Ngày 19/4, Các Đoàn công tác của Bộ Y tế đã đi kiểm tra công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân sởi tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
* Tại Hà Nội, Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã đến kiểm tra công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân sởi tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn.
Bộ trưởng Y tế kiểm tra công tác khám chữa bệnh nhân sởi tại Bệnh viện Xanh Pôn. Ảnh:KTDT
Sau khi kiểm tra thực tế công tác điều trị sởi tại BV Xanh Pôn, Bộ trưởng đã đánh giá cao nỗ lực của tập thể Bệnh viện Xanh Pôn trong công tác điều trị cho bệnh nhân sởi, đồng thời yêu cầu bệnh viện cần tập trung tối đa mọi nguồn lực, đảm bảo giảm thiểu tối đa ca mắc sởi tử vong, có khu điều trị cách ly cho bệnh nhân, thực hiện phân tuyến bệnh nhân ngay từ tuyến dưới, hạn chế tối đa chuyển lên tuyến trên gây quá tải, tránh lây nhiễm chồng chéo; các bệnh viện cần phân tuyến riêng các ca nghi sởi ngay từ khâu khám sàng lọc…; phấn đấu giảm tối đa ca mắc sởi bị tử vong và bị biến chứng do sởi.
Xanh Pôn là một trong những Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nhi trung ương, vì vậy, tại đây dành khu vực điều trị riêng trong khoa Nhi cho các bệnh nhân mắc sởi. Trong ngày 19-4, Bệnh viện đang điều trị cho 112 bệnh nhân sốt phát ban dạng sởi và sởi, trong đó có 100 trẻ điều trị tại khoa Nhi tổng hợp và 12 trẻ tại khoa Nhi tăng cường. Hiện có hai trường hợp phải thở máy, năm thở cpap và 14 thở ô xy.
Bộ trưởng Y tế họp chỉ đạo về phòng chống dịch sởi tại Bệnh viện Xanh Pôn. Ảnh: KTDT
Từ khi bệnh sởi có chiều hướng gia tăng, ngay tại khoa Khám bệnh của Bệnh viện Xanh Pôn đã thực hiện việc phân luồng bệnh nhân nghi sởi, đồng thời bố trí riêng một khoa trong khoa Nhi tổng hợp với 40 giường điều trị. Ngoài ra, Bệnh viện luôn đáp ứng đầy đủ các vật tư tiêu hao, thuốc điều trị và được tăng cường thêm các trang thiết bị từ các bệnh viện tuyến dưới và Bộ Y tế hỗ trợ.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, ngành Y tế Hà Nội cần phải mở khóa tập huấn về phòng, chống các dịch bệnh liên tục cho các cán bộ y tế từ phường, xã, thị trấn đến tuyến quận, huyện, thị xã; tuyên truyền để người dân hiểu tác dụng của tiêm chủng nói chung và tiêm vắc xin sởi nói riêng, đồng thời triển khai tiêm vắc xin sởi trong độ tuổi và tiêm vét sởi.
Để phòng tránh lây chéo trong bệnh viện và chuẩn bị tiếp nhận thêm bệnh nhân sởi từ Bệnh viện Nhi Trung ương chuyển xuống, tuyến dưới chuyển lên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc chỉ đạo, ngay trong ngày 19/4, Bệnh viện Xanh Pôn sử dụng tầng 4 khu nhà điều trị Nội mới với 50 giường bệnh để điều trị cho các bệnh nhân sởi. Đối với các Bệnh viện Thanh Nhàn, Đống Đa, Hà Đông và Đức Giang, Sở Y tế đi kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân sởi ngay trong ngày 19 và 20/4).
Trước tình hình bệnh nhân mắc sởi tăng cao, thành phố đã giao cho các quận, huyện, thị xã và ngành y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu; các cơ quan liên quan cần nắm bắt đối tượng lây nhiễm sởi; các bệnh viện phải báo cáo hàng ngày tình hình bệnh nhân sởi và số ca đang điều trị; tiêm chủng vét cho số trẻ còn lại. Tính đến hết ngày 18/4, Hà Nội đã có 79,8% trẻ đi tiêm chủng phòng sởi.
Cũng trong ngày 19/4, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống bệnh sởi tại quận Ba Đình.
*Cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Y tế do GS.TS. Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã tới kiểm tra công tác điều trị và phòng chống dịch bệnh sởi tại huyện Thạch Thất - Hà Nội.
Báo cáo của huyện Thạch Thất cho thấy, tính đến ngày 18/4, trên địa bàn huyện đã ghi nhận 33 trường hợp mắc sốt phan ban nghi sởi rải rác ở 17 xã. Trong đó có 7 trường hợp có xét nghiệm dương tính với sởi thuộc các xã: Cần Kiệm, Bình Yên, Thạch Hòa, Phùng Xá, Bình Phú, Kim Quan và Đại Đồng.
