Theo đó, buổi tập thể dục tại công sở chính thức được thực hiện tại cuộc họp giao ban Bộ Y tế ngày 8/1 và sẽ tiếp tục được khởi động. Việc này được áp dụng trước hết là ở cơ quan Bộ, cán bộ ngành y, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện, y tế dự phòng, văn phòng sở...
Sau đó, Bộ Y tế sẽ mở rộng mô hình này đến các cơ sở y tế tại các tỉnh thành. Nếu các Bộ, ngành khác có quan tâm, Bộ Y tế cũng sẵn sàng hỗ trợ các chương trình tập thể dục tại công sở, lan tỏa lối sống lành mạnh, thể dục rèn luyện sức khỏe trong nhân dân.
Trước đó, tại một số cuộc hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Y tế, đại diện Tổ chức Y tế thế giới, các nhóm đối tác y tế và các chuyên gia về vấn đề sức khỏe, nhiều người tỏ ra khá thích thú với 10 phút tập thể dục giữa giờ giải lao có sự hướng dẫn của chuyên gia y tế.
Trưởng Đại diện WHO tham gia điệu nhảy sôi động cùng mọi người tại cuộc họp Nhóm Đối tác Y tế 2018. (Video: Nguyễn Vân)
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, nhiều người do tính chất công việc phải ngồi nhiều, ít vận động thường gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như đau người, mỏi mắt... Bên cạnh đó là việc hút thuốc, uống rượu bia nhiều làm gia tăng gánh nặng các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư…
Theo Bộ trưởng, đến khi vào bệnh viện điều trị là giải quyết “sự đã rồi”, còn muốn phòng bệnh phải tích cực vận động rèn luyện cơ thể, dinh dưỡng hợp lý (giảm ăn mặn, giảm đường) và loại bỏ các thói quen xấu (như hút thuốc lá, uống rượu bia…) thì cơ thể mới khỏe mạnh. Đặc biệt là Bộ Y tế mong muốn bất cứ người dân nào cũng sẽ được đo huyết áp thường xuyên, biết được số đo huyết áp và tình trạng sức khỏe của mình.
Chính vì thế, Bộ Y tế bắt đầu khởi động chương trình tập thể dục ngay tại công sở. Hoạt động này sẽ bắt đầu từ những cuộc họp giao ban Bộ Y tế, tiến tới ngày tập 2 lần ngay tại công sở, giữa các buổi họp, tuy chỉ vài phút đứng dậy vận động ngay tại chỗ nhưng lại vô cùng tốt cho sức khỏe.
Bộ trưởng cũng chia sẻ, cá nhân Bộ trưởng là người rất thích vận động, tập luyện thể dục. Tuy nhiên, do tính chất công việc bận rộn, ít có thời gian tập luyện nên Bộ trưởng luôn phải cố gắng tận dụng chút thời gian rảnh để vận động mọi lúc mọi nơi.
Tổ chức Y tế Thế giới mới đây đã đưa ra cảnh báo sẽ có hơn 1,4 tỷ người trưởng thành đang đặt mình vào nguy cơ cao của nhiều bệnh lý nguy hiểm do thiếu các hoạt động thể chất.
Nghiên cứu đã theo dõi mức độ hoạt động của 1,9 triệu người ở 168 quốc gia trên toàn thế giới trong năm 2016 và nhận thấy rằng, hơn 1/4 dân số thế giới không có các hoạt động thể chất cần thiết và kể từ năm 2001 đến nay không có sự cải thiện về mức độ hoạt động thể chất mặc dù các quốc gia đã có nhiều sáng kiến y tế công cộng làm tăng lợi ích của tập thể dục.
Điều này có thể là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, đái tháo đường, mất trí nhớ... và có tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần cũng như chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh một số xu hướng đáng lo ngại chính là sự phân chia rõ rệt về mức độ tập luyện giữa các quốc gia giàu và nghèo, nam và nữ.
Tuy nhiên, để hạn chế các bệnh lý không lây nhiễm gia tăng, WHO khuyến cáo mỗi người trưởng thành nên tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần với các hoạt động vừa sức như đi bộ nhanh, bơi lội hoặc đạp xe nhẹ nhàng hoặc 75 phút mỗi tuần với hoạt động cường độ mạnh như chạy hoặc thể thao đồng đội.
Tùng Việt
(Theo Japantoday)