Hà Nội

Bộ Y tế đề xuất bỏ quy định khống chế tỷ lệ 20% quỹ KCB ngoại trú cho tuyến xã

06-07-2018 13:10 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 105, trong đó bỏ quy định khống chế tỷ lệ 20% quỹ KCB ngoại trú cho tuyến xã. Thực tế cho thấy Quỹ KCB BHYT giao cho trạm y tế thấp không đủ để chi cho KCB BHYT dẫn đến một số loại bệnh TYT xã có khả năng điều trị, cấp thuốc nhưng phải chuyển lên tuyến trên gây nên tình trạng quá tải ở tuyến trên, tốn kém chi phí và không thuận lợi cho người bệnh...

Ngày 6/7/2018, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT tuyến y tế cơ sở nhằm cung cấp thông tin, trao đổi, thống nhất các giải pháp về cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương để nâng cao chất lượng và tăng cường khám chữa bệnh BHYT tuyến y tế cơ sở.

Các nước dành nhiều ưu tiên cho chăm sóc sức khoẻ ban đầu

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, các chuyên gia đánh giá cao mô hình y tế cơ sở đến tận xã phường, thôn bản ở Việt Nam và coi đây là "điểm sáng" mà không phải quốc gia nào cũng có được.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy đầu tư cho chăm sóc sức khỏe ban đầu có hiệu quả hơn nhiều lần so với việc đầu tư cho kỹ thuật cao ở tuyến trên. Với việc coi y tế cơ sở là "người gác cổng” trong hệ thống y tế, các nước trên thế giới đã sử dụng các nguồn tài chính khác nhau, trong đó có nguồn tài chính từ BHYT cho chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở.

"Quỹ BHYT sử dụng cho chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Hàn Quốc là 19%, Nhật Bản là 25%, Đức là 29%. Tỷ trọng chi từ quỹ BHYT trong tổng chi cho chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Hàn Quốc lên tới 51%, Nhật Bản là 76%, Đức là 78%. Dự kiến vào tháng 10 tới, tại Hội nghị quốc tế kỷ niệm 40 năm Tuyên bố Alma-Ata tại Astana, Kazakhstan, bản Tuyên bố chung mới sẽ được ký, cộng đồng quốc tế tiếp tục cùng cam kết tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng đến bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân"- Bộ trưởng cho biết.

Lãnh đạo Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội cùng trao đổi các giải pháp nâng cao chất lượng và tăng cường khám chữa bệnh BHYT tuyến y tế cơ sở.

Tại Việt Nam, Nghị quyết số 20 xác định y tế cơ sở là nền tảng, phương châm của xây dựng hệ thống y tế công bằng, hiệu quả và phát triển. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thẳn chỉ rõ, YTCS hiện nay vẫn còn tồn tại một số khó khăn, thách thức về chất lượng KCB cho người dân nói chung và cho người có thẻ BHYT nói riêng. Điều này là do hạn chế về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đáp ứng, các dịch vụ chuyên môn trong KCB còn hạn chế, nguồn kinh phí từ quỹ BHYT cho trạm y tế tuyến xã chưa đảm bảo. Theo quy định hiện nay, quỹ KCB BHYT được sử dụng tại trạm y tế tuyến xã tối đa chỉ bằng 20% quỹ KCB BHYT ngoại trú.

Những hạn chế trên đây đã làm cho chất lượng KCB tại tuyến YTCS chưa đáp ứng yêu cầu và làm cho người dân chưa tin tưởng và vượt lên các tuyến trên để KCB gây tốn kém về thời gian, tiền bạc, công sức và các chi phí xã hội khác.

"Có bệnh nhân 4h sáng đã bắt xe lên Trung ương khám, nhiều trường hợp chỉ vì thấy đau đầu, tức ngực... Chỉ những bệnh đơn giản mà phải lên tận Trung ương chiếu chụp là không cần thiết vừa tốn kém tiền bạc của người dân, vừa tạo sức ép, quá tải bệnh viện tuyến trên. Sắp tới, Bộ Y tế quy định tất cả các bệnh mạn tính đã điều trị ổn định, có phác đồ điều trị như tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp… phải chuyển tuyến xã theo dõi, quản lý”- Bộ trưởng nói.

