Hà Nội

Bộ Y tế khuyến khích nhà sản xuất chủ động ghi nhãn dinh dưỡng để người tiêu dùng biết

20-04-2019 11:20 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Việc nhà sản xuất chủ động công bố ghi nhãn dinh dưỡng giúp cho người tiêu dùng dễ nhận biết tổng năng lượng, đạm, béo, tinh bột và muối, đường trong sản phẩm... để lựa chọn sản phẩm có lợi cho sức khoẻ

 

Thông tin đưa ra tại hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm ghi nhãn" do Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế tổ chức ngày 19/4, cho biết, hiện  đã có nhiều quy định liên quan đến việc ghi nhãn thực phẩm, trong đó, có thể kể đến như Nghị định 100/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo, hay Nghị định 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hoá, Nghị định 09/2016/NĐ-CP quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm… đặc biệt là Thông tư liên tịch 34/TTLT-BYT-BNNVPTNN-BCT hướng dẫn ghi nhãn hàng hoá cho một số thực phẩm và phụ gia thực phẩm, thực phẩm chế biến sẵn đóng gói.

Theo đó, các nội dung bắt buộc phải ghi nhãn đó là: tên sản phẩm, thành phần cấu tạo, định lượng sản phẩm, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm, xuất xứ, số Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận, các khuyến cáo, cảnh báo an toàn thực phẩm.

“Mặc dù việc ghi nhãn sản phẩm đã được điều chỉnh bởi nhiều quy định như đã nêu trên, tuy nhiên, việc ghi nhãn dinh dưỡng thì lại chưa có quy định bắt buộc”- TS Trương Đình Bắc- Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra tiêu chí dinh dưỡng Nutrient Profiling (NP) là cách phân loại thực phẩm dựa trên thành phần dinh dưỡng với mục tiêu phòng chống bệnh tật và tăng cường sức khỏe. Bộ tiêu chí này yêu cầu ghi nhãn dinh dưỡng bao gồm thành phần muối, tổng đường, chất béo... giúp người tiêu dùng hiểu được thành phần sản phẩm.

Theo TS Bắc, việc ghi nhãn giúp người dùng xác định lượng calo và chất dinh dưỡng trong một khẩu phần thực phẩm như chất béo, đường, đạm, vitamin và khoáng chất... "Nhờ thông tin trên nhãn, người tiêu dùng sẽ lựa chọn thực phẩm phù hợp với sức khỏe"- TS Bắc nói.

Cục Y tế dự phòng dự kiến tổ chức điều tra đánh giá thành phần thực phẩm bao gói sẵn được sử dụng nhiều ở Việt Nam. Sau đó, Cục phối hợp với các cơ quan khác ban hành quy định phù hợp về ghi nhãn dinh dưỡng và vận động các nhà sản xuất thực phẩm áp dụng.

Hội thảo là một hoạt động hưởng ứng Chương trình Sức khỏe Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018, tập trung vào các giải pháp hỗ trợ xây dựng môi trường thực phẩm lành mạnh như: ghi nhãn dinh dưỡng công bố minh bạch về thành phần dinh dưỡng giúp người tiêu dùng hiểu được thành phần của thực phẩm; thiết lập hệ thống phân loại thực phẩm để xác định các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe; xây dựng các quy định về hạn chế về tiếp thị các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe.

Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường, ung thư, hầu hết là bệnh liên quan chế độ ăn uống. Ước tính đến 80% số ca tử vong ở Việt Nam là do bệnh không lây nhiễm.

Bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống như thừa cân, béo phì... đang tăng ở nhóm người trẻ. Nghiên cứu cho thấy ăn ít rau và trái cây có liên quan đến 19% trường hợp ung thư dạ dày và ruột, 31% bệnh nhân thiếu máu tim cục bộ và 11% đột quỵ. Chế độ ăn nhiều muối là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ, tăng huyết áp, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác...

Điều tra của Bộ Y tế năm 2015, hơn 50% người trưởng thành ăn thiếu rau hoặc trái cây. Người dân ăn muối nhiều gấp hai lần so với khuyến nghị của Tổ chức y tế thế giới. Tỷ lệ thừa cân béo phì tăng nhanh.

TS Trương Đình Bắc- đại diện Cục Y tế Dự phòng ký biên bản ghi nhớ trong việc hợp tác truyền thông nâng cao kiến thức dinh dưỡng hợp lý cho người dân cũng như hỗ trợ xây dựng các tiêu chí dinh dưỡng cho một số thực phẩm và đồ uống

Tại hội thảo, TS Trương Đình Bắc cho biết thêm trên thực tế, tại Việt Nam các chính sách, quy định liên quan đến môi trường thực phẩm lành mạnh đã có nhưng vẫn cần phải hoàn thiện. “Chương trình Sức khỏe Việt Nam” do Chính phủ phê duyệt, trong đó về lĩnh vực dinh dưỡng đã kêu gọi tăng cường phối hợp liên ngành, hợp tác quốc tế, đặc biệt là tăng cường xã hội hóa trong lĩnh vực cải thiện tình trạng dinh dưỡng.

“Trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền giúp người dân biết cách lựa chọn thực phẩm dinh dưỡng có lợi hơn cho sức khỏe, khuyến khích nhà sản xuất chủ động công bố ghi nhãn dinh dưỡng cho người tiêu dùng dễ nhận biết tổng năng lượng, đạm, béo, tinh bột và muối, đường…”- TS Trương Đình Bắc cho biết.


Thái Bình
Ý kiến của bạn