Theo Cục trưởng Lê Thanh Dũng, Bộ Y tế đang rà soát các chính sách dân số, đồng thời xây dựng báo cáo về Thực trạng và xu hướng mức sinh tại Việt Nam và đề xuất các chính sách trong dự thảo Luật Dân số. Trong đó, có chính sách về duy trì mức sinh thay thế nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, đặc biệt trong bối cảnh mức sinh ở nước ta đang có xu hướng giảm liên tục qua các năm gần đây.
"Đề xuất này chỉ là một trong nhiều giải pháp để duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, tránh mức sinh tiếp tục giảm. Cụ thể, các nhóm chính sách cơ bản được xây dựng trong dự thảo Luật Dân số bao gồm: duy trì mức sinh thay thế; giảm mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; thích ứng với già hóa dân số, dân số già; phân bố dân số hợp lý; nâng cao sức khỏe dân số; và lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội"- ông Dũng cho hay.
Theo Cục Dân số, tại Việt Nam, trong hai thập kỷ qua, mức sinh khu vực thành thị đã xuống dưới mức sinh thay thế, dao động quanh 1,7-1,8 con/phụ nữ. Mức sinh tại khu vực nông thôn luôn cao hơn mức sinh thay thế, ở mức 2,2-2,3 con/phụ nữ.
Tuy nhiên, năm 2023, mức sinh tại khu vực nông thôn giảm xuống còn 2,07 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế, mức thấp nhất từ trước đến nay.
Lãnh đạo Cục Dân số cho biết, chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị đã dần thu hẹp nhưng vẫn ở mức 0,37 con/phụ nữ vào năm 2023. Mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế được dự báo sẽ tiếp tục trong những năm tiếp theo.
Khu vực Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế. Khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên có mức sinh cao trên mức sinh thay thế.
Chênh lệch giữa mức sinh vùng cao nhất (Trung du miền núi phía Bắc) và vùng thấp nhất (Đông Nam bộ) là 0,85 con/phụ nữ.
Cụ thể, số tỉnh, thành có mức sinh dưới 2,0 con/phụ nữ tăng từ 19 tỉnh, thành năm 2021 lên 22 tỉnh, thành năm 2023; Số tỉnh có mức sinh trên 2,2 con/phụ nữ có xu hướng giảm nhanh hơn từ 34 tỉnh, thành năm 2021 xuống còn 27 tỉnh, thành năm 2023.
Trong đó, phụ nữ thuộc nhóm nghèo nhất có mức sinh cao nhất (2,40 con/phụ nữ); các nhóm còn lại (giàu, trung bình và nghèo) có số con trung bình là 2 con.
Mức sinh cao nhất ở nhóm phụ nữ có trình độ dưới tiểu học (2,35 con/phụ nữ) và mức sinh thấp nhất ở nhóm phụ nữ có trình độ trên trung học phổ thông (1,98 con/phụ nữ).
Cũng theo Cục Dân số, sau 4 năm (2019-2023), tuổi kết hôn trung bình lần đầu ở nước ta đã tăng thêm 2 tuổi, từ 25,2 tuổi lên 27,2 tuổi; Năm 2023, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam 29,3 tuổi. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nữ là 25,1 tuổi.
Ông Lê Thanh Dũng cho biết, với chính sách duy trì mức sinh thay thế, xây dựng theo hướng: Chính phủ quy định các biện pháp, chính sách hỗ trợ cụ thể phù hợp từng thời kỳ và điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách, giải pháp hỗ trợ, khuyến khích để duy trì mức sinh thay thế trên địa bàn, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; ưu tiên đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.
Quy định quyền của cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh; đồng thời quy định nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con.
"Lâu nay, quy định kỷ luật sinh con thứ 3 không áp dụng với người dân. Đối với đảng viên sinh con thứ 3, Bộ Y tế đang đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành văn bản bãi bỏ hoặc ngưng hiệu lực đối với quy định về số con của Pháp lệnh số 08/2008/PL-UBTVQH12 sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh số 06/2023/PL-UBTVQH1, sửa Hướng dẫn số 05-HD/UBKTTW ngày 22/11/2022 hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 69-QĐ/TW theo hướng không xử lý kỷ luật đối với trường hợp sinh từ 3 con trở lên"- ông Lê Thanh Dũng cho biết.
Theo Bộ Y tế, có một số nguyên nhân dẫn đến mức sinh có xu hướng xuống thấp trong những năm gần đây: do điều kiện sống được cải thiện, học vấn ngày càng được nâng cao, nhu cầu phát triển sự nghiệp bản thân, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, tìm kiếm việc làm tốt hơn để có thu nhập cao hơn và chất lượng cuộc sống tốt hơn, đồng thời được tận hưởng cuộc sống và thành quả của sự phát triển nhiều hơn đã tác động làm chậm, muộn việc kết hôn, nhu cầu sinh con, thời điểm sinh con, sinh đủ 2 con của các bạn trẻ, của các cặp vợ chồng.
Sức ép kinh tế đối với một gia đình trẻ như chi phí sinh hoạt, chi phí thuê hoặc mua nhà, chi phí nuôi dưỡng và giáo dục con cái từ khi sinh ra đến khi trưởng thành ngày càng cao, cũng khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ phải cân nhắc, chọn sinh con muộn, sinh ít con hoặc không sinh con…
Khi mức sinh giảm thấp sẽ gây ra nhiều hệ luỵ, bao gồm: thiếu hụt lực lượng lao động, suy giảm quy mô dân số, đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số, gia tăng các dòng di cư (do mức sinh thấp, lực lượng lao động thiếu hụt tác động đến các chính sách di cư làm tăng các dòng di cư, thu hút lao động nhập cư)...