Bộ Y tế vừa có công văn số 1086/BYT-PC về việc góp ý đối với dự thảo Nghị định về kinh doanh rượu gửi Văn phòng Chính phủ. Theo đó, tại công văn này, Bộ Y tế đưa ra đề nghị cần quy hoạch, kiểm soát giảm mức độ gia tăng sản lượng rượu, bia, phù hợp với mức độ gia tăng của các nước, điều kiện thực tế của nước ta và yêu cầu phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đồng thời Bộ Y tế cho rằng dự thảo Nghị định cần lưu ý đến trách nhiệm liên ngành của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch trong quá trình thực thi các quy định của pháp luật nhất là các nội dung quy định về quản lý chất lượng rượu, quy hoạch
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị bổ sung một chương riêng về quản lý đối với rượu thủ công. Trong đó có quy định cụ thể biện pháp quản lý đối với rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh (bán cho doanh nghiệp để sản xuất) và rượu thủ công sản xuất cho mục đích tiêu dùng trong hộ gia đình. Mặt khác, cần quy định cụ thể về quản lý chất lượng rượu, đăng ký sản phẩm với chính quyền cấp xã, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý, tuyên truyền và hướng dẫn người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công bảo đảm chất lượng.
Liên quan đến rượu, thời gian qua, đã xảy ra một số vụ ngộ độc rượu khiến nhiều người mắc, thậm chí đã có người tử vong như vụ ngộ độc rượu tại huyện Phong Thô (tỉnh Lai Châu) hay vụ ngộ độc làm hàng chục sinh viên phải nhập viện ở Hà Nội. Theo thống kê của Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận 34 trường hợp bị ngộ độc rượu có pha cồn công nghiệp (methanol), trong đó có 9 trường hợp đã tử vong, nhiều trường hợp đã bị ảnh hưởng sức khoẻ nghiêm trọng do ảnh hưởng của chất độc có trong rượu. Hầu hết các trường hợp này đều mua rượu thủ công bán tại các cửa hàng tạp hoá nhỏ lẻ, sử dụng rượu tại quán nhậu…
Riêng tại Hà Nội, theo thống kê từ ngày 22/2 – 14/3, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận 25 ca ngộ độc rượu methanol, trong đó đã có 3 bệnh nhân tử vong. Số người ngộ độc rượu tập trung nhiều ở quận Đống Đa (10 ca) và Cầu Giấy (10 ca)… Trước thực trạng này, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã lập 700 đoàn thanh tra liên ngành, đồng loạt ra quân truy tìm rượu giả từ đầu tháng 3, đợt ra quân này sẽ kéo dài đến giữa tháng 4/2017. Đến nay các đoàn kiểm tra đã kiểm tra hơn 2.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, tiêu huỷ hơn 2.200 lít rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ với tổng số tiền phạt gần 700 triệu đồng