Hôm nay - 17/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm mua sắm thuốc và đề xuất kiến nghị nhằm chia sẻ những kinh nghiệm về mua sắm thuốc của quốc tế, đồng thời ghi nhận những khó khăn, vướng mắc từ các địa phương, đơn vị để đóng góp cho quá trình xây dựng Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu, mua sắm trong thời gian tới.
Về cơ bản các khó khăn vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư... đã được tháo gỡ
Tham dự hội thảo có đại diện một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Hiệp hội bệnh viện tư nhân, các doanh nghiệp kinh doanh dược và các đơn vị liên quan. Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối điểm cầu Hà Nội với trên 200 điểm cầu khu vực miền Bắc và miền Trung thu hút hàng trăm đại biểu tham gia, chia sẻ và trao đổi ý kiến.
Trước hội thảo này, thời gian qua Bộ Y tế đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo phổ biến thông tin về nhiều nội dung liên quan đến công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế bao gồm cả lĩnh vực y dược cổ truyền.
Lãnh đạo Bộ Y tế đã tham dự các diễn đàn này để lắng nghe những ý kiến quan tâm của các Sở Y tế, các bệnh viện, đơn vị liên quan về quá trình triển khai thực hiện đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế; đồng thời giao các chuyên gia giải đáp những quan tâm của các bệnh viện, cơ sở y tế nhằm mục tiêu kịp thời hướng dẫn các đơn vị - chủ đầu tư thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm đảm bảo tuân thủ đúng quy định...
Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm mua sắm thuốc và đề xuất kiến nghị, ông Đỗ Trung Hưng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết trước những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động mua sắm đấu thầu nói chung và hoạt động mua sắm đấu thầu thuốc và thiết bị y tế nói riêng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Y tế đã ban hành rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, mua sắm đấu thầu thuốc và thiết bị y tế.
Sau một thời gian triển khai Bộ Y tế đã ghi nhận tại một số địa phương, đơn vị, về cơ bản các khó khăn vướng mắc đã được tháo gỡ. Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật.
Trên cơ sở đề xuất của các Bộ, ngành có liên quan, hiện nay Chính phủ cũng đang trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số Luật, trong đó có Luật Đấu thầu.
Mua sắm thuốc tại nhà thuốc, khoa dược bệnh viện thế nào?
Tại hội thảo, ông Hoàng Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) đã chia sẻ các quy định mua sắm thuốc tại nhà thuốc, khoa dược bệnh viện theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn trong đó tập trung vào phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu và nguyên tắc áp dụng trong đó nhấn mạnh cơ sở y tế công lập được tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình, cụ thể trong các trường hợp:
- Mua thuốc không thuộc danh mục thuốc do quỹ BHYT chi trả;
- Mua vaccine để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ;
- Lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu sử dụng vốn do tổ chức, cá nhân trong nước tài trợ mà nhà tài trợ yêu cầu không lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu;
- Gói thầu của đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng nguồn vốn vay, trừ vốn tín dụng đầu tư của nhà nước, vốn vay lại từ vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài;
- Lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, dịch vụ phi tư vấn phục vụ trực tiếp cho gói thầu mà đơn vị sự nghiệp công lập đã trúng thầu;
- Tổ chức lựa chọn nhà thầu ở nước ngoài của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập;
- Thuê, mua, thuê mua nhà, trụ sở, tài sản gắn liền với đất.
Bên cạnh đó ông Cương cũng chia sẻ các nội dung về kế hoạch lựa chọn nhà thầu; những thông tin về căn cứ lập giá gói thầu và vấn đề tùy chọn mua thêm cũng như hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu.
Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu đến từ nhiều bệnh viện, cơ sở y tế quan tâm trong khi thảo luận tại hội thảo.
Giải đáp thêm ông Cương cho hay, các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu bao gồm: đàm phán giá, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp, chào hàng cạnh tranh, tự thực hiện...
Đối với trường hợp phát sinh hình thức lựa chọn nhà thầu khác, có tính ưu việt, sử dụng phương tiện điện tử tiến bộ, hiện đại, Chính phủ quy định: Mua sắm trực tuyến, chào giá trực tuyến...
Tại hội thảo, đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã chia sẻ về quy định mua sắm thuốc trong khu vực công lập tại một số nước ASEAN và Trung Quốc, cho biết mua sắm thuốc công (PPM) là một chiến lược nhằm thúc đẩy tính cạnh tranh và cải thiện khả năng tiếp cận thuốc, đồng thời giải quyết các mục tiêu chính sách quan trọng hơn, bao gồm đảm bảo an ninh cung ứng, bảo vệ môi trường và cải thiện việc chuẩn bị ứng phó cho các khủng hoảng có thể xảy ra.
Mua sắm tập trung ở khu vực công lập là hình thức mua sắm phổ biến ở các nước ASEAN và Trung Quốc. Tùy theo cơ chế quản lý mà mỗi nước tổ chức triển khai phù hợp với đặc điểm của thể chế chính trị và hệ thống y tế.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng được nghe đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi về những điểm mới trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu.
Cũng tại hội thảo, đại diện các Vụ, Cục chuyên môn thuộc Bộ Y tế đã chủ trì thảo luận, giải đáp các vấn đề triển khai mua thuốc tạị nhà thuốc bệnh viện/khoa dược theo quy định Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 và các văn bản hướng dẫn; triển khai quy trình mua sắm thuốc trong giai đoạn chuyển tiếp của các quy định tại Luật Giá và Luật Dược; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 07/2024/TT-BYT ngày 17/5/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về đấu thầu tại cơ sở y tế công lập; đề xuất nội dung sửa đổi Thông tư số 07/2024/TT-BYT ngày 17/5/2024; cho ý kiến đối với dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu.