Hà Nội

Bộ Y tế nhất trí tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với những mặt hàng có hại cho sức khỏe

22-11-2024 11:46 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng 22/11, cho ý kiến tại phiên thảo luận Tổ về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin, Bộ Y tế nhất trí tăng thuế đối với những mặt hàng có hại cho sức khỏe như: rượu, bia, thuốc lá…

Tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá là cần thiết

Phát biểu ý kiến tại Tổ 13, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế nhất trí với mục đích, quan điểm và sự cần thiết ban hành dự Luật này, đặc biệt đối với vấn đề định hướng để tăng thuế TTĐB với những mặt hàng có hại cho sức khỏe như: thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường vào danh mục chịu thuế.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, các quy định của dự thảo Luật nhằm thể chế hóa các cơ chế, định hướng tại Nghị quyết số 20 về bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân từ 2017 đã được BCH Trung ương thông qua; cũng như Chiến lược quốc gia về phòng, chống thuốc lá đến 2030.

Bộ Y tế nhất trí tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với những mặt hàng có hại cho sức khỏe- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại phiên thảo luận Tổ về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sáng 22/11.

"Theo WHO, tăng thuế là một trong những biện pháp hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất để giảm tiêu thụ các sản phẩm có hại tới sức khỏe hoặc không lành mạnh, từ đó giúp giảm tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm như: ung thư, bệnh tim mạch, hô hấp và tiểu đường ở Việt Nam, cũng như góp phần giảm đáng kể gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm, giảm chi phí cho hệ thống y tế và nền kinh tế do bệnh không lây nhiễm gây ra trong tương lai", Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Đi vào nội dung cụ thể, việc đánh thuế TTĐB đối với thuốc lá, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, sử dụng thuốc lá được WHO đánh giá là nguyên nhân gây nên 28 nhóm bệnh. Ước tính Việt Nam hằng năm có vài chục nghìn ca bệnh chết liên quan đến bệnh do các nhóm bệnh gây ra. Ngoài ra, sử dụng thuốc lá còn làm tăng chi phí y tế và tổn thất kinh tế. Theo ước tính thì tổn thất hằng năm lên đến 108 nghìn tỷ đồng và thuế thu nhập chỉ đạt khoảng 1/5. Tỷ lệ nam giới hút thuốc lá ở nam giới ở Việt Nam vẫn còn cao.

Bộ Y tế nhất trí tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với những mặt hàng có hại cho sức khỏe- Ảnh 2.

Theo khuyến cáo của WHO, Việt Nam cần tăng thuế đối với thuốc lá lên 65%.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, thuế TTĐB đối với thuốc lá tại Việt Nam hiện nay còn rất thấp, chiếm 34-38%, trong khi đó ở các nước trên thế giới trung bình khoảng 62%. Có những nước như: Thái Lan 81%, Indonesia là 72,9%, singapore là 66,3%.

Hiện Chính phủ đang đề xuất 2 phương án trong dự thảo. Nhưng theo Bộ Y tế nghiêng về phương án 2 để làm sao đẩy nhanh hơn tăng thuế thuốc lá để giảm bớt người nghiện hoặc sử dụng thuốc lá. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của WHO, Việt Nam cần tăng thuế lên tới 65%.

Áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường phù hợp với xu thế quốc tế

Đối với đánh thuế rượu bia, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, WHO đánh giá và có bằng chứng khoa học rằng, sử dụng rượu bia là nguyên nhân gây ra 30 nhóm bệnh tật và rối loạn sức khỏe, bao gồm: sơ gan, ung thư và các rối loạn tâm thần do rượu. Đặc biệt, rượu bia cũng gây nên vấn đề thương tích và tử vong do TNGT và là yếu tố nguy cơ gây nên bạo lực gia đình.

Uống rượu bia cũng gây nên 46 nghìn ca tử vong trong năm 2021 (chiếm 6% tỷ lệ tử vong hằng năm). Về phía Bộ Y tế, theo tính toán thì tỷ lệ sử dụng rượu bia cũng tăng rất cao: Năm 2020 là 9,3l cồn/người trưởng thành. Vì vậy, Bộ Y tế cũng thống nhất đối với phương án 2 như dự thảo Luật.

Bộ Y tế nhất trí tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với những mặt hàng có hại cho sức khỏe- Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Liên quan đến thuế đối với đồ uống có đường, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin, hiện đã có bằng chứng đối với việc tăng lượng đồ uống có đường sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường, tim mạch, loãng xương, béo phì… từ đó làm tăng các nguy cơ các bệnh khác, trong đó có bệnh ung thư.

Ở Việt Nam, tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có đường tăng gấp 4 lần trong 15 năm vừa qua: từ 18,5l/người năm 2009 lên 66l/người năm 2023 là yếu tố góp phần tăng tỷ lệ béo phì ở thanh thiếu niên từ gấp đôi từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Những người này có nguy cơ mắc bệnh mạn tính, rối loạn sức khỏe do thừa cân béo phì và ảnh hưởng đến cuộc sống sau này.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh: "Việc áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường là phù hợp với xu thế quốc tế và thực tế hiện nay. Ít nhất đã có 104 quốc gia trên thế giới và 6 quốc gia trong ASIAN áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường".

Bên cạnh đó, Bộ Y tế nhất trí đối với đề xuất của Chính phủ trong việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát theo TCVN, còn đối với các loại đồ uống khác sẽ có lộ trình về áp thuế sau khi đã thực hiện ổn định đối với nước giải khát có đường. Tuy nhiên, về thuế suất thì WHO gửi cho Bộ Y tế đề nghị là mức thuế TTĐB cao hơn so với mức đề xuất đề ra là 10% trên giá bán của doanh nghiệp.

Rượu, bia, thuốc lá, đồ uống có đường phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệtRượu, bia, thuốc lá, đồ uống có đường phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

SKĐS - Sáng 22/11, trình bày Tờ trình về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, luật này quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, hoàn thuế, khấu trừ thuế và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.

.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn