Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp dược do Bộ Y tế tổ chức hôm nay 26/10. Đây là lần thứ 2 Bộ Y tế tổ chức Hội nghị về nội dung này.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, thời gian qua Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19; mới đây đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 09/10/2023 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Triển khai thực hiện Quyết định số 376/QĐ-TTg của Chính phủ về chương trình phát triển ngành dược, Bộ Y tế đã làm việc với UBND tỉnh Thái Bình, UBND TP. Hồ Chí Minh để xúc tiến việc xây dựng 2 khu công nghiệp dược,…
Thứ trưởng bày tỏ: Những nỗ lực của Bộ Y tế trong thời gian qua đã được cộng đồng doanh nghiệp dược ủng hộ và đánh giá cao. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số tồn tại trong công tác cải cách thủ tục hành chính, một số khó khăn, bất cập cho doanh nghiệp dược trong việc triển khai áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật do chưa kịp thời được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
"Do đó, Hội nghị được tổ chức để lãnh đạo Bộ Y tế có thể trực tiếp lắng nghe các tâm tư, chia sẻ, đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp dược với cơ quan quản lý. Qua đó có thể ghi nhận các kiến nghị, đề xuất phù hợp để cải thiện hơn nữa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cải cách hành chính nhằm tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước đồng thời góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Với tinh thần cầu thị và đồng hành cùng doanh nghiệp, việc đối thoại giữa đại diện lãnh đạo Bộ Y tế và Tổng công ty Dược Việt Nam, Hiệp hội các doanh nghiệp Dược Việt Nam nhằm kịp thời lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong quá trình thực thi các chính sách, pháp luật hiện hành. Đồng thời, tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị, đề xuất để Bộ Y tế có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển cũng như kịp thời sửa đổi, ban hành các chính sách hỗ trợ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị, đề xuất các Bộ/Ngành có liên quan xem xét, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, sau khi Hội nghị năm 2022 được tổ chức, công tác quản lý nhà nước về dược đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh việc tham khảo kinh nghiệm quản lý của các nước cùng với đó là áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ như triển khai tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn để tăng cường chuyên gia, hợp tác với các Trường đại học đào tạo chuyên ngành dược, các Viện để đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc, hồ sơ công bố GMP thuốc nước ngoài...
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp dược đã trao đổi trực tiếp và gửi ý kiến qua các điểm cầu trực tuyến đến Ban tổ chức để chuyển đến các Sở, ngành, đại diện các đơn vị liên quan của Bộ Y tế trao đổi, giải đáp ngay.
Đối với những đề xuất liên quan về thuế, ưu đãi đầu tư, ưu đãi xuất khẩu..., Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, mặc dù không thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, tuy nhiên, Bộ có thể là cầu nối, đồng hành cùng các doanh nghiệp chuyển các kiến nghị này tới các Bộ, ngành liên quan để xem xét, giải quyết.
Trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp dược, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các Vụ/Cục của Bộ Y tế tiếp thu, chắt lọc các ý kiến của các doanh nghiệp để kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị các doanh nghiệp phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì ổn định.