Clip Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến Phát biểu tại Lễ nhận giải cao quý toàn cầu về phòng chống tác hại của thuốc lá
Ngày 7/3/2018, Hội nghị toàn Thế giới về Phòng, chống tác hại thuốc lá với chủ đề “Thuốc lá hay sức khoẻ” lần thứ 17 được tổ chức tại thành phố Cape Town, Nam Phi. Hội nghị có sự tham gia của trên 100 quốc gia với hơn 2000 đại biểu. Đến dự Hội nghị có sự tham dự của ông Tedros Adhanom Ghebreyesus-Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); ông Micheal Bloomberg-Đại sứ toàn cầu của WHO về các bệnh không lây nhiễm, nhà sáng lập quỹ Bloomberg Philanthropy; Bộ trưởng Y tế của một số nước (Nam Phi, Việt Nam,Uganda, Thổ Nhĩ Kỳ, Achentina, Senegal…).
Hội nghị lần này tiếp tục ghi nhận việc sử dụng thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong với trên 7 triệu người chết hàng năm. Hội nghị kêu gọi nỗ lực của tất cả các quốc gia cùng hành động và đưa công tác phòng chống tác hại của thuốc lá vào các mục tiêu về sức khỏe và phát triển của mỗi quốc gia. Hội nghị tiếp tục nhấn mạnh Công ước Khung FCTC là nền tảng và là cam kết toàn cầu chống lại nạn dịch thuốc lá. Đây là Công ước được thông qua nhanh nhất với 181 nước đã phê chuẩn và thực hiện sau 10 năm. Tại buổi khai mạc toàn thể các diễn giả cũng cảnh báo về các cách thức mới của ngành công nghiệp thuốc lá để làm suy yếu các nỗ lực phòng chống tác hại của thuốc lá trên toàn thế giới.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị toàn Thế giới về “Thuốc lá hay sức khỏe”
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Giám đốc WHO- ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng:”Việc sử dụng thuốc lá không chỉ gây hại đến sức khỏe mà còn gây tổn hại đến kinh tế, môi trường, giáo dục và bình đẳng xã hội, đồng thời là một rào cản lớn của sự phát triển bền vững ở tất cả các quốc gia. Đây là thời điểm mà tất cả các nhà lãnh đạo các quốc gia cần phải thực hiện các chính sách mạnh mẽ để bảo vệ người dân khỏi nạn dịch thuốc lá”.
Ông Micheal Bloomberg phát biểu: “Các biện pháp kiểm soát thuốc lá đã cứu được gần 35 triệu người trên toàn thế giới. Tuy nhiên, trong khi các quốc gia đang tiếp tục các nỗ lực thì ngành công nghiệp thuốc lá cũng đang đẩy mạnh việc tìm kiếm người tiêu dùng mới, đặc biệt là giới trẻ. Chúng ta không thể dừng lại vì ngành công nghiệp thuốc lá vẫn tiếp tục lừa dối công chúng trong nỗ lực lôi kéo người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm của mình”.
Bộ trưởng Y tế đại diện cho Việt Nam lên nhận giải thưởng toàn cầu về phòng chống tác hại thuốc lá cùng các quốc gia
Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá dẫn đầu cùng với ông Vũ Văn Dũng, Đại sứ ĐMTQ nước CHXHCN Việt Nam tai Nam Phi; PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá; PGS.TS. Trần Thị Giáng Hương, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Y tế cùng đại diện Bộ Tài chính và các tổ chức phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam đã tham dự Hội nghị.
Nhân dịp này, Bộ Y tế Việt Nam đã được vinh danh và nhận giải thưởng toàn cầu của Quỹ Bloomberg vì những nỗ lực và thành tích trong theo dõi, giám sát sử dụng thuốc lá và các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đại diện cho Việt Nam nhận giải thưởng quan trọng này.
Bộ trưởng Y tế đại diện cho Việt Nam lên nhận giải thưởng toàn cầu về phòng chống tác hại thuốc lá cùng các quốc gia
Phát biểu tại Lễ Trao giải, Đại sứ Toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới về các bệnh không lây nhiễm, cựu Thị trưởng thành phố New York Mayor Michael R. Bloomberg đã chúc mừng các quốc gia được nhận giải thưởng lần này, trong đó có Việt Nam vì những thành tựu nổi bật trong việc thực hiện chính sách theo dõi, giám sát tình hình sử dụng thuốc lá và các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá. “Hơn một thập kỷ qua, những nỗ lực của toàn cầu trong phòng chống tác hại của thuốc lá đã đạt được những tiến bộ ngoài sức tưởng tượng – nhưng chúng ta vẫn còn chặng đường rất dài phía trước và những người được vinh danh ngày hôm nay chính là những người tiên phong để dẫn dắt con đường phía trước”, ông Mayor Michael R. Bloomberg nhấn mạnh.
