Tham gia đoàn kiểm tra của Bộ Y tế có lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Cục Khoa học và Đào tạo, Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh.
Đoàn đã kiểm tra công tác quản lý điều trị F0 tại nhà và hoạt động của trạm y tế lưu động ở phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên. Đồng thời, trao đổi với BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang các vấn đề liên quan công tác giám sát dịch tễ, tiêm chủng, xét nghiệm, xử lý môi trường y tế, điều trị và truyền thông, đồng thời đưa ra các đề xuất để An Giang hoàn thiện công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
Đối với công tác điều trị, An Giang chủ động việc quản lý F0 tại nhà, tiếp cận các loại thuốc điều trị F0 như Molnupiravir, Avigan; xây dựng liên kết tốt hơn giữa các tầng điều trị, có thể tính đến việc kết hợp tầng 2 và tầng 3, phát triển mô hình cơ sở điều trị đa tầng để tối ưu hóa trang thiết bị và nhân viên y tế; xây dựng mô hình bệnh viện chị - em giữa các cơ sở điều trị tầng 2 và tầng 3 nhằm đảm bảo công tác chuyển tuyến của bệnh nhân được thuận lợi.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp, tỉnh An Giang không được chủ quan lơ là, cần phát hiện F0 để kịp thời chăm sóc điều trị, ngăn chặn nguy cơ trở nặng và tử vong.
“An Giang cần xây dựng kế hoạch xét nghiệm phù hợp với tình hình, đồng thời duy trì hệ thống quản lý F0 tại nhà và hệ thống điều trị hiệu quả”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu tập trung giám sát dịch tễ đối với những người có triệu chứng đến khám tại các cơ sở y tế và các nơi tập trung đông người, đặc biệt tại các nhà máy, xí nghiệp nơi có đông công nhân tập trung làm việc.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang, tổng số ca COVID-19 của tỉnh từ ngày 15/4/21 đến 2/12/21 là 23.527, hiện có 5.584 ca đang điều trị. Tỉnh đã triển khai thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; áp dụng cách ly tại nhà, hiện đang có 8.198 trường hợp.
An Giang áp dụng mô hình điều trị tháp 3 tầng với mạng lưới 34 cơ sở có tổng số giường 4.570. Tầng 3 bao gồm 4 bệnh viện tuyến tỉnh đang điều trị cho 317 bệnh nhân nặng và nguy kịch. Trong những ngày gần đây số ca tử vong có chiều hướng tăng (ngày 1/12 có 17 ca tử vong).
Tỉnh đã triển khai các trạm y tế lưu động để chăm sóc điều trị F0 tại nhà, phát triển phần mềm riêng để quản lý 3.600 trường hợp và thực hiện điều trị bằng thuốc kháng virus Molnupiravir cho kết quả khả quan, không có trường hợp nào được sử dụng Molnupiravir mà bị tử vong.
An Giang nhận được sự hỗ trợ về nhân lực điều trị của Bệnh viện Bạch Mai và hai bệnh viện của TP Hồ Chí Minh, trong đó nhóm chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai vừa hỗ trợ điều trị vừa tập huấn các kỹ thuật hồi sức tích cực hiện đại.
Hiện tỉnh này đã tiến hành bao phủ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, theo đó tiêm mũi 1 đạt tỷ lệ 96,41% người trên 18 tuổi và mũi 2 đạt 88,16%. Gần 83% trẻ em từ 12-17 tuổi đã được tiêm vaccine. Đây là tỉ lệ bao phủ cao đối với một số tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
TS.BS Trần Quang Hiền - Giám đốc Sở Y tế An Giang cho hay với việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, trong đó bao phủ vắc xin cho người từ 50 tuổi trở lên đạt 82,9%, nên tỉnh An Giang đang ở cấp độ dịch 2.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định An Giang đã thực hiện tốt Nghị quyết 128 của Chính phủ và đem lại sắc thái mới cho công tác phòng chống dịch, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới, đặc biệt An Giang đã thực hiện tốt việc bao phủ vaccine.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đặc biệt ấn tượng về công tác tiêm chủng cho trẻ em tại An Giang với tỷ lệ bao phủ cao và không có sự cố đáng tiếc xảy ra. Đối với việc tiêm chủng cho công nhân tại các khu công nghiệp, cần bố trí thời gian nghỉ ngơi cho công nhân trước khi tiêm chủng và theo dõi sau tiêm đúng quy định. Tỉnh cũng cần xây dựng kế hoạch về tiêm vắc xin bổ sung và tiêm nhắc lại theo hướng dẫn ngày 1/12 của Bộ Y tế.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn lưu ý tỉnh cần truyền thông mạnh để người dân có triệu chứng bệnh cần thông báo cho y tế cơ sở để được hỗ trợ kể cả trong trường hợp không phát hiện mắc COVID-19.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cảm ơn đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đã đề xuất những ý kiến thực tế và có giá trị để tỉnh đưa ra những chỉ đạo thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn và mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ của Bộ Y tế để kiểm soát tốt tình hình dịch.
Mời các bạn xem thêm video đang được quan tâm: