Bộ Y tế kiểm tra “điểm nóng” sốt xuất huyết

02-08-2016 16:49 | Tin nóng y tế

SKĐS - Ngày 2-8, Đoàn công tác số 1 của Bộ Y tế đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết (SXH) ở Gia Lai-một trong những “điểm nóng” về SXH của khu vực Tây Nguyên thời gian gần đây.

Được biết, với gần 3.500 ca mắc SXH tại 17/17 huyện, thị xã, UBND tỉnh Gia Lai đã phải gửi công điện khẩn đến ngành y tế yêu cầu tập trung phòng chống cao độ, khẩn trương khống chế, phun hóa chất diệt muỗi, lăng quăng/ bọ gậy dập tắt ngay các ổ dịch. Tuy vậy, số bệnh nhân vẫn tăng lên từng ngày. Tại Gia Lai, bệnh SXH bùng phát mạnh nhất tại TP.Pleiku (gần 1.000 ca), tiếp đến là các huyện Đắc Đoa, Ia Grai, Chư Sê, Đắc Pơ...

Bên cạnh yếu tố thời tiết, do đang là mùa mưa làm gia tăng SXH tại Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng trong năm nay, qua kiểm tra thực tế tại khu vực này cho thấy, vẫn còn có tình trạng các gia đình để nhiều lốp xe phế thải đọng nước ở quanh nhà làm ổ để sinh sôi muỗi gây bệnh và các bể tôn chứa nước mở nắp không được xử lý, nên muỗi vào đẻ trứng và nhiều lăng quăng/bọ gậy phát triển.

Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)-Trưởng Đoàn công tác số 1 cho biết, người dân trong khu vực phần lớn là người dân tộc ít người, dân trí còn thấp, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. 3/5 hộ gia đình tại Gia Lai được kiểm tra đều có sử dụng vật chứa nước sinh hoạt không đậy nắp, nhiều lốp (vỏ) xe cũ không còn sử dụng để ngoài vườn, chai lọ, chum vại và các vật linh tinh chứa nước đọng không được xử lý nên muỗi vào đẻ trứng và nhiều lăng quăng/bọ gậy phát triển.

Tại buổi kiểm tra, lãnh đạo Bộ Y tế đã yêu cầu địa phương và cơ quan liên quan cần phải có kế hoạch, giải pháp phòng, chống cụ thể đối với từng khu vực có dịch; mới phát hoặc chưa xuất hiện SXH; đồng thời tiếp tục tuyên truyền nâng cao hơn nữa nhận thức của nhân dân về phòng, chống SXH kết hợp phun thuốc diệt bọ gậy, phát quang bụi dậm, khai thông cống rãnh... nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan rộng và6 bùng phát.


Cán bộ y tế kiểm tra các bể chứa nước có lăng quăng tại tổ 15, thị trấn Phú Túc- Gia Lai

Ảnh báo Gia Lai

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong tháng 7, toàn quốc ghi nhận 5561 trường hợp mắc, 2 trường hợp tử vong. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 44.859 trường hợp mắc tại 46 tỉnh, thành phố, trong đó có 14 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2015 (17.229 ca/12 tháng) số mắc tăng 2,6 lần. Riêng tại 4 tỉnh Tây Nguyên (gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum), tính đến hết tháng 7, ngoài 4 ca tử vong còn ghi nhận có gần 8.000 ca SXH. Bộ Y tế đã tổ chức 8 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch SXH tại 18 tỉnh trọng điểm trong tháng 8-2016, trong đó có Gia Lai và Kon Tum.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH tại Tây Nguyên, ngày 2/8, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở y tế trong và ngoài công lập trực thuộc ngành tăng cường công tác phòng chống, điều trị SXH.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, trong 7 tháng đầu năm 2016, số mắc SXH ghi nhận trên địa bàn thành phố là 494 trường hợp (giảm 12% so với cùng kỳ năm 2015 là 560 trường hợp), số mắc tản phát, chưa ghi nhận có ổ dịch lớn và trường hợp tử vong. Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành vi của người dân trong việc phòng bệnh, từ đầu năm đến nay, TTYT dự phòng Hà Nội cũng đã tổ chức nhiều chiến dịch hướng dẫn cộng đồng diệt muỗi, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng, chống bệnh do vi rút Zika, SXH.Về chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, sau khi kết thúc đợt 1 trên toàn thành phố đã tổ chức được gần 500 chiến dịch ở 22 quận, huyện với gần 1,3 triệu hộ gia đình được kiểm tra, diệt bọ gậy đạt 96,3%; hơn 1,5 triệu dụng cụ chứa nước trong các hộ gia đình, cơ quan, trường học, công trường đã được kiểm tra, xử lý loại bỏ bọ gậy đạt 100%; thả hơn 83.000 con cá, hóa chất diệt bọ gậy ở những nơi muỗi thường xuyên đẻ trứng, trong các dụng cụ chứa nước của người dân.

Trước diễn biến dịch SXH tại Tây Nguyên, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp tục tổ chức, phổ biến, tập huấn về cách chẩn đoán và điều trị bệnh SXH theo quy định của Bộ Y tế. Đáp ứng đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu để cấp cứu và điều trị cho người bệnh. Đồng thời, duy trì hiệu quả đường dây nóng để tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, cũng như yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết. Mặt khác, tăng cường khám sàng lọc để phát hiện sớm các ca bệnh, thông báo cho TTYT Dự phòng, TTYT quận, huyện, thị xã để xử lý ổ dịch tại cộng đồng và báo cáo dịch theo quy định.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn