Hà Nội

Bộ Y tế dùng chai thủy tinh thay chai nhựa để giảm thiểu rác thải nhựa

02-08-2019 17:34 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngay trong cuộc họp giao ban Bộ Y tế chiều ngày 2/8, các chai nước thủy tinh đã được đưa vào sử dụng thay cho chai nhựa dùng một lần. Đây là việc làm thiết thực của Bộ Y tế để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về giải quyết vấn đề rác thải nhựa hiện đang rất báo động.

Trước đó, ngày 29/7/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị 08 về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế.

Theo đó, chất thải nhựa đang hằng ngày tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đang quyết liệt thực hiện các chính sách và giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường từ chất thải nhựa. Ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã gửi Thư kêu gọi cả nước hành động giải quyết vấn đề chất thải nhựa.

Bộ Y tế đã sử dụng chai thủy tinh thay cho chai nhựa. Ảnh chụp tại buổi giao ban Bộ Y tế chiều 2/8/2019.

Trong lĩnh vực y tế, chất thải nhựa được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế; từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất…

Những vật liệu nhựa dùng trong các hoạt động này có thể thay thế bằng các chất liệu an toàn, thân thiện hơn đối với môi trường nếu có sự quyết tâm, chung tay của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế cũng như người dân.

Dùng chai thủy tinh để giảm thiểu rác thải nhựa được nhiều người hưởng ứng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đề án giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các sở y tế, các cơ quan, tổ chức, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Y tế nghiêm túc thực hiện một số nội dung như:

Hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị… thay thế bằng các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng.

Bộ Y tế đề nghị  đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động nội bộ của đơn vị… Đồng thời thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, ni lông khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định. Tổ chức quán triệt, phổ biến, hướng dẫn, tập huấn, truyền thông, vận động cán bộ, nhân viên y tế, các đơn vị cung cấp dịch vụ, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế và cộng đồng về giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị...

Theo Bộ Tài nguyên Môi trường, hiện nay trên thế giới cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm 5.000 tỷ túi nilon được tiêu thụ. Lượng rác nhựa do con người thải ra mỗi năm đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất; trong đó 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi, đổ ra đại dương.

Ước tính lượng rác thải nhựa thải xuống biển đến năm 2050 sẽ nhiều hơn lượng cá (tính theo trọng lượng), đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái và môi trường đại dương.

Còn ở Việt Nam, thống kê bình quân, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng. Riêng Hà Nội và TP.HCM trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Điều đáng lo ngại là phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và ni lông mới phân hủy hết, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đe dọa các hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Số lượng rác thải nhựa, túi nilon thải ra tăng dần theo từng năm. Đây là một "gánh nặng" cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là "ô nhiễm trắng".

Dương Hải
Ý kiến của bạn