Cũng tại cuộc họp này, đã có những đối thoại trực tiếp giữa cơ quan quản lý với nhà cung ứng và đơn vị đấu thầu nhằm ghi nhận những khó khăn, vướng mắc và thống nhất giải pháp trong đảm bảo cung ứng vắc-xin phòng bệnh dại trong thời gian tới...
Nhu cầu tiêm vắc-xin phòng bệnh dại gia tăng
Thông tin tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo ngành y tế các tỉnh Bắc Giang, Trà Vinh, Tây Ninh, Quảng Ninh đều cho biết, đến thời điểm này, số lượng vắc-xin phòng chống bệnh dại được nhà nhập khẩu cung cứng cho các địa phương này chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Tình hình khan hiếm, thiếu vắc-xin phòng chống bệnh dại ở các địa phương trên diễn ra cao điểm trong tháng 4/2018.
Thậm chí, lãnh đạo Sở Y tế Bắc Giang còn đề nghị các nhà cung ứng, nếu có vắc-xin hãy “cứu đói” cho địa phương này để ngành y tế phục vụ nhu cầu tiêm phòng của nhân dân.
Ngoài yếu tố do nhà nhập khẩu không cung ứng đủ vắc-xin theo hợp đồng, thì việc khan hiếm vắc-xin phòng bệnh dại còn do nguyên nhân năm nay số lượng người có nhu cầu tiêm vắc-xin này gia tăng. Đơn cử tại Quảng Ninh, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, qua khảo sát tại các phòng tiêm chủng, điểm tiêm chủng cho thấy, nhu cầu về tiêm vắc-xin phòng bệnh dại tại tỉnh này tăng khoảng 2,5- 3 lần so với năm ngoái.
Giải trình của các nhà cung ứng/nhập khẩu cho hay vì nhiều lý do từ nhà sản xuất, từ sự chuyển giao của nhà nhập khẩu/cung ứng này với nhà nhập khẩu/cung ứng khác… nên thời gian qua đã xảy ra tình trạng chưa cung ứng đủ vắc-xin cho nhu cầu của các địa phương. Tuy nhiên, hiện các đơn vị đang nỗ lực để có thêm nguồn vắc-xin phòng bệnh dại phục vụ nhân dân.
Báo cáo tại cuộc họp, các công ty nhập khẩu/cung ứng cho biết, khả năng cung ứng vắc-xin phòng dại trong năm 2018 cho thị trường Việt Nam chỉ tính riêng Veorab, Abhayrab và Indirab (chưa bao gồm) Speeda là 2.193.000 liều - cao gấp 149% so với tổng số lượng vắc-xin phòng dại đã nhập khẩu trong năm 2017 và cao gấp 169% so với số lượng vắc-xin phòng dại sử dụng trung bình mỗi năm. Trong tháng 5/2018 sẽ có 273.000 liều vắc-xin phòng bệnh dại.
Bổ sung thêm yếu tố dẫn đến việc thiếu vắc-xin phòng chống bệnh dại tại một số địa phương thời gian qua, ông Đỗ Văn Đông cho biết, về phía người dân cũng như các cơ sở tiêm chủng thường có xu hướng ưu tiên sử dụng, thậm chí chỉ sử dụng vắc-xin Verorab do vắc-xin này được sản xuất tại Pháp, trong khi trên thị trường có nhiều loại vắc-xin khác đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành trên cơ sở có đầy đủ dữ liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả (Ahayrab, Indirab, Speeda...).
Tránh tình trạng “ăn đong” trong cung ứng, sử dụng vắc-xin
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, trên thực tế nhiều địa phương thiếu vắc-xin phòng chống bệnh dại là do nhu cầu tiêm chủng của người dân đối với vắc-xin này gia tăng khoảng 20% so với các năm trước đó. Việc thiếu vắc-xin phòng chống bệnh dại thời gian qua là do có sự chuyển giao của nhà cung ứng nên dẫn đến gián đoạn cung ứng, tuy nhiên, Thứ trưởng Trương Quốc Cường yêu cầu các địa phương cũng như nhà cung ứng không nên “bị động” như thời gian vừa qua.
“Trong công tác phòng chống dịch bệnh tránh tình trạng “ăn đong” vắc-xin - có nghĩa là có đến đâu dùng hết đến đó, mà phải có lượng vắc-xin tồn kho dự trù sẵn trong khoảng 1 tháng”- Thứ trưởng Trương Quốc Cường yêu cầu tại cuộc họp.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng chỉ đạo cả nhà nhập khẩu/nhà cung ứng cũng như các địa phương nếu gặp khó khăn khi nhập khẩu/cung ứng vắc-xin nói chung/vắc-xin phòng chống bệnh dại nói riêng cần báo cáo ngay về Cục Quản lý Dược và các cơ quan liên quan để kịp thời xin ý kiến lãnh đạo Bộ tìm phương án giải quyết, nhằm có vắc-xin kịp thời phục vụ người dân.