PV: Thưa bà, các kết quả giám sát của Bộ Y tế về thủy hải sản ở 4 tỉnh miền Trung đến nay đã có kết quả thế nào?
Bà Trần Việt Nga: Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành kiểm tra chất lượng thủy sản, hải sản tại các tỉnh ven biển miền Trung sau sự cố do Formosa gây ra. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy các mẫu hải sản lấy tại 4 tỉnh miền Trung thời gian qua có tỉ lệ vượt ngưỡng về kim loại nặng đã giảm nhiều, tính an toàn đã tăng lên.
Bộ Y tế đã chỉ đạo lấy 420 mẫu hải sản tươi trong những tháng qua để làm xét nghiệm. Kết quả này đã được thông báo đến Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tháng 7-2016, kết quả xét nghiệm ghi nhận 7/27 mẫu không đạt. Đến ngày 19.8.2016 còn 1/18 mẫu được xét nghiệm không đạt về chỉ tiêu kim loại nặng. Như vậy mẫu cá không an toàn đã giảm dần.
Ngày 22.8 vừa qua sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố nước biển khu vực 4 tỉnh miền Trung đã an toàn cho tắm biển, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên các loại thủy hải sản khu vực này đã có thể ăn được hay chưa, theo quan điểm của Bộ Y tế cần tiếp tục lấy mẫu giám sát, xét nghiệm hàng ngày tất cả các loại cá tại tất cả các cảng cá ở 4 tỉnh miền Trung trong những ngày tới để có thêm các đánh giá để có thể khẳng định chính xác mức độ an toàn của thủy hải sản đối với sức khỏe con người. Kết quả kiểm nghiệm những loại thủy hải sản này sẽ được Hội đồng Khoa học của Bộ Y tế đánh giá và đưa ra quyết định có nên ăn cá ở khu vực này hay không. Dự kiến cuối tháng 8 Hội đồng khoa học sẽ họp và đến đầu tháng 9 mới có thể công bố các mẫu cá biển miền Trung có an toàn để ăn hay không.
PV: Bà có thể giải thích vì sao trên một số báo có đưa thông tin kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm ngày 22.8 có một số mẫu cá có chỉ số phenol và Cyanua vẫn vượt ngưỡng an toàn?
Bà Trần Việt Nga: Tôi xin nhấn mạnh là thông tin mà Bộ Y tế công bố chỉ có 1/18 mẫu cá được xét nghiệm là không đạt về chỉ tiêu kim loại nặng là kết quả xét nghiệm được thực hiện đến ngày 19.8, trước khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố thông tin nước biển miền Trung an toàn vào ngày 22.8.
Về chỉ số Phenol và Cyunua hiện nay không có nước nào trên thế giới có quy định về ngưỡng giới hạn. Hai chỉ số này chỉ là để so sánh với chỉ số ô nhiễm môi trường trong suốt thời gian trong và sau khi xảy ra sự số môi trường Formosa.
Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm
PV: Có một số thông tin cho rằng đang có sự bất nhất về kết quả kiểm nghiệm. Tháng 5-2016, Bộ Y tế đã từng công bố lấy 140 mẫu nước ăn, rau ăn và hải sản ở vùng biển bị ảnh hưởng kết quả xét nghiệm đều nằm trong ngưỡng an toàn. Đến nay lại công bố kết quả trên 420 mẫu hải sản tươi được lấy trong 2 tháng 5,6, cùng thời gian lấy 140 mẫu kể trên, thì tỷ lệ ô nhiễm kim loại rất cao. Bà có thể giải thích rõ hơn thông tin này không?
