Hà Nội

Bộ Y tế họp khẩn phòng chống dịch Mers-Cov tràn vào Việt Nam

02-06-2015 14:03 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng 2/6, Bộ Y tế tổ chức họp khẩn ban chỉ đạo phòng chống dịch Mers-Cov gây hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông trước tốc độ lây lan dịch nhanh chóng tại Hàn Quốc.

 

* Việt Nam triển khai áp dụng tờ khai y tế với du khách đi và đến từ Hàn Quốc

* Đẩy mạnh việc phòng chống dịch lây lan tại cơ sở y tế

Sáng 2/6, Bộ Y tế tổ chức họp khẩn ban chỉ đạo phòng chống dịch Mers-Cov gây hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông trước tốc độ lây lan dịch nhanh chóng tại Hàn Quốc.

Nguy cơ dịch bệnh tràn vào Việt Nam rất lớn

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, theo kênh CNN, trong 10 ngày Hàn Quốc đã ghi nhận 25 ca lây nhiêm virus Mers-Cov, trong đó có 2 người tử vong- tốc độ rất nhanh. Bài học có thể rút ra từ nước này là việc quản lý, khai thác tiền sử trường hợp nghi ngờ, trở về từ khu vực có dịch; công tác phòng chống lây nhiễm trong các cơ sở y tế chưa tốt. Giám sát chưa chặt chẽ, truyền thông chưa đến mọi người. Người bệnh di rời từ Hàn Quốc tới Trung Quốc trên nhiều phương tiện công cộng, tham gia nhiều cuộc họp, hội nghị, ở nhiều khách sạn trước khi được phát hiện, cách ly. “Đây là dịch bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao. Dịch bệnh đang lưu hành tại các quốc gia vùng Trung Đông và sẽ tiếp tục ghi nhận ca bệnh tại các quốc gia khác. Tuy nhiên, chùm ca bệnh chủ yếu tập trung trong cơ sở y tế; chưa ghi nhận sự lây lan trong cộng đồng”- TS Trần Đắc Phu nhận định.

Từ hôm nay Việt Nam áp dụng tờ khai y tế đối với hành khách đến từ Hàn Quốc Ảnh internet
Từ hôm nay Việt Nam áp dụng tờ khai y tế đối với hành khách đến từ Hàn Quốc Ảnh internet

Hiện tại, bệnh lưu hành chủ tại vùng Trung Đông chiếm 85% ca bệnh. Từ năm 2012 đến nay đã có 1154 ca mắc/434 tử vong tại 26 nước; tại chỗ là 9 nước, ca bệnh xâm nhập là 17 nước. “Nói nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam cao thì chưa có bằng chứng, nói thấp thì cũng không đúng. Lý do vì công dân nước ta đi công tác, lao động, học tập về từ vùng có dịch nhiều; công dân từ các quốc gia khác đã xuất phát/đi qua vùng có dịch nhập cảnh Việt Nam.Tổng số người nhập cảnh từ đầu năm 2015 đến nay từ 9 quốc gia vùng có dịch là trên 23.000 người, gần 5.000 người/tháng qua 2 cửa khẩu Nội BàiTân Sơn Nhất”- TS Phu chia sẻ tại cuộc họp

Ngay từ năm ngoái, Bộ Y tế cũng đã ban hành kế hoạch hành động phòng chống Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung (MERS-CoV) tại Việt Nam, Theo đó Bộ Y tế dự trù 3 tình huống dịch bệnh và các giải pháp cụ thể trong từng tình huống: Chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam; Xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam và dịch lây lan trong cộng đồng. Bên cạnh đó các phòng xét nghiệm của Việt Nam hiện có khả năng xét nghiệm virus Mers-Cov

