Những ai được kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu?
Theo quy định hiện hành tại Thông tư 44/2018/TT-BYT, người được kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu bao gồm các đối tượng sau:
- Người có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi chung là người hành nghề) được kê đơn thuốc thang, kê đơn kết hợp thuốc thành phẩm và thuốc thang: Bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền, bác sĩ có chứng chỉ đào tạo định hướng về chuyên khoa y học cổ truyền có thời gian tối thiểu 6 tháng; cử nhân y học cổ truyền đã được đào tạo tương đương với văn bằng bác sỹ; y sĩ y học cổ truyền; lương y.
- Người được kê đơn thuốc dược liệu bao gồm: Bác sỹ chuyên khoa y học cổ truyền, bác sỹ có chứng chỉ đào tạo định hướng về chuyên khoa y học cổ truyền có thời gian tối thiểu 6 tháng; cử nhân y học cổ truyền đã được đào tạo tương đương với văn bằng bác sỹ; y sỹ y học cổ truyền; bác sỹ không thuộc chuyên khoa y học cổ truyền; y sỹ đa khoa.
- Người được kê đơn thuốc thành phẩm gồm: Bác sỹ chuyên khoa y học cổ truyền, bác sỹ có chứng chỉ đào tạo định hướng về chuyên khoa y học cổ truyền có thời gian tối thiểu 6 tháng; cử nhân y học cổ truyền đã được đào tạo tương đương với văn bằng bác sỹ; y sỹ y học cổ truyền; bác sỹ không thuộc chuyên khoa y học cổ truyền; y sỹ đa khoa; lương y.
- Người có chứng chỉ hành nghề bài thuốc gia truyền chỉ được kê đơn bài thuốc gia truyền đã được cấp có thẩm quyền cấp phép.
Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất quy định người được kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu gồm:
Thứ nhất, người có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh hoặc giấy phép hành nghề có phạm vi hành nghề khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền (người hành nghề) được kê đơn thuốc thang, kê đơn kết hợp thuốc thành phẩm và thuốc thang
Thứ hai có các phân loại cụ thể:
- Bác sỹ chuyên khoa y học cổ truyền, bác sỹ có chứng chỉ đào tạo định hướng về chuyên khoa y học cổ truyền có thời gian tối thiểu 6 tháng; bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ có chứng chỉ chuyên khoa cơ bản y học cổ truyền;
- Cử nhân y học cổ truyền do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận trình độ đại học và đã được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo bổ sung bác sỹ y học cổ truyền theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
- Cao đẳng y sỹ y học cổ truyền hoặc cao đẳng y học cổ truyền, bao gồm văn bằng tốt nghiệp do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công nhận tương đương văn bằng cao đẳng y sỹ y học cổ truyền hoặc cao đẳng y học cổ truyền.
Dự thảo nêu rõ, đối với chức danh lương y được Bộ Y tế cấp cho Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam đào tạo cấp chứng chỉ thì chỉ được kê đơn thuốc Nam trong khám bệnh, chữa bệnh.
Người hành nghề được kê đơn thuốc dược liệu bao gồm: Người hành nghề quy định tại điểm (1), (2), (3) nêu trên; Bác sĩ y khoa, bác sĩ chuyên khoa; Y sĩ đa khoa.
Người hành nghề được kê đơn thuốc thành phẩm bao gồm: Các đối tượng được quy định tại khoản 2 nêu trên; Lương y, trừ Lương y Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam được Bộ Y tế cấp chứng chỉ.
Người có chứng chỉ hành nghề bài thuốc gia truyền chỉ kê đơn bài thuốc gia truyền được cấp có thẩm quyền cấp phép.
Các hình thức kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu
Theo Thông tư 44/2018/TT-BYT, có 3 hình thức kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu:
- Kê đơn riêng một trong các loại thuốc sau: Thuốc thang; thuốc thành phẩm; thuốc dược liệu.
- Kê đơn phối hợp bao gồm: Thuốc thang với thuốc thành phẩm; thuốc thang với thuốc dược liệu;
- Thuốc thang với thuốc thành phẩm, thuốc dược liệu; thuốc thành phẩm với thuốc dược liệu.
- Kê đơn bài thuốc gia truyền.
Nguyên tắc kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu
Theo dự thảo của Bộ Y tế có 6 nguyên tắc sau:
Thứ nhất, người hành nghề chỉ được kê đơn thuốc sau khi có kết quả khám bệnh, chẩn đoán bệnh.
Thứ hai, kê đơn thuốc phải phù hợp với chẩn đoán bệnh và tình trạng bệnh.
Thứ ba, được kê đơn phối hợp thuốc thang và thuốc thành phẩm, thuốc dược liệu trên một người bệnh mà giữa các thuốc này có sự trùng lặp một số vị thuốc cổ truyền hoặc một số dược liệu trong thành phần, công thức. Khối lượng các vị thuốc trùng lặp không lớn hơn quy định trong hướng dẫn chẩn đoán điều trị về y học cổ truyền do Bộ Y tế ban hành hoặc Dược điển Việt Nam hoặc Dược điển của các nước đã được Bộ Y tế phê duyệt.
Trường hợp người kê đơn phối hợp thuốc thang và thuốc thành phẩm, thuốc dược liệu trên một người bệnh mà giữa các thuốc này có sự trùng lặp một số vị thuốc cổ truyền hoặc một số dược liệu trong thành phần, công thức lớn hơn quy định của Bộ y tế thì người kê đơn phải ghi rõ số lượng bằng số và bằng chữ ngày bên cạnh khối lượng và ghi rõ tôi kê liều này.
Thứ tư, ghi khối lượng đối với vị thuốc cổ truyền. Trường hợp đơn thuốc có chứa dược liệu độc thuộc Danh mục dược liệu độc làm thuốc ban hành kèm theo Thông tư số 13/2024/TT-BYT ngày 26/8/2024 ban hành Danh mục dược liệu độc làm thuốc thì đơn thuốc lưu 06 tháng phải ghi rõ khối lượng của dược liệu đó bằng số và bằng chữ, trường hợp khối lượng dưới 10 (mười) thì phải ghi số 0 (không) ở phía trước.
Thứ năm, trường hợp có sửa chữa nội dung đơn thuốc thì người kê đơn phải ký tên ngay bên cạnh nội dung sửa.
Thứ sáu, không được ghi vào đơn thuốc các thông tin, quảng cáo hoặc kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng cho người bệnh các nội dung thông tin dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ thiết bị y tế.