Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã nhấn mạnh thông tin này tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp dược năm 2024 do Bộ Y tế tổ chức hôm nay - 18/12 tại Quảng Ninh. Đây là lần thứ 3 liên tiếp, Bộ Y tế tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp dược. Hội nghị hôm nay diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với trên 500 điểm cầu tham dự.
Phải đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực dược
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, những nỗ lực của Bộ Y tế trong thời gian qua đã được cộng đồng doanh nghiệp dược ủng hộ và đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại trong công tác cải cách thủ tục hành chính, một số khó khăn, bất cập cho doanh nghiệp dược trong việc triển khai áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật do chưa kịp thời được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
"Do đó, liên tiếp trong 3 năm qua, Bộ Y tế tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp dược để cơ quan quản lý có thể trực tiếp lắng nghe các tâm tư, chia sẻ, đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp dược.
Qua đó có thể ghi nhận các kiến nghị, đề xuất phù hợp để cải thiện hơn nữa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cải cách thủ tục hành chính nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đồng thời góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển cùng hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng thuốc, giá cả hợp lý, đảm bảo đủ thuốc phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng Bộ Y tế đã rất nỗ lực để hoàn thiện thể chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực hoạt động của ngành.
"Qua hội nghị đối thoại hôm nay, những kiến nghị, đề xuất nào liên quan đến Bộ Y tế, chúng tôi tiếp thu, nghiên cứu. Đối với những nội dung đề xuất liên quan về thuế, ưu đãi đầu tư, ưu đãi xuất khẩu... mặc dù không thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, liên quan đến nhiều bộ ngành khác, chúng tôi tiếp thu, chuyển đến bộ, ngành liên quan để xem xét, giải quyết"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu Cục Quản lý Dược phải tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách, đơn giản thủ tục hành chính trong lĩnh vực dược. "Trước đây nội dung gì liên quan đến cấp giấy đăng ký thuốc phải qua 5 - 7 bước, hồ sơ cần 7-8 loại giấy tờ, thủ tục; phải làm thế nào để có thể đơn giản xuống 2-3 loại được không?"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đặt câu hỏi và yêu cầu: Tuyệt đối không để tồn tại tình trạng quy trình con, giấy phép con không nằm trong quy trình chung.
"Tới đây chúng tôi sẽ yêu cầu phải rà soát lại mọi quy trình liên quan đến thủ tục hành chính của lĩnh vực dược"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Cũng nhân dịp này, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhắc các lĩnh vực trang thiết bị y tế và an toàn thực phẩm cũng cần tổ chức các diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp bởi cùng với lĩnh vực dược, đều là những vấn đề được người dân quan tâm.
Nỗ lực giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp dược
Thông tin tại hội nghị cho biết, hội nghị đối thoại năm 2023, Bộ Y tế đã ghi nhận các ý kiến phản hồi, góp ý của doanh nghiệp trong việc xây dựng Luật Dược sửa đổi, bổ sung và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Báo cáo của Cục Quản lý dược do ông Lê Việt Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết, trong năm 2023, Cục Quản lý dược nhận được tổng 199 ý kiến góp ý. Sau khi rà soát và ghép các ý kiến có nội dung cùng nhau, tổng hợp lại có 114 ý kiến góp ý theo các nhóm lĩnh vực đăng ký lưu hành thuốc với 39 ý kiến; lĩnh vực quản lý giá thuốc, đấu thầu thuốc với 19 ý kiến; lĩnh vực kinh doanh dược với 31 ý kiến; lĩnh vực quản lý chất lượng thuốc với 25 ý kiến. Đối với các ý kiến nêu trên, Cục Quản lý dược đã tiếp thu, giải quyết xong 63 ý kiến; 51 ý kiến còn lại Cục Quản lý dược đang nghiên cứu, giải quyết phù hợp.
Năm 2024 có 284 kiến nghị về 4 lĩnh vực chủ yếu như: đăng ký thuốc; quản lý giá thuốc, đấu thầu mua thuốc; quản lý kinh doanh dược; quản lý chất lượng; trong đó riêng lĩnh vực đăng ký lưu hành thuốc đã có đến 155 kiến nghị; hai lĩnh vực quản lý giá thuốc, đấu thầu mua thuốc và quản lý chất lượng có 100 kiến nghị; còn lại 29 kiến nghị liên quan đến quản lý kinh doanh dược.
"Trên cơ sở tiếp thu các kiến nghị của doanh nghiệp, chúng tôi đã tham mưu, trình lãnh đạo Bộ, cấp có thẩm quyền nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn, tháo gỡ những nội dung liên quan phù hợp với quy định"- ông Lê Việt Dũng nói.
Cục Quản lý Dược cũng cho biết thêm trên cơ sở tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, với sự nỗ lực, quyết liệt, Bộ Y tế đã giải quyết được các hồ sơ còn tồn đọng.
Riêng năm 2024 đã có 17 đợt công bố gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc với tổng số thuốc, nguyên liệu làm thuốc được công bố là: 13.900 thuốc (10.702 thuốc trong nước, 2.946 thuốc nước ngoài, 252 vaccine sinh phẩm y tế); đã cấp 1.073 CPP và 77 FSC cho các thuốc trong nước có nhu cầu xuất khẩu; chỉ tính riêng 11 tháng đầu năm 2024, đã cấp, gia hạn cho 12.333 thuốc (bằng tổng số lượng cấp, gia hạn của 05 năm gần nhất); tổ chức 34 cuộc họp của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc.
Qua đó đã đảm bảo nguồn cung thuốc chữa bệnh cho nhu cầu phòng và chữa bệnh của nhân dân, đồng thời đáp ứng yêu cầu của các cơ sở sản xuất thuốc trong cả nước.
Tại hội nghị, các đại biểu đến từ nhiều đơn vị, doanh nghiệp dược đã trao đổi trực tiếp và gửi ý kiến qua các điểm cầu trực tuyến đến Ban tổ chức để chuyển đến các Sở, ngành, đại diện các đơn vị liên quan của Bộ Y tế trao đổi, giải đáp ngay.
Báo Sức khỏe và Đời sống sẽ tiếp tục thông tin về hội nghị này.