Hà Nội

Bộ Y tế đề xuất cho phép mang thai hộ

17-04-2013 15:31 | Tin nóng y tế
google news

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 ngày 16/4, Bộ Y tế đề xuất cho phép kết hôn đồng giới và mang thai hộ.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 ngày 16/4, Bộ Y tế đề xuất cho phép kết hôn đồng giới và mang thai hộ.
Bộ Y tế đề xuất cho phép mang thai hộ 1
Mang thai hộ mở ra cơ hội làm mẹ cho người phụ nữ gặp trục trặc về đường sinh sản. Ảnh chỉ mang tính minh họa.
Ngày 16/4, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội và 62 điểm cầu ở các tỉnh, thành trên cả nước. Nổi bật là đề xuất của Bộ Y tế về việc đề nghị cho phép kết hôn đồng giới và mang thai hộ.
 
Quyền như bao người

Trình bày ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, đứng ở góc độ quyền con người thì người đồng tính cũng có quyền sống, quyền ăn, ở, mặc, quyền được yêu thương và mưu cầu hạnh phúc. Đứng ở góc độ quyền công dân, họ được lao động, học tập, khám bệnh, chữa bệnh, khai sinh, khai tử, kết hôn, có quyền và thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước và xã hội…

Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, hầu hết quốc gia thừa nhận hôn nhân đồng tính đều có quy định quá độ trong luật pháp, ban đầu là thừa nhận quyền của người đồng tính, tiếp đó là việc chung sống như vợ chồng của người đồng tính rồi mới quy định về thừa nhận hôn nhân đồng tính. Trung Quốc và Ấn Độ không thừa nhận hôn nhân đồng tính nhưng đã hợp pháp hóa quan hệ đồng tính vào năm 1997 (Trung Quốc), 2009 (Ấn Độ).

Vẫn theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, vấn đề kết hôn giữa những người đồng tính là thực tế diễn ra phổ biến, công khai hiện nay. Việc quy định cho phép kết hôn hay không cần phải được tiến hành điều tra, phân tích, đánh giá, cân nhắc để có đủ cơ sở khoa học khi đưa vào luật. Bên cạnh đó, cũng cần cân nhắc, đánh giá các yếu tố xã hội khi quy định nội dung này vào trong luật.

Mang thai hộ - nên cho phép

Trong quá trình soạn thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) đã bàn đến vấn đề mang thai hộ, hậu quả pháp lý của việc mang thai hộ, bảo vệ quyền, lợi ích của trẻ em sinh ra từ việc mang thai hộ. Tuy nhiên, vấn đề này đã gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt xoay quanh vấn đề cho phép hay không cho phép mang thai hộ tại Việt Nam vào thời điểm hiện nay.

Tại Khoản 1, Điều 6, Nghị định số 12/2003/NĐ-CP quy định nghiêm cấm mang thai hộ, vì thế hiện nay chưa có văn bản nào quy định hậu quả pháp lý cũng như xác định cha, mẹ đứa trẻ được sinh ra, các quyền nhân thân và quyền tài sản của đứa trẻ với những người có liên quan (người mang thai, người nhờ mang thai hộ). Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhu cầu “mang thai hộ” là có thật và khá phổ biến, là nguyện vọng chính đáng đối với các trường hợp vì bệnh lý (dị tật bẩm sinh - không có tử cung, u xơ tử cung, suy tim, suy gan, suy thận, tai biến sản khoa, cắt tử cung…). Những trường hợp này hoặc không thể có con hoặc không đủ sức khỏe để mang thai nhưng họ vẫn có noãn và mong muốn được hưởng quyền làm mẹ.

Hiện nay trên thế giới cũng có các quan điểm khác nhau về việc có cho phép người phụ nữ mang thai hộ hay không. Theo quan điểm phản đối mang thai hộ, việc chia cắt đứa trẻ sơ sinh với người mẹ mang thai hộ có thể gây ra các thương tổn tới sự phát triển của trẻ và của cha mẹ thuê đẻ. Nguồn gốc khác biệt với những đứa trẻ khác có thể gây ra chứng trầm cảm vì nỗi ám ảnh bị bỏ rơi… Theo quan điểm ủng hộ việc cho phép mang thai hộ, phương pháp này là giải pháp tốt cho những trường hợp vô sinh không thể chữa trị. Việc cấm mang thai hộ dẫn đến sự phân biệt về giàu nghèo vì các cặp cha mẹ có điều kiện kinh tế có thể sang nước ngoài để thực hiện phương pháp này.

Theo quan điểm của Bộ Y tế, quy định cho phép mang thai hộ trong một số trường hợp nhưng phải bảo đảm các điều kiện: Không vì mục đích thương mại (nghiêm cấm đẻ thuê); chỉ cho phép với những người cùng trong dòng họ hoặc chứng minh có họ hàng ba đời bên nhà chồng. Trên cơ sở đó có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và sự đồng ý của một hội đồng gồm các chuyên gia về sản khoa và pháp luật. Quy định nghiêm các điều kiện để tránh xảy ra các tranh chấp phát sinh sau này như: Điều kiện của người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ (tuổi, sức khỏe, số lần mang thai…); quyền và nghĩa vụ của các bên (trong đó có trường hợp tai biến sản khoa đối với người nhờ mang thai hộ (nếu có), trách nhiệm của các bên trong trường hợp đứa trẻ sinh ra bị khuyết tật, dị tật; thủ tục hành chính; biện pháp kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Theo Vân Khánh (GiadinhNet)

Ý kiến của bạn