Bộ Y tế: Người dân cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sỹ, lương y, tư vấn dùng sản phẩm chữa bệnh

22-05-2023 18:27 | Y tế

SKĐS - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng cần cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sỹ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm chữa bệnh; đồng thời cũng cần cảnh giác với các clip giới thiệu từng là các bệnh nhân, dùng sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể khỏi bệnh.

Ngày 22/5, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế phát thông tin cho biết hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện một số clip có hình ảnh nhân vật tự xưng là nhân viên y tế tại các bệnh viện lớn, lương y, tư vấn bệnh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe là thuốc chữa bệnh để bán sản phẩm.

Cục An toàn thực phẩm cho biết theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: "Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm".

Facebook giả mạo TS.BS Phan Hướng Dương để bán sản phẩm cho người bệnh.       

Như vậy bất kỳ bác sỹ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.

Người tiêu dùng cần cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sỹ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm chữa bệnh. Người tiêu dùng cũng cần cảnh giác với các clip giới thiệu từng là các bệnh nhân, dùng sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể khỏi bệnh.

Việc tin theo các nội dung quảng cáo sai sự thật khiến người bệnh không đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh kịp thời sẽ bỏ qua giai đoạn điều trị khỏi bệnh, không những tổn thất về kinh tế mà còn tổn hại tới sức khỏe.

Trong thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm đã liên tục cảnh báo người dân cần lưu ý các điểm sau đây trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe:

  • Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.
  • Tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/https://nghidinh15.vfa.gov.vn/  trước khi quyết định chọn mua sản phẩm;
  • Đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe;
  • Chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có ghi Tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và Nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng;
  • Mua sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên.

Liên quan đến những thông tin này, mới đây, TS.BS Phan Hướng Dương - Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã lên tiếng về việc bị kẻ xấu lập Facebook giả mạo tên tuổi để quảng cáo bán thuốc điều trị bệnh đái tháo đường và đưa ra các thông tin sai lệch về bệnh này.

Đồng thời PGS.TS Hướng Dương lưu ý người dân cần cẩn trọng trước các thông tin trên mạng xã hội để tránh bị lừa đảo, đồng thời đã báo cáo cơ quan chức năng xử lý.

Mới đây nhất, Bệnh viện TW Quân đội 108 nhận được một đoạn clip có âm thanh và ký tự trên clip mạo danh bác sĩ của Bệnh viện chia sẻ và giới thiệu cuốn sách mang tên "Minh triết trong ăn uống của người phương Đông".

Cụ thể, người này khẳng định cuốn sách mới có thể chữa bệnh cho mọi người chứ không phải các phương pháp y học hiện đại.

Không những vậy, một số cá nhân đã chia sẻ đoạn clip trên lên trang Facebook, tiêu biểu như tài khoản H.V.N (có đến 203.000 người theo dõi) nhằm tạo niềm tin rằng "bác sĩ Quân y 108" đã khẳng định chỉ cần áp dụng "liệu pháp chữa lành tự nhiên" là "chữa tất cả" và dần dẫn dắt người dân mua thực phẩm chức năng.

Theo Bệnh viện TW Quân đội 108, việc mạo danh, lấy thương hiệu "bác sĩ Quân y 108" để trục lợi cá nhân, mua bán các thực phẩm chức năng, thuốc, sách… làm ảnh hưởng tới uy tín của Bệnh viện TW Quân đội 108, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, tạo những tư tưởng sai sự thật.

Ngày 22/5: Ca COVID-19 mới tăng lên 1.222, có 1 bệnh nhân ở Hà Nội tử vongNgày 22/5: Ca COVID-19 mới tăng lên 1.222, có 1 bệnh nhân ở Hà Nội tử vong

SKĐS - Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 22/5 của Bộ Y tế cho biết, có 1.222 ca mắc mới, tăng gần 300 ca so với ngày trước đó; Hôm nay có 1 bệnh nhân COVID-19 ở Hà Nội tử vong.

Thái Bình
Ý kiến của bạn