Bà Trần Việt Nga: Tôi xin khẳng định lại 420 mẫu là tổng số mẫu hải sản tươi sống được lấy trong khoảng thời gian từ khi sự cố môi trường xảy ra đến thời điểm công bố (tức là từ cuối tháng 4 đến ngày 19/8/2016). Ngoài các mẫu hải sản tươi sống, Bộ Y tế còn lấy mẫu đối với: hải sản chết, muối biển, nước biển, nước ăn, rau… ở các địa phương xảy ra sự cố. Công bố của Bộ Y tế tháng 5/2016 là kết quả kiểm nghiệm 140 mẫu được lấy và kiểm nghiệm đến thời điểm đó, bao gồm nước ăn, rau ăn và một số hải sản tươi sống tại các vùng bị ảnh hưởng chứ không phải toàn bộ 140 mẫu là hải sản tươi sống nên xin khẳng định lại là: không có sự bất nhất trong kết quả kiểm nghiệm hải sản ở miền Trung.
PV: Vì sao, Cục An toàn thực phẩm lại phải rất thận trọng khi đưa ra khuyến cáo có ăn được cá hay không trong khi Bộ Tài nguyên Môi trường đã khẳng định biển miền Trung đã an toàn?
Bà Trần Việt Nga: Việc kết luận cá biển ăn được hay không cần có thời gian bởi liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân. Chỉ cần có 1 mẫu cá thu thập được kiểm tra mà không an toàn, thì khả năng cá biển ô nhiễm gây hại cho sức khỏe con người vẫn còn. Vì vậy, phải cần có thêm thời gian để giám sát, xét nghiệm các mẫu cá. Chỉ đến khi các mẫu cá đều an toàn, các chỉ số nằm trong giới hạn cho phép mới công bố cá biển miền Trung đã ăn được.
Hiện những địa điểm Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố có thể nuôi cá lồng bè trở lại, cá sống được trong môi trường nước biển an toàn đó thì có nghĩa là về cơ bản có thể khai thác cá ở những nơi đó. Tuy nhiên, Bộ Y tế thấy vẫn cần thận trọng, sẽ phải giám sát thêm để có kết luận chính xác nhất về việc liệu cá ở những nơi đó có thể ăn được hay không.
PV: Hiện nay, tại một số tỉnh miền Trung vẫn còn tình trạng thủy hải sản đánh bắt về được lưu giữ tại các kho lạnh. Vậy những hải sản này có được kiểm nghiệm trước khi đưa ra thị trường không, có an toàn không, thưa bà?
Bà Trần Việt Nga: Liên quan đến lượng hải sản đông lạnh được trữ trong các kho lạnh tại 4 tỉnh, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị chỉ đạo phân loại hải sản đánh bắt trước và trong thời điểm xảy ra sự cố môi trường và gửi danh sách các lô cần xét nghiệm để ngành y tế lấy mẫu, kiểm nghiệm. Đối với hải sản đánh đánh bắt trong thời gian xảy ra sự số hoặc để lẫn lộn không phân định được thời gian đánh bắt thì cần tiêu hủy toàn bộ, không được phép bán ra thị trường. Bộ Y tế cũng đã khuyến cáo người dân không được sử dụng những sản phẩm thủy hải sản chết và hải sản đông lạnh không rõ thời gian đánh bắt để làm thực phẩm.
PV: Nếu các kết quả xét nghiệm cá tại 4 tỉnh miền Trung trong những ngày tới vẫn phát hiện các chỉ số không an toàn thì Bộ Y tế sẽ xử lý thế nào?
Bà Trần Việt Nga: Theo quan điểm của tôi nếu kết quả xét nghiệm cá vẫn chưa đạt các chỉ số an toàn thì vẫn tiếp tục khuyến cáo người dân chưa nên sử dụng. Chỉ khi nào thật sự an toàn thì mới nên ăn. Kể cả khi kết quả giám sát đã an toàn rồi, Cục An toàn thực phẩm vẫn tiếp tục chỉ đạo các Viện thường xuyên lấy mẫu để xác định độ an toàn để người dân thật sự yên tâm khi ăn cá.
Xin chân thành cám ơn bà!