Trong ngày hôm nay (4/6), Đoàn công tác của Bộ Y tế sẽ đi kiểm tra hoạt động của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch, trong đó có dịch bệnh MERS- CoV
Đoàn sẽ kiểm tra tại một số bệnh viện như: Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, về công tác chuyên môn, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, vấn đề vệ sinh…. trong bệnh viện.
Trước đó, chiều ngày 3/6, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long làm trưởng đoàn đã tới kiểm tra công tác phòng, chống dịch MERS-CoV tại sân bay quốc tế Nội Bài. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh MERS-CoV tại sân bay quốc tế Nội Bài. Đặc biệt, sân bay đã triển khai được tờ khai y tế và máy đo thân nhiệt đối với khách nhập cảnh đến từ các vùng có dịch. Thứ trưởng khẳng định, Việt Nam hoàn toàn tự tin có khả năng kiểm soát dịch bệnh MERS -CoV. Bên cạnh đó Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng mong muốn người dân khi khi di chuyển từ các vùng có dịch về cần tăng cường giám sát, khi phát hiện có tình trạng bị viêm đường hô hấp, đau rát họng cần phải đến khai báo ngay tại các cơ sở y tế, đồng thời thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành y tế về phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác phòng chống dịch MERS- CoV tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài
Đại diện Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế (Sở Y tế Hà Nội) cho biết: Để chủ động ngăn chặn, phòng chống dịch MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế đã xây dựng “Kế hoạch tăng cường công tác phòng chống lây nhiễm hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông do virus Corona (MERS-CoV)” tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Trước đó, Bộ Y tế Việt Nam đã làm việc với Tổ chức y tế thế giớii về diễn biến của MERS - CoV cũng như nguy cơ lây lan sang Việt Nam. Tại cuộc hop Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định có sự lây lan thế hệ thứ 3, tất cả các trường hợp nhiễm trùng thứ phát đều bị lây lan trong môi trường bệnh viện, do sự bất cẩn của nhân viên y tế khi xếp các bệnh nhân nằm chung phòng. Chưa có bằng chứng cụ thể về khả năng lây nhiễm trong cộng đồng.
Thực hiện khai báo y tế với hành khách đến từ vùng dịch để ngăn chặn dich bệnh vào Việt Nam
Tuy nhiên, Tố chức y tế thế giới khuyến cáo ngành y tế Việt Nam cần triển khai một số việc để phòng chống dịch bệnh này:
Thứ nhất, tăng cường quản lý ca bệnh và kiểm soát nhiễm khuẩn trong các bệnh viện. Các cán bộ y tế, người chăm sóc là những người có nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh, nên cần tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn như: rửa tay, đeo khẩu trang thường xuyên khi tiếp xúc với người bệnh có triệu chứng sốt, ho…
Thứ hai, cần cung cấp thông tin kịp thời cho người dân, đủ nhưng tránh gây hoang mang.
Thứ ba, cần thành lập các lớp tập huấn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh MERS-CoV, cùng với tập huấn điều trị các bệnh truyền nhiễm khác.
Thông tin từ cuộc họp cho biết, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch để có những thông tin kịp thời đến từng người dân qua các cửa khẩu và sân bay quốc tế. Đối với nhóm người Việt Nam đi lao động ở các nước đang có dịch MERS-CoV lưu hành như các nước Trung Đông, Bộ Y tế sẽ sớm có các biện pháp hỗ trợ thông tin phòng, chống dịch bệnh kịp thời.
Hiện toàn cầu ghi nhận 1.200 trường hợp nhiễm MERS-CoV, trong đó đã có 400 trường hợp tử vong.
Thái Bình