Thực tế cũng còn cho thấy rằng, số lượt KCB tại tuyến YTCS chiếm trên 70% tổng số lượt KCB BHYT trong khi chi phí KCB BHYT chỉ chiếm khoảng 30% tổng chi phí. Ngược lại số lượt KCB tại tuyến tỉnh, tuyến Trung ương chiếm chưa đến 30% tổng số lượt nhưng chi phí lại chiếm gần 70% tổng chi phí.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị.

Đề xuất bỏ quy định khống chế tỷ lệ 20% quỹ KCB ngoại trú cho tuyến xã

Để tăng cường khám chữa bệnh BHYT tại tuyến YTCS, khắc phục những bất cập hiện nay trong khám chữa bệnh BHYT, Bộ trưởng nhấn mạnh cần chú trọng đổi mới cơ chế chi trả KCB BHYT tại trạm y tế tuyến xã. Cụ thể, không quy định tỷ lệ quỹ BHYT được sử dụng tại TYT xã như quy định hiện nay. Bộ Y tế đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 105 trong đó bỏ quy định khống chế tỷ lệ 20% quỹ KCB ngoại trú cho tuyến xã. Triển khai thực hiện phương thức thanh toán theo định suất tại tuyến YTCS để đảm bảo tăng cường hiệu quả sử dụng quỹ BHYT.

Thực hiện nghiêm, đầy đủ quy định tại Thông tư 39 ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản tại tuyến xã để đáp ứng nhu cầu KCB và chất lượng KCB của nhân dân. Quỹ BHYT chi trả đầy đủ chi phí về thuốc, dịch vụ kỹ thuật quy định tại Thông tư 39 này.

Bộ trưởng yêu cầu tăng cường quản lý, điều trị các bệnh mạn tính tại trạm y tế xã, nhất là các trường hợp đã được chẩn đoán ở tuyến trên và thực hiện theo đúng phác đồ điều trị. Đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của TYT xã theo mô hình chuẩn đáp ứng được đầy đủ chức năng, các nhiệm vụ của TYT xã. Tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế.

Bên cạnh đó, xây dựng thống nhất 1 phần mềm áp dụng tại TYT xã đảm bảo quản lý thông tin của các hoạt động chuyên môn với quản lý hồ sơ sức khỏe để nâng cao hiệu quả hoạt động của TYT xã và giảm tải khối lượng công việc hành chính cho cán bộ y tế.

80% người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại y tế cơ sở

TS. Lê Văn Khảm - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cho biết, tính đến hết 30/6/2018, có 81,59 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ 86.9%, đạt 101,6% so với chỉ tiêu Chính phủ giao tại Quyết định 1167/QĐ-TTg (năm 2018 Thủ tưởng giao 85,5%), trong đó người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT.

Y tế cơ sở đáp ứng 70% nhu cầu chăm sóc sức khoẻ thông thường của nhân dân. Ảnh minh hoạ.


Hiện tại, cả nước có 2.169 cơ sở KCB thuộc tất cả các tuyến chuyên môn kỹ thuật, trong đó cơ sở y tế công lập là 1.549, cơ sở y tế tư nhân là 544 và y tế cơ quan là 223 cơ sở; có 9.821/11.161 TYT xã (88%) thực hiện KCB BHYT. Số lượt khám chữa bệnh BHYT tăng dần qua các năm, từ 130 triệu lượt năm 2015 đến 147 triệu lượt năm 2016 và 150 triệu lượt năm 2017. Và, chi phí do quỹ BHYT chi trả tương ứng là trên 47.000 tỷ đồng (2015), 68.000 tỷ đồng (2016), 88.000 tỷ đồng (2017).

Việc tăng cường y tế cơ sở, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT tại tuyến YTCS, thuận lợi cho việc tiếp cận dịch vụ của người tham gia BHYT khi có nhu cầu. "Hiện nay, có khoảng 80% người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại YTCS (tuyến huyện là 47%, tuyến xã là 33%), 20% đăng ký tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương"- TS. Khảm cho biết.

Đánh giá chất lượng KCB tại tuyến y tế cơ sở, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, y tế cơ sở đáp ứng 70% nhu cầu chăm sóc sức khoẻ thông thường của nhân dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc thiết yếu ngày càng được tăng cường, 41,9% số trạm y tế đạt Chuẩn quốc gia về y tế xã...

