Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay, số mắc trong 7 ngày qua tăng 3,8 lần so với trước đó. Chiều 13/4, Bộ Y tế đã có những trao đổi xung quanh công tác phòng chống dịch.
Theo GS.TS Phan Trọng Lân- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, việc đánh giá tình hình dịch COVID-19 sẽ dựa trên 3 yếu tố.
Thứ nhất, là virus SARS-CoV-2. Đến thời điểm này, biến thể phụ Omicron đã xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Biến thể này hiện đang lưu hành hầu hết các nơi trên thế giới và đang chiếm ưu thế. Các chuyên gia nhận thấy đây là biến thể có đặc tính lây lan nhanh, nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng về tăng ca nặng. Những nơi có tăng ca nặng là do số mắc tăng tương ứng.
Một điểm cần lưu ý là đặc tính hiệu quả của vaccine trong phòng lây nhiễm với biến thể Omicron còn hạn chế, tuy nhiên khả năng phòng chuyển nặng, nhập viện, tử vong thì hiệu quả.
Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá những người đã tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đã mắc, hầu hết đều có miễn dịch – do vaccine hoặc do mắc phải. "Chính yếu tố này làm các trường hợp khi mắc phải có biểu hiện nhẹ hơn, ít hơn hoặc không có triệu chứng"- GS.TS Phan Trọng Lân cho biết.
Mặc dù hiện nay tỷ lệ nặng/mắc không có sự gia tăng đáng kể, kể cả đối với Việt Nam. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng lưu ý, các đối tượng như người lớn tuổi, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai dễ chuyển biến nặng và có nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19. Do đó cần tuân thủ việc tiêm vaccine phòng COVID-19 đúng lịch, đủ liều theo các hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế.
Thứ hai, là môi trường sống, hành vi của người dân. Biến thể Omicron có đặc điểm lây lan nhanh. Hiện nay hầu hết các nước đã mở cửa, nới lỏng toàn bộ các biện pháp phòng chống dịch kể cả ở những nước có sự lây nhiễm cao. Cùng đó việc giao lưu đi lại sau 3 năm đại dịch gia tăng rất lớn, thậm chí ngay trong nước cũng làm gia tăng sự giao tiếp. Những sự giao lưu này đã tạo điều kiện cho virus lây lan sang đối tượng khác.
Thời gian qua hoạt động phòng chống dịch của chúng ta đạt hiệu quả nhờ đẩy mạnh tiêm vaccine. Vì thế, người dân có tâm lý chủ quan với biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn, chính điều này làm gia tăng sự lây nhiễm.
Trên thực tế, hiện nay tại nước ta số mắc tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc – nơi đang có sự giao mùa. Thống kê hiện nay là đã tăng khoảng gần 4 lần với tuần trước đó. Bên cạnh đó, thời tiết hiện nay thuận lợi cho sự phát triển của virus, ý thức của con người, đặc biệt là việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, cơ sở khám chữa bệnh có lúc có nơi chưa đảm bảo.
Thứ ba, về biện pháp đáp ứng, vũ khí hiệu quả để Việt Nam mở cửa sớm từ tháng 3/2022 là do chúng ta đã bao phủ vaccine phòng chống dịch COVID-19 rất sớm. Với liều cơ bản, chúng ta bảo phủ gần như 100% cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên, mũi 3, 4 cũng đạt tỷ lệ cao 80-90%, việc tiêm cho trẻ từ 5 đến - dưới 12 tuổi mũi 1 cũng lên đến 90%, mũi 2 là gần 77%. Tuy nhiên có nơi, có chỗ tỷ lệ tiêm chưa đạt như mong muốn, đặc biệt ở đối tượng nguy cơ cao
"Đánh giá chung tình hình thì số mắc COVID-19 trong thời gian tới có thể có sự gia tăng. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang ở cấp độ dịch 1- tất cả đều màu xanh. Cấp độ này không chỉ đánh giá trên số mắc mà còn dựa trên ca nặng, độ bao phủ vaccine và đáp ứng đảm bảo thu dung điều trị"- GS.TS Phan Trọng Lân nói.
Cục trưởng Phan Trọng Lân cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, cần theo dõi sát các số liệu. Các tỉnh, thành phố đẩy mạnh tăng cường rà soát cấp độ dịch, công bố thông tin để người dân biết và phòng chống, tránh sự hoang mang cũng như chủ quan của người dân. Cấp độ dịch này có ý nghĩa, ở cấp xã, phường, phát hiện sớm nhất, khoanh vùng hiệu quả nhất, xử lý dịch tại nguồn để không ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, xã hội.
GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế trả lời phỏng vấn báo chí.