Tăng cường giám sát tất cả các trường hợp viêm đường hô hấp cấp

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng tốc độ bệnh lây lan tại Hàn Quốc là rất nhanh mặc dù quốc gia này có hệ thống y tế rất tốt. Câu hỏi đặt ra là tại sao lây nhanh như vậy? Tình trạng này rất đáng lo. Lý do vì giao lưu đi lại giữa các nước vùng Trung Đông và Việt Nam ít nhưng giữa Việt Nam và Hàn Quốc lại rất lớn. Do đó chúng ta cần tiếp tục giám sát chặt chẽ và áp dụng tờ khai y tế, đo thân nhiệt cho hành khách tại tất cả các cửa khẩu; tăng cường giám sát tất cả các trường hợp viêm đường hô hấp cấp nặng để tránh trường hợp bỏ sót ca bệnh; các bệnh viện cần lên phương án cấp cứu, điều trị khi có bệnh nhân và bố trí khu vực cách ly…

Theo đại diện Tổ chức Y tế Thế giới hiện chưa có bằng chứng về sự biến đổi của chủng virus hay lây lan dịch trong cộng đồng. Chùm ca bệnh trong cơ sở khám chữa bệnh là chủ yếu vì thế việc phòng chống lây nhiễm tại cơ sở y tế, nâng cao nhận thức của người dân đi từ vùng có dịch về là rất quan trọng. Lấy ví dụ với ca Mers-Cov đầu tiên tại Hàn Quốc, người này đã đi qua 4 cơ sở y tế trước khi được cách ly.

Các chuyên gia khuyến cáo cần tăng cường phòng chống dịch Mers-Cov trong cả các cơ sở y tế Ảnh internet
Các chuyên gia khuyến cáo cần tăng cường phòng chống dịch Mers-Cov trong cả các cơ sở y tế Ảnh internet

Đại diện Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ cho rằng từng xảy ra các vụ dịch Mers-Cov tại các bệnh viện như ở Jordan 12 bệnh viện buộc phải đóng cửa, vụ dịch xảy ra trong vòng 4 tuần hay tại Arab Saudi cũng có ổ dịch tương tự với 40 bệnh nhân bị lây truyền thứ phát trong bệnh viện. Chuyên gia này cũng khuyến cáo, Việt Nam nên xây dựng kế hoạch đối phó dịch trong thời gian dài, tạo tiềm thức cho cán bộ y tế vào người dân về bệnh. Lý do vì virus Ebola có thể biến mất nhưng virus Mers-cov có thể tồn tại trong thời gian dài vì virus này tồn tại lưu hành tại lạc đà.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, tình hình dịch bệnh do virus Mers-Cov tại Hàn Quốc thời điểm này rất đáng lo ngại, vì khả năng lây lan sang Việt Nam là hoàn toàn có thể do việc đi lại, giao thương giữa 2 nước rất lớn.

Trung bình hiện nay, mỗi ngày có khoảng 1.000 người nhập cảnh vào Việt Nam, qua tất cả các cửa khẩu quốc tế và các cửa khẩu đường bộ.

Chính vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị khẩn trương áp dụng ngay tờ khai y tế tại tất cả các cửa khẩu đối với hành khách đi và đến từ Hàn Quốc và Bahrain, ngoài 9 nước vùng Trung Đông đang áp dụng. Đồng thời các đơn vị đánh giá, rà soát lại các biện pháp triển khai phòng chống dịch Mers-Cov xâm nhập vào Việt Nam.

“Bên cạnh đó, những người đi về từ Hàn Quốc, Trung Quốc về đều phải khai báo tại cửa khẩu, chủ động khai báo với cơ sở y tế nếu có biểu hiện bất thường khi đi khám”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khuyến cáo.

Việc ngăn chặn và phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên hết sức quan trọng. Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy, việc phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên sẽ giúp việc khống chế dịch bệnh tốt hơn.

Bộ trưởng cũng đề nghị các Bộ Công an, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Du lịch Việt Nam… triển khai ngay các biện pháp cần thiết nhằm phòng chống dịch bệnh do virus Mers-Cov.

Thái Bình

 

 

Ý kiến của bạn