Đối tượng mắc chủ yếu là trẻ dưới 1 tuổi chiếm 85%, trẻ 5-10 tuổi chiếm 6% và trên 15 tuổi là 9%. Trong đó ca sởi đầu tiên trên địa bàn huyện xuất hiện vào ngày 20/1/2014. Hiện nay 28 bệnh nhân đã khỏi bệnh; 5 bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện (Xanh Pôn, Thạch Thất và 3 trường hợp điều trị tại nhà). Tại bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất hiện có 5 trường hợp đang được điều trị tại phòng cách ly và chờ kết quả xét nghiệm. Tuy nhiên chỉ có 1 bệnh nhân là có biểu hiện rõ về lâm sàng. Đoàn công tác Bộ Y tế đã đề nghị bệnh viện đa khoa bố trí cho 4 bệnh nhân còn lại được điều trị ở một phòng riêng, tránh trường hợp bị lây nhiễm chéo .
Huyện đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch, gồm ban hành các văn bản phòng chống dịch; tập huấn về giám sát sốt phát ban nghi sởi cho các cán bộ trạm y tế các xã, thị trấn và nhân viên y tế thôn bản; chủ động giám sát dịch trên địa bàn; việc tiêm chủng vắcxin phòng sởi được 2036/2117 số trẻ, đạt 96,3%, tăng cường thông tin tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng chống dịch sởi…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực cố gắng của huyện trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua, đồng thời chỉ rõ: Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo phòng chống dịch khẩn trương rà soát lại các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng và tiến hành tiêm vét, tránh bỏ sót đối tượng; các cơ sở y tế, trạm y tế xã phường tăng cường công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ về lợi ích của tiêm chủng cũng như ý thức tự giác phòng chống bệnh từ cộng đồng; khoanh vùng dịch và dập dịch đối với bệnh nhân ngoài cộng đồng. Thứ trưởng nhấn mạnh, các cơ sở y tế cần tổ chức cách ly bệnh nhân nhiễm bệnh, tránh việc lây nhiễm trong cơ sở bệnh viện.
* Tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 19/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra phòng chống dịch sởi.
Để trực tiếp nắm tình hình sàng lọc, điều trị bệnh nhân sởi tại TP. Hồ Chí Minh, Đoàn công tác Bộ Y tế đã tiến hành thăm và kiểm tra tại các khoa Nhiễm của BV Bệnh Nhiệt đới, BV Nhi Đồng 1 và BV Nhi đồng 2. Đoàn ghi nhận tình hình thực tế về sự tiếp tục gia tăng của bệnh sởi nhưng hiện đã không còn tình trạng bệnh nhân ồ ạt nhập viện như trong “cao điểm” tháng 3. Số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tính từ đầu năm đến nay, TP có 1.350 ca mắc sởi, chưa ghi nhận ca nào tử vong. Bệnh nhân nhập viện tăng chủ yếu ở các BV tuyến cuối và BV chuyên khoa Nhiễm tại thành phố.
Thứ trưởng Lê Quang Cường cùng đoàn Bộ Y tế thăm bệnh nhân tại BV Nhiệt đới TPHCM
Theo ghi nhận của Bệnh viện Nhi đồng 1 từ đầu năm đến ngày 17/4, BV tiếp nhận 1.002 ca nhập viện điều trị sốt phát ban dạng sởi. Số ca bệnh vẫn tăng liên tục qua 3 tháng đầu năm với: 178 ca - tháng 1; 238 ca - tháng 2; 348 ca - tháng 3 và trong nửa đầu tháng 4 là 238 ca. Số ca nội trú chiếm 60% tổng số ca mắc sởi. Trong đó, 11,7% (117 ca) biến chứng viêm phổi. Hiện tại, Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 có 35 trẻ đang điều trị nội trú, với 11 ca viêm phổi. Trong khi đó, tại bệnh viện Nhi đồng 2, hiện có 74 bệnh nhi đang nằm viện. Trong đó, 8 ca biến chứng viêm phổi nặng. Tại 2 BV Nhi, bệnh nhân sởi đều được điều trị tập trung ở khu vực cách lý, tránh tối đa lây nhiễm chéo trong BV.
Riêng BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, giám đốc BV cho biết, ừ đầu năm đến nay, BV đã tiếp nhận và điều trị nội trú cho 843 ca bệnh sởi. Trong đó có 132 ca là trẻ dưới 3 tuổi và 214 ca sởi người lớn (31%). Sởi có biến chứng viêm phổi là 367 ca nhưng chưa có ca tử vong xảy ra. Hiện BV có 54 bệnh nhân sởi đang nằm điều trị tại BV. Trong đó có 33 bệnh trẻ em và 18 ca bệnh là người lớn. 3 trường hợp trẻ em đang được hỗ trợ thông khí bằng oxy gọng mũi, tình trạng tạm ổn định và không có bệnh nhân phải thở máy trong ngày.
