Ngày 12/8, Bộ Y tế tổ chức gặp mặt báo chí và cung cấp thông tin về y tế năm 2019.
Ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết, thực tế nhu cầu của người dân về sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh có chất lượng dịch vụ cao, đòi hỏi được chăm sóc toàn diện (dịch vụ theo yêu cầu) là rất lớn. Bệnh viện phải có hình thức cung cấp dịch vụ đa dạng để đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, các bệnh viện trong nước có trình độ chuyên môn tốt nhưng do chất lượng phục vụ, chăm sóc chưa đáp ứng nên thời gian vừa qua, nhiều người phải ra nước ngoài khám, chữa bệnh; người nước ngoài làm việc ở Việt Nam cũng ra nước ngoài khám, chữa bệnh. Mặt khác, hiện nay rất nhiều người dân tham gia các loại hình bảo hiểm sức khỏe thương mại.
Chính vì thế, Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập. Theo ông Liên, thông tư này chỉ áp dụng với người có nhu cầu và tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, khám, chữa bệnh theo yêu cầu.
Người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về BHYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu: thực hiện theo mức giá do Bộ Y tế quy định trong thanh toán BHYT và mức giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
Ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế.
Các bệnh viện có tận thu?
Thời gian gần đây có một số thông tin cho rằng, giá giường bệnh 4 triệu đồng/ngày là đắt ngang với khách sạn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nam Liên, giường điều trị có hàng chục loại nên không phải cứ 1 giường/1 phòng là được thu 4 triệu đồng mà các bệnh viện phải xây dựng, quyết định giá cho từng loại giường như: hồi sức tích cực, giường sau các phẫu thuật loại đặc biệt, lọai I, giường điều trị nội khoa….
Chi phí các vật tư chăm sóc người bệnh cũng phải tính theo từng loại giường. Tiền lương phải tính theo trình độ bác sĩ điều trị và mức độ chăm sóc của điều dưỡng. Người bệnh nặng, phải luôn có 1 điều dưỡng chăm sóc 24/24 giờ, người nhà không phải chăm sóc thì giá khác với giường cũng chăm sóc 24/24 giờ nhưng 1 điều dưỡng có thể phục vụ 2-3 hoặc 4 giường….
Mặt khác, do là giường dịch vụ theo yêu cầu, trên cơ sở tự nguyện của người dân nên các bệnh viện khi quyết định giá cũng phải tham khảo thị trường, nếu giá cao, chất lượng chuyên môn, phục vụ chưa tốt thì người dân sẽ lựa chọn cơ sở y tế khác – ông Nam Liên nêu rõ.
Cũng có nhiều ý kiến lo ngại với Thông tư này, các bệnh viện sẽ lạm thu, tận thu để tăng thu nhập cho cán bộ nhân viên. Ông Nam Liên cho biết, các bệnh viện không thể tận thu được, bởi sẽ có những cơ chế giám sát chặt chẽ, và các bệnh viện phải đủ điều kiện mới được khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Với các đơn vị sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu hoặc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết thực hiện các hoạt động dịch vụ theo yêu cầu thì phải có Đề án sử dụng tài sản vào mục đích liên doanh, liên kết, hoạt động dịch vụ được cấp có thẩm quyền quyết định. Được quyết định mức giá nhưng không được vượt quá mức giá tối đa quy định tại Thông tư.
Không được áp dụng ngay mức giá tối đa
Theo ông Nguyễn Nam Liên, mức giá do Bộ Y tế ban hành là mức tối đa, phù hợp với các loại bệnh viện, các loại dịch vụ đơn vị có khả năng cung cấp. Các bệnh viện không được áp dụng ngay mức giá tối đa mà phải xây dựng mức giá cụ thể của đơn vị trên cở sở chất lượng dịch vụ và điều kiện kinh tế xã hội tại địa phương, theo một trong 2 phương pháp xây dựng giá do Bộ Tài chính hướng dẫn: (1) đơn vị xây dựng định mức, tính toán chi phí để quyết định mức giá hoặc (2) so sánh mặt bằng giá thị trường của dịch vụ đó để quyết định giá.
Thông tư cũng quy định một số chỉ tiêu chất lượng về cơ sở hạ tầng, nhân lực khi các cơ sở y tế tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ theo yêu cầu. Yêu cầu các đơn vị phải công khai danh mục (khả năng cung cấp), mức giá của từng dịch vụ để người biết, lựa chọn và quyết định việc sử dụng.
Các đơn vị phải công khai mức giá của từng dịch vụ để người biết, lựa chọn và quyết định việc sử dụng. Ảnh minh họa.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về vay vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết, hợp tác công tư để đầu tư các bệnh viện, khu điều trị khang trang, hiện đại, chất lượng chuyên môn và chất lượng phục vụ cao để phục vụ các tầng lớp nhân dân.
Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân, nhất là những người có điều kiện thu nhập cao, người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh. Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam, góp phần phát triển mô hình du lịch gắn y tế, chữa bệnh ở nước ta.
Ngoài ra, góp phần phát triển các loại hình bảo hiểm y tế - sức khỏe thương mại; các gói bảo hiểm y tế bổ sung. Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất các gói bảo hiểm y tế bổ sung như: Gói bảo hiểm bổ sung không phải đồng chi trả; gói bảo hiểm bổ sung để thanh toán các chi phí KCB mà BHYT không thanh toán; gói bảo hiểm toàn diện, bao gồm cả khám, sàng lọc sớm, sử dụng các dịch vụ chất lượng cao.