Theo ông Khuê, cần tận dụng phát huy tối đa nguồn lực hiện có tại trạm y tế xã. Bên cạnh đó cần đào tạo, nâng cao năng lực cho trạm y tế xã với sự hỗ trợ tuyến trên là đòn bấy giúp các trạm y tế tăng cường chuyên môn, thu hút, tăng niềm tin của người bệnh với trạm y tế xã... Việc quản lý bệnh mạn tính là trọng tâm hoạt động của trạm y tế xã, tập trung chủ yếu vào tăng huyết áp, đái tháo đường với việc thự hiện hồ sơ quản lý sức khoẻ giúp giảm gánh nặng bệnh tật cho tuyến trên, giảm chi phí KCB, chi phí xã hội nói chung và BHYT nói riêng.

Để xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, Bộ Y tế đã lựa chọn và tổ chức các đoàn do Lãnh đạo bộ trực tiếp khảo sát tại 26 Trạm y tế xã, phường của 8 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Long An, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, Yên Bái, Hà Tĩnh. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện mô hình 26 Trạm y tế chuẩn để nhân rộng trên phạm vi cả nước.

Với việc tập trung đầu tư cho TYT xã theo chương trình 1379, các TYT sẽ thực hiện KCB BHYT tốt hơn, người dân tin tưởng hơn về y tế cơ sở, được tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng ngay từ đầu và như vậy, quỹ BHYT sẽ được sử dụng có hiệu quả hơn.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Nguyễn Thị Minh cũng nhìn nhận chất lượng KCB tuyến y tế cơ sở vẫn là vấn đề phải suy nghĩ bởi y tế cơ sở là người "gác cổng" trong hệ thống y tế, giúp người dân giảm chi từ tiền túi nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu này.

"Nếu như năm 2014, tỉ lệ người dân KCB tại tuyến xã là gần 30% thì năm 2017 chỉ còn gần 20% và 6 tháng đầu năm chỉ còn 18%. Có gần 10.000 trạm y tế tuyến xã nhưng người dân thờ ơ với y tế tuyến xã vì người bệnh chưa tin tưởng nhân viên y tế tuyến xã"- bà Minh nói.

ThS. Lê Văn Phúc - Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2010-2014, số lượt KCB tại tuyến xã tăng qua các năm với tỷ lệ gia tăng bình quân là 4%; tuy nhiên, từ khi thực hiện chính sách thông tuyến (năm 2015) số lượt KCB BHYT tại tuyến xã có xu hướng giảm.

Theo khảo sát của Viện chiến lược chính sách y tế, Bộ Y tế, tình trạng khám bệnh, kê đơn, cấp thuốc tại nhiều trạm y tế xã còn bất cập. Đây có thể thấy là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến người dân không lựa chọn TYT xã làm nơi KCB.

Để tăng cường hiệu quả công tác KCB tại y tế cơ sở, bên cạnh việc tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị, nhân lực…, ông Phúc cho rằng cần có cơ chế tài chính linh hoạt đối với y tế cơ sở. Kinh phí KCB BHYT hiện nay được xác định bằng 10 -20% quỹ KCB BHYT của số thẻ BHYT đăng ký ban đầu tại trạm y tế xã. Đối với các trạm y tế xã có nguồn nhân lực tốt, người bệnh đến khám đông hoặc thực hiện quản lý bệnh mạn tính (như tiểu đường, tăng huyết áp) thì nguồn kinh phí này khó đáp ứng được. Chính vì vậy, cần có cơ chế tài chính phù hợp với từng trạm y tế xã theo năng lực cung cấp dịch vụ y tế, số lượng người bệnh BHYT đến KCB.

Xây dựng cơ chế tài chính nhằm hạn chế người bệnh lựa chọn các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương để KCB các bệnh thông thường (có danh mục). Ví dụ, tăng mức đồng chi trả đối với người bệnh; giám giá thanh toán đối với các bệnh viện tuyến trên khi KCB thông thường. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác KCB BHYT tại y tế cơ sở về chuyên môn cũng như sử dụng quỹ KCB BHYT và xử lý nghiêm đối với tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

D.Hải
Ý kiến của bạn