi này nhận được sự đồng tình rất cao bởi phân biệt rõ sữa tươi- sữa bột, thành phần cấu thành lên sản phẩm.
Đặc biệt, tên gọi “sữa tiệt trùng”- theo các chuyên gia- chỉ phản ánh được phương pháp xử lý nhiệt trong công nghệ chế biến, không phản ánh được xuất xứ nguyên liệu đầu vào (là yếu tố cơ bản tạo ra sản phẩm). Bởi vậy việc “trả lại đúng tên” cho sản phẩm là sữa hoàn nguyên và sữa hỗn hợp là hoàn toàn chính xác.
Để tiến tới sự thay đổi này, Bộ Y tế đã lấy ý kiến rất thận trọng trong 2 năm và cuộc “chuyển mình” chỉ tiến hành được mạnh mẽ khi có sự vào cuộc của tân Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường. Động thái lắng nghe và xem xét thực tế để sửa đổi của Thứ trưởng Bộ Y tế được đánh gia là động thái hết sức tích cực để giúp người tiêu dùng tiếp cận thông tin sản phẩm nhanh chóng thông qua nhãn mác. Đồng thời đây cũng là điều kiện để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm- là giải pháp quan trọng để người tiêu dùng giám sát và kiểm tra nguồn gốc sản phẩm từ trang trại nào
Tiếng nói tích cực từ doanh nghiệp
Người kiên cường đấu tranh minh bạch tên gọi sữa suốt 7 năm qua- bà Thái Hương - Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH phân tích, ở các nước phát triển khái niệm “MILK” thường được hiểu là sữa tươi nhưng tại Việt Nam, do xuất phát điểm của thị trường phần lớn là sữa bột pha lại (thời điểm tập đoàn TH triển khai Dự án sữa TH true MILK năm 2009, thị trường sữa dạng lỏng Việt Nam có tới 92% là sữa bột pha lại). Người dân chưa có khái niệm về sữa tươi và sử dụng sữa tươi, thường nhầm tưởng cứ sữa dạng lỏng là sữa tươi nên cần làm rõ trong tên gọi để người tiêu dùng dễ phân biệt.
Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH- người đã có 5 năm lên tiếng minh bạch thị trường sữa
“Hiện tại chúng ta đang hội nhập quốc tế nhưng chúng ta đang nói đến người tiêu dùng Việt Nam. Sữa sản xuất trong nước trước hết là phục vụ người tiêu dùng Việt Nam nên tên gọi sữa tươi hay sữa bột pha lại phải rõ ràng để người tiêu dùng lựa chọn. Ngay cả các công ty quốc tế vào đây sẽ thấy Việt Nam không minh bạch vì bản chất của sữa tiệt trùng là sữa pha lại”- bà Thái Hương bày tỏ.
Qua nhiều lần lấy ý kiến sửa đổi, rất nhiều chuyên gia và đại diện các Bộ NNPTNT, Bộ Công thương đều lên tiếng về việc tên gọi “tiệt trùng” (trong khái niệm sữa tiệt trùng) “gây nhầm lẫn giữa sữa bột và sữa tươi” và đã lạc hậu so với thực tế. Vì vậy, QCVN sửa đổi chính là giải pháp để giải quyết vấn đề gây nhầm lẫn suốt 7 năm qua.
Trong QCVN 2017, sữa hoàn nguyên được định nghĩa là “Sản phẩm được bổ sung nước một lượng cần thiết vào sữa dạng bột để thiết lập lại tỷ lệ nước và chất khô thích hợp”. Trên thị trường Việt Nam hiện nay rất ít loại sữa này (do phải có công nghệ chế biến hiện đại và chi phí hoàn nguyên cao). Thực tế bản chất sữa tiệt trùng trên thị trường hiện nay là sữa bột pha lại (pha trộn các chất, trong đó có chất béo sữa hoặc béo thực vật) vào sữa bột đã tách kem, tách béo…) hoặc sữa hỗn hợp (pha trộn giữa sữa bột và sữa tươi). Bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng cần có mô tả cụ thể tỷ lệ pha trộn, các tiêu chí vi lượng để người tiêu dùng lựa chọn
Cách phân biệt sữa tươi, sữa hoàn nguyên và sữa hỗn hợp (đồ họa)
Ông Nguyễn Thanh Phong- Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng nhấn mạnh: Chính điều này mới giúp phù hợp với thực tiễn sản xuất, tiêu dùng và thị trường Việt Nam. Khái niệm sữa được phân loại minh bạch sẽ đảm bảo quyền được thông tin của người tiêu dùng, có lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp.