Hà Nội

Bộ Y tế: Mỗi cụm dân cư có 50 - 100 ca COVID-19 sẽ có một Trạm y tế lưu động

21-08-2021 19:05 | Y tế

SKĐS - Theo hướng dẫn của Bộ Y tế mỗi cụm dân cư có khoảng 50-100 trường hợp mắc COVID-19 được cách ly tại nhà sẽ có một trạm y tế lưu động.

Ngày 21/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký Quyết định 4042/QĐ BYT ban hành Hướng dẫn tạm thời mô hình trạm y tế lưu động trong bối cảnh dịch COVID-19. 

Kết nối chăm sóc, quản  lý người mắc COVID-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện

Theo đó, trạm y tế lưu động có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng, kết nối giữa chăm sóc, quản lý người mắc COVID-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn được giao.

Trạm y tế lưu động có các nhiệm vụ: Quản lý, theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà và tại cộng đồng; Xét nghiệm COVID-19, bao gồm tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh, tổ chức lấy mẫu và gửi các phòng xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR, tổ chức cách ly F0 tại nhà hoặc nơi cách ly tập trung, hướng dẫn xét nghiệm bằng test nhanh. 

Bộ Y tế: Mỗi trạm y tế lưu động quản lý 50- 100 người bệnh COVID-19 - Ảnh 1.

Kiểm tra các thiết bị y tế, bình oxy phục vụ người mắc COVID-19 tại Trạm y tế lưu động số 1 tại phường 11, Quận 3 (Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Tiêm chủng vaccine COVID-19, bao gồm quản lý danh sách người cần tiêm chủng trên địa bàn, thực hiện công tác tiêm chủng, theo dõi phản ứng sau tiêm, sơ cấp cứu và chuyển tuyến các trường hợp có phản ứng muộn sau tiêm; tư vấn chuyển tuyến các trường hợp cần tiêm tại cơ sở y tế; Truyền thông về COVID-19; 

Và khám, điều trị, cấp thuốc cho người mắc các bệnh khác.

Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nêu rõ tùy theo điều kiện của địa bàn, UBND cấp xã chọn một cơ sở phù hợp cho trạm y tế lưu động làm việc, có thể là nhà văn hóa tổ dân phố, trường học, trung tâm thể thao, cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn...

Địa bàn không thể chọn được các công trình sẵn có, xem xét làm nhà dã chiến, nhà di động để phục vụ cho trạm hoạt động. Cơ sở làm việc tối thiểu phải bố trí nơi trực, tiếp đón, khám và tư vấn, nơi nằm theo dõi trong trường hợp cần thiết, khu vệ sinh, tắm rửa, có nước sạch, điện, thu gom rác thải y tế và chỗ ngủ cho nhân viên y tế.

Mỗi xã phường có thể nhiều trạm y tế lưu động

Theo hướng dẫn trên, tùy theo tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, mỗi xã/phường/thị trấn có thể thiết lập một hoặc nhiều trạm y tế lưu động, đảm bảo mỗi cụm dân cư có khoảng 50-100 trường hợp nhiễm COVID-19 được cách ly tại nhà thì có một trạm y tế lưu động. 

Một trạm y tế lưu động được giao phụ trách một cụm dân cư, có thể là các tổ dân phố của các phường khác nhau, không phụ thuộc địa giới hành chính.

Về nhân lực, Trung tâm y tế tuyến huyện và lực lượng hỗ trợ bố trí đủ nhân lực cho Trạm y tế lưu động hoạt động. Mỗi trạm y tế lưu động có tối thiểu 05 nhân viên y tế, trong đó có ít nhất 01 bác sỹ phụ trách, còn lại là điều dưỡng và các nhân viên y tế khác; có tối thiểu 01 nhân viên y tế nắm rõ địa bàn dân cư được giao. 

Ngoài nhân viên y tế trong biên chế, có thể huy động sự tham gia của đội ngũ y tế tư, nhân viên y tế đã nghỉ hưu trên địa bàn. Trong trường hợp nguồn nhân lực y tế tại địa phương không đáp ứng đủ, huy động thêm nhân viên y tế và các tình nguyện viên từ địa phương khác.

Ngoài nhân viên y tế, chính quyền cấp xã có trách nhiệm huy động thêm các nhân lực khác trên địa bàn, như Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên phường, Tổ dân phố… để tham gia hỗ trợ nhân viên y tế về dẫn đường, trực điện thoại, kết nối với các hộ gia đình và các hoạt động cần thiết khác của Trạm y tế lưu động.

Trang thiết bị cần có của trạm y tế lưu động

Trạm y tế lưu động cần được trang thiết bị thiết yếu cho phòng, chống COVID-19 gồm:

- Xe lăn, hoặc xe đẩy, cáng khiêng.

- Nhiệt độ, huyết áp, ống nghe.

Máy đo SpO2 (tối thiểu 10 chiếc để có thể hỗ trợ đo nhiều gia đình trên địa bàn được giao).

- Có ít nhất 2 bình loại 5 lít, túi oxy và 2 đồng hồ đo áp suất oxy; 2 mặt nạ thở oxy và các phụ kiện cần thiết khác để sử dụng oxy cho người bệnh.

- Các đồ bảo hộ phòng, chống lây nhiễm SARS-COV-2, khẩu trang, găng tay, cồn khử khuẩn, kính chắn giọt bắn...

- Các sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-COV-2.

- Bộ dụng cụ lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm RT-PCR.

- Có ít nhất 2 số điện thoại thường trực tiếp nhận thông tin từ các gia đình có người nhiễm COVID-19 cách ly tại nhà.

- Máy tính có kết nối Internet để sử dụng phần mềm chuyên dụng trong theo dõi, cập nhật thông tin sức khỏe trường hợp COVID-19, thành viên gia đình F0 và người dân sống trên địa bàn có dịch.

Ngoài ra, tùy thuộc theo nhu cầu thực tế, bố trí các trang thiết bị trong danh mục trang thiết bị thiết yếu dành cho trạm y tế xã/phường/thị trấn cho trạm y tế lưu động.

Căn cứ nhu cầu thực tế, sử dụng các thuốc thiết yếu trong danh mục thuốc dành cho trạm y tế cấp xã và các loại thuốc điều trị COVID-19 tại cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch hoạt động của 389 trạm y tế lưu động để quản lý 50-100 trường hợp F0/trạm. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Chính quyền các tỉnh, thành phố phải điều hành hoạt động của các trạm y tế lưu động này và có ưu tiên để các trạm kết nối được với lực lượng cấp cứu cơ động có chức năng chuyển tuyến, bố trí xe cấp cứu chuyển bệnh nhân cần cấp cứu lên tuyến trên kịp thời

Mời các bạn xem video đang được quan tâm:

Bên trong Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Việt Đức tại Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh |#COVID_19

Thái Bình
Ý kiến của bạn