Đáng chú ý, tỷ lệ nhập viện khoảng 95% khi mà có 938 ca đến khám thì có 843 nhập viện điều trị. Không ít trong số đó BS nói có thể về điều trị tại nhà nhưng vẫn “đòi” nhập viện nên BV không thể từ chối được. Theo BS Châu, công tác điều trị sởi cả người lớn và trẻ em vẫn được thực hiện tốt, bệnh nhân được theo dõi sát sao tại khu cách ly và điều trị dành riêng cho bệnh nhân sởi. Một số trường hợp sởi trên cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, người già đã được ghi nhận. Máy thở không gặp phải tình trạng bị thiếu vì may mắn trong giai đoạn này, bệnh Tay chân miệng và cúm không có nhiều ca nặng phải thở máy nên có máy dự phòng cho bệnh nhân sởi nặng.
Đánh giá về tình hình điều trị tại các BV, TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biêt, việc phân luồng bệnh nhân, hồi sức và khu cách ly điều trị sởi được BV triển khai khá tốt. Tuy nhiên cần tránh lây nhiễm chéo trong BV, lưu ý trong sử dụng máy lạnh ở các phòng bệnh tập trung bệnh nhân sởi để tránh tạo điều kiện cho vi rút phát tán, lây lan đồng thời tránh nguy cơ gây viêm phổi vì lạnh cho bệnh nhân sởi.
Về vấn đề phân luồng, sàng lọc bệnh nhân, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường góp ý với các BV nên tạm thời phân luồng ngay bệnh nhân khám sởi và các bệnh khác từ khoa khám bệnh hoặc nếu được thì từ ngay cổng vào bằng băng rôn, loa phát thanh, bàn hướng dẫn các bệnh nhân có biểu hiện phát ban, ho sốt nghi mắc sởi. Thứ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch vẫn tiếp tục gia tăng, công tác truyền thông cần chính xác, cụ thể và hiệu quả hơn nữa. TP,HCM in và phát rất nhiều tờ rơi, tuy nhiên hình thức này tốn kém và độ phủ chưa cao vì TPHCM là nơi tập trung rất đông dân cư. Cho nên, nên cho phát thêm video về phòng chống dịch bệnh, tuyên truyền tiêm ngừa ở các khu vực đông người tại các BV. Đồng thời, Thứ trưởng cũng chỉ đạo các BV nghiên cứu cập nhật, áp dụng hướng dẫn điều trị mới sao cho hợp với phác đồ hiện đang sử dụng. Kịp thời tập huấn phác đồ mới cho các tỉnh. Tăng cường giám sát, tập trung điều trị để tránh không để tình trạng tử vong xảy ra.
Tuân Nguyễn- Hạ Hiền -Hải Yến
- Bệnh sởi và những biến chứng
- Nguyên tắc chữa sởi của Hải Thượng Lãn Ông
- Trước nguy cơ bệnh sởi quay trở lại: Chủng ngừa bằng vắc-xin nào?
- Món ăn thuốc cho người bệnh sởi
- Dự phòng và điều trị bệnh sởi thế nào?
- Bệnh sởi, Đông y chữa thế nào?
- Không tiêm phòng sởi, trẻ bị biến chứng viêm phổi suýt chết
- Chủ quan với sởi, nhiều trẻ bị “bỏ quên” tiêm chủng
- Phân biệt sởi và thủy đậu
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm bệnh nhân sởi
- Bệnh sởi hoành hành, vì sao?
- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thị sát bệnh sởi tại BV Nhi TW
- Thành lập 5 đoàn kiểm tra phòng chống dịch bệnh sởi tại Hà Nội và TP.HCM
- Chưa công bố dịch sởi, vì sao?
- Phòng chống bệnh sởi cho trẻ em: Xin đừng nhẫn tâm câu view
- Thực phẩm phòng sởi hiệu quả cho bé
- Những sai lầm của cha mẹ khiến cho bệnh sởi ở trẻ càng thêm nặng
- Người lớn cũng cần đề phòng sởi
- Đề xuất thanh toán BHYT đối với các ca sởi vượt trần
- Tình hình bệnh sởi ở một số địa phương
- Cảm động thầy thuốc suốt đêm bóp bóng cho bệnh nhi sởi
- Thủ tướng yêu cầu khẩn trương dập tắt dịch sởi
- Hà Nội: Từ 20/4 sẽ tiêm miễn phí vaccin sởi cho trẻ nhỏ
- Dịch sởi ở châu Âu và Mỹ do cha mẹ bỏ quên tiêm chủng
- Hoạt hình ý nghĩa về bệnh sởi
- Người lớn chủ quan với bệnh sởi
- Chẩn đoán và điều trị bệnh sởi như thế nào?
- Bức xúc trò trục lợi kiếm tiền từ dịch sởi
- Trị bệnh sởi theo phương pháp Đông y
- Tin nóng: Bệnh sởi đã có dấu hiệu giảm
- Bộ Y tế quyết liệt khống chế bệnh sởi
- Sẽ có thuốc kháng virus chặn đứng bệnh sởi?
- Cách phòng tránh bệnh sởi cho trẻ dưới 9 tháng
- Chữa bệnh sởi bằng bài thuốc cổ truyền
- Lời khuyên điều trị của chuyên gia khi trẻ mắc sởi
- 57,4% số trẻ trong diện tiêm được tiêm phòng sởi
- Hà Nội: Từ 20/4 sẽ tiêm miễn phí vaccin sởi cho trẻ nhỏ