Giải thưởng năm nay được trao theo mỗi tiêu chí của nhóm chính sách phòng chống tác hại của thuốc lá (MPOWER) của Tổ chức Y tế thế giới. Nhóm chính sách MPOWER bao gồm: (M): Giám sát tình hình sử dụng thuốc lá và các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá; (P): Bảo vệ mọi người khỏi tác hại của thuốc lá; (O): Hỗ trợ cai nghiện thuốc lá; (W): Cảnh báo về tác hại của thuốc lá trên bao bì thuốc lá và trên các phương tiện truyền thông đại chúng; (E): Cấm quảng cáo, khuyến mại và Tài trợ thuốc lá; (R): Tăng thuế thuốc lá.
Mỗi một chính sách trong nhóm chính sách MPOWER có một giải thưởng. Bộ Y tế Việt Nam được vinh dự nhận giải thưởng trong việc thực hiện chính sách Theo dõi Giám sát sử dụng thuốc lá và các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá (M).
● Giải thưởng trong việc thực hiện chính sách “Giám sát tình hình sử dụng thuốc lá và các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá” (M): Bộ Y tế Việt Nam.
● Giải thưởng trong việc thực hiện chính sách Bảo vệ mọi người khỏi tác hại của thuốc lá (P): Quỹ đoàn kết y tế (FOSALUD) của El Salvador.
● Giải thưởng trong việc thực hiện chính sách Hỗ trợ cai nghiện thuốc lá (O): Quỹ liên Mỹ về bệnh tim của Mexico.
● Giải thưởng trong việc thực hiện chính sách Cảnh báo về tác hại của thuốc lá trên bao bì và các phương tiện truyền thông đại chúng (W): Bộ Y tế Senegal
● Giải thưởng trong việc thực hiện chính sách Cấm quảng cáo, khuyến mại và Tài trợ thuốc lá (E): Tổ chức sức khỏe người tiêu dùng Uganda .
● Giải thưởng trong việc thực hiện chính sách Tăng thuế thuốc lá: Bộ Y tế, Bộ Tài chính và tổ chức FIC của Ác-hen-ti-na
Tại Lễ trao giải Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã gửi lời cảm ơn Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ Từ thiện Bloomberg và các tổ chức trong nước và quốc tế đã luôn ủng hộ và đồng hành cùng Bộ Y tế Việt Nam trong hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá nói riêng và các bệnh không lây nhiễm nói chung.
Trong những năm qua, Bộ Y tế đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành và các tổ chức chính trị xã hội trình Quốc hội ban hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và thành lập Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá. Luật quy định một số nội dung quan trọng như: Cấm hút thuốc hoàn toàn (100% không khói thuốc) tại các địa điểm công cộng trong nhà; In cảnh báo sức khoẻ bằng hình ảnh chiếm 50% diện tích các mặt trưng bày chính của bao thuốc; Cấm hoàn toàn việc quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá và hạn chế trưng bày thuốc lá tại điểm bán lẻ; Thành lập Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (VNTCF) từ khoản đóng góp bắt buộc của các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc lá.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị toàn Thế giới về “Thuốc lá hay sức khỏe”
Quỹ PCTH của thuốc lá do Hội đồng quản lý liên ngành chỉ đạo thực hiện, chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Y tế và thành viên là lãnh đạo các Bộ ngành và tổ chức chính trị xã hội. Trong thời gian qua, nhờ có hỗ trợ của Quỹ PCTH của thuốc lá đã hỗ trợ cho các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và tất cả các tỉnh, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp về PCTH của thuốc lá. Quỹ tập trung hỗ trợ cho hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của việc sử dụng thuốc lá, thực hiện môi trường không khói thuốc, hỗ trợ cai nghiện thuốc lá, ngăn ngừa sử dụng thuốc lá trong giới trẻ…
Điều tra toàn cầu về tình hình hút thuốc lá ở người trưởng thành do Bộ Y tế phối hợp với Tổng cục thống kê, Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức kiểm soát bệnh tật của Hoa Kỳ thực hiện cho thấy: Tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới trưởng thành giảm khoảng 2% (giảm từ 47,4 xuống 45,3); Tỷ lệ hút thuốc thụ động nơi làm việc giảm 13,3% (55,9 xuống 42,6); Hút thuốc thụ động trong nhà giảm 13,2% (73,1 xuống 59,9); Hút thuốc thụ động trên phương tiện GTCC giảm 15% (giảm từ 43,4 xuống 19,4); Hút thuốc thụ động trong trường đại học giảm 16,4% (54,3 xuống 37,9).