Bộ Y tế họp định hướng xây dựng luật năm 2025, các năm tiếp theo: Nỗ lực hoàn thiện thế chế để chăm sóc sức khoẻ nhân dân tốt hơn

10-04-2025 11:59 | Y tế

SKĐS - Bộ Y tế luôn nỗ lực hoàn thiện thể chế, chú trọng việc xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động của ngành theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Quốc hội; xác định đây là điểm nghẽn cần tập trung...

Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã chủ trì cuộc họp định hướng xây dựng luật năm 2025 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI (2026-2030) của Bộ Y tế. Tham dự cuộc họp diễn ra ngày 9/4 có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức và đại diện một số Vụ, Cục, Văn phòng Bộ.

Bộ Y tế họp định hướng xây dựng luật năm 2025, các năm tiếp theo: Nỗ lực hoàn thiện thế chế để chăm sóc sức khoẻ nhân dân tốt hơn- Ảnh 1.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị đầu mối chủ trì xây dựng các dự luật liên quan đến hoạt động của ngành.

Báo cáo về chương trình xây dựng luật năm 2025 và định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XVI, lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, ngày 19/02/2025, Quốc hội đã ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 64/2025/QH15 có hiệu lực ngày 01/4/2024, theo đó các Bộ có nhiệm vụ lập định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội.

Dự kiến trong năm 2025, Bộ Y tế sẽ xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật dân số, Luật Phòng bệnh, Luật An toàn thực phẩm và Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh dân số 06/2003/PL-UBTVQH11.

Các dự án đưa vào định hướng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI cần bảo đảm tính khả thi trong tổ chực thực hiện, ưu tiên các dự án để thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cơ bản đã có hồ sơ.

Các dự án luật dự kiến đăng ký định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội (2026-2030) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác dự kiến trình Quốc hội vào tháng 5/2026; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2026; Luật Thiết bị y tế dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2027.

Các dự án Luật tiếp tục nghiên cứu, trình khi đủ điều kiện: Luật Trợ giúp xã hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống mại dâm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Người cao tuổi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Người khuyết tật. Dự án Luật đề xuất chuyển cơ quan chủ trì soạn thảo: Luật Chuyển đổi giới tính.

Bộ Y tế họp định hướng xây dựng luật năm 2025, các năm tiếp theo: Nỗ lực hoàn thiện thế chế để chăm sóc sức khoẻ nhân dân tốt hơn- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức phát biểu.

Qua nghe ý kiến của các đơn vị chuyên môn về thực tế triển khai và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng các dự luật, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị đầu mối chủ trì xây dựng.

Bộ Y tế luôn nỗ lực hoàn thiện thể chế, chú trọng việc xây dựng hành lang pháp lý theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Quốc hội; xác định đây là điểm nghẽn cần tập trung..., do đó các đơn vị cần chủ động hoàn thiện hồ sơ và thực hiện quy trình xây dựng các dự luật theo quy định. Hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ để tạo ra hành lang pháp lý công khai, minh bạch, rõ ràng để triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan năm 2025 Bộ Y tế sẽ tập trung xây dựng hai dự Luật và một Pháp lệnh là: Luật Phòng bệnh, Luật Dân số và Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh dân số 06/2003/PL-UBTVQH11 theo đúng lộ trình dự kiến.

Năm 2026 sẽ tiếp tục hoàn thiện và đề xuất thông qua các dự Luật An toàn thực phẩm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Về dự Luật Thiết bị y tế, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan đây là bộ luật quan trọng và cần được nghiên cứu triển khai thực hiện do đây là một lĩnh vực lớn, cần có những hướng dẫn cụ thể. Do đó, Bộ trưởng đề nghị Cục Hạ tầng và Thiết bị y tế tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hành lang pháp lý và đưa vào định hướng xây dựng Luật trong giai đoạn 2026-2030.

Với các dự Luật Trợ giúp xã hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Người Khuyết tật, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Người Cao tuổi, Luật Phòng, chống mại dâm chưa đưa vào định hướng nhiệm kỳ, trường hợp đủ điều kiện sẽ đưa vào trong thời gian phù hợp.

Riêng đối với dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Người Cao tuổi cần nghiên cứu đưa vào Luật Dân số liên quan đến chính sách già hóa dân số.

Dự Luật Chuyển đổi giới tính cần xem xét, nghiên cứu các nội dung liên quan đến chính sách và đề xuất chuyển đổi đơn vị chủ trì thực hiện.

Bộ Y tế họp định hướng xây dựng luật năm 2025, các năm tiếp theo: Nỗ lực hoàn thiện thế chế để chăm sóc sức khoẻ nhân dân tốt hơn- Ảnh 3.

Quang cảnh cuộc họp.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng lưu ý các đơn vị cần nghiên cứu kĩ lưỡng quy định về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành theo Nghị định 78/2025/NĐ-CP ngày 01/4/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện quy trình xây dựng văn bản đúng theo quy định.

Bộ Y tế đề xuất 5 chính sách lớn trong dự án Luật Phòng bệnhBộ Y tế đề xuất 5 chính sách lớn trong dự án Luật Phòng bệnh

SKĐS - Việc xây dựng Dự án Luật Phòng bệnh là rất cần thiết nhằm nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam...


Thái Bình/Ảnh: Trần Minh
Ý kiến của bạn