Theo Bộ Y tế, việc kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở đối với người tham gia giao thông có nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường hô hấp tương tự đối với các hoạt động, công việc giao tiếp thông thường khác của người dân.
Đến nay trên thế giới và tại Việt Nam chưa có bằng chứng cho thấy sự khác biệt về nguy cơ lây nhiễm của các loại hình giao tiếp nêu trên. Việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa như dùng riêng ống thổi cho từng người, sát khuẩn thiết bị đo, lực lượng làm nhiệm vụ tuân thủ đúng quy trình thao tác và người dân tuân thủ hướng dẫn của cánh sát giao thông thì sẽ giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
"Tại những thời điểm có dịch bệnh như dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp nCoV như hiện nay, hoạt động kiếm tra nồng độ cồn trong khí thở phải được thực hiện nghiêm ngặt đúng quy trình, yêu cầu"- văn bản nêu rõ.
Kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở đối với người tham gia giao thông. Ảnh minh họa.
Lực lượng cảnh sát giao thông khi thực hiện nhiệm vụ cần áp dụng các biện pháp bảo hộ cá nhân và tuân thủ theo các hướng dẫn, khuyến cáo của ngành y tế về phòng chống dịch bệnh để bảo đảm an toàn, giảm đến mức thấp nhất nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm nói chung và nCoV nói riêng cho bản thân và người dân.
Đồng thời theo diễn biến và các mức độ nguy cơ của dịch bệnh (ví dụ như khi công bố dịch, ban bố tình trạng khẩn cấp), Bộ Công an báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phương án thích hợp cho việc kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở đối với người tham gia giao thông để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh theo quy định của pháp luật.
Bộ Y tế kiến nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế để rà soát, cập nhật hoàn thiện hướng dẫn quy trình, thao tác khi thực hiện kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở, bảo đảm yêu cầu kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng chống dịch bệnh.
* Cũng liên quan đến vấn đề này, Bộ Y tế cũng đã có văn bản 464-BYT/DP gửi Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia về việc góp ý dự thảo Hướng dẫn tham gia giao thông an toàn trong điều kiện có dịch bệnh nCoV.
Theo đó, Bộ Y tế đồng ý việc cần thiết phải có Hướng dẫn hoạt động kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông trong điều kiện có dịch bệnh nCoV để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nói chung và dịch bệnh nCoV nói riêng.
Bộ Y tế cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo, đề nghị tiếp tục rà soát để cập nhật kịp thời các hướng dẫn, khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới và các ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh nCoV.
Để bảo đảm an toàn, giảm nguy cơ lây truyền dịch bệnh cho người thực thi công vụ, người tham gia giao thông và cho cộng đồng thì hoạt động kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông cần phải tuân thủ theo đúng quy trình, hướng dẫn.
"Hiện nay, dịch bệnh nCoV có diễn biến phức tạp, lây lan trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm tăng cao; đề nghị mỗi người tham gia giao thông phải sử dụng một ống thổi riêng chưa qua sử dụng (đã được tiệt trùng); cán bộ kiểm tra và người tham gia giao thông phải thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh"- Bộ Y tế cho biết.
Trong đó, một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như: Thanh Hóa 970 trường hợp, Đắk Lắk 914 trường hợp, Tây Ninh 886 trường hợp, Bắc Giang 789 trường hợp, Đồng Nai 696 trường hợp, TP.Hồ Chí Minh 672 trường hợp, Cà Mau 593 trường hợp, Gia Lai 534 trường hợp, Hà Nội 512 trường hợp, Bến Tre 505 trường hợp…
Đặc biệt, một số địa phương đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: TP. Hồ Chí Minh 264 trường hợp, Cà Mau 257 trường hợp, Kiên Giang 212 trường hợp, Long An 195 trường hợp, Thanh Hóa và Tiền Giang 168 trường hợp…
Qua công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn, một số địa phương xử lý các trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn như: Đắk Lắk 26 trường hợp, Cà Mau 19 trường hợp, Tiền Giang 17 trường hợp, Tây Ninh 16 trường hợp, Kiên Giang 15 trường hợp, TP Hồ Chí Minh 13 trường hợp…