Bộ Y tế đề nghị giữ đề xuất về kiểm soát quảng cáo và thời gian bán rượu bia

05-05-2019 08:01 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trước những tác hại của rượu bia gây ra không chỉ với sức khỏe, tai nạn giao thông mà còn nhiều mặt khác của đời sống xã hội, Bộ Y tế cho biết đã có văn bản báo cáo Quốc hội đề nghị giữ lại những nội dung về kiểm soát quảng cáo và thời gian bán rượu bia trong dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia.

Tại phiên họp báo Chính phủ tối 4/5, câu hỏi đặt ra với lãnh đạo Bộ Y tế là cơ quan này có xem xét đưa nội dung về kiểm soát thời gian bán rượu bia và quảng cáo với mặt hàng này vào dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia sau loạt tai nạn vừa qua không?

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, nội dung về quảng cáo và giờ bán rượu bia đã được đưa ra trong bản dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia gần đây.

Cụ thể, theo dự thảo, Bộ Y tế đưa ra 3 phương án quy định về thời gian bán rượu, bia. Phương án 1 là chỉ được bán từ 11-14 giờ và từ 17-22 giờ hàng ngày. Phương án 2 là chỉ được bán từ 6-22 giờ (trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực sân bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch).

Với phương án 3, thời gian bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ căn cứ yêu cầu thực tiễn công tác phòng chống tác hại của rượu, bia.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường.


Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho hay, trong ngày 3/5, Bộ Y tế đã văn bản báo cáo Quốc hội đề nghị giữ lại những nội dung trên. Bởi lẽ, theo ông, rượu bia tác động tới nhiều mặt, không chỉ tai nạn giao thông mà còn liên quan tới các vấn đề bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục...

Một điểm nữa, việc Quốc hội đề nghị thay đổi tên từ "Luật Phòng, chống tác hại rượu bia" sang "Luật Phòng chống tác động có hại và kiểm soát rượu bia vì sức khoẻ cộng đồng", Bộ Y tế cho rằng tên này quá dài. Thứ hai là, không chỉ sức khoẻ vì thực tế tác động rượu bia còn liên quan đến tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục, nên không thể nói là chỉ mỗi sức khoẻ.

Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị giữ lại tên như cũ theo quan điểm xuyên suốt của Bộ Y tế là Luật Phòng chống tác hại rượu bia.

Trước đó, Bộ Y tế được giao chủ trì xây dựng dự thảo luật, sau nhiều nỗ lực, dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu và hiện đang được tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến lần 2 trong kỳ họp lần thứ 7 của Quốc hội dự kiến vào tháng 5/2019.

Nhiều nước mạnh tay với hành vi lái xe khi say rượu bia

Trong khi chúng ta vẫn đang tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để xử lý tài xế uống rượu bia gây tai nạn, thì tại nhiều nước trên thế giới hành vi say rượu, bia nhưng vẫn lái xe được xem là vi phạm nghiêm trọng.

Nhật Bản, với nồng độ cồn từ 0,15 mg/lít khí thở, người điều khiển phương tiện bị phạt tù từ 3 -5 năm và nộp phạt từ 100-200 triệu đồng. Lái xe say rượu gây tai nạn sẽ phải ngồi tù 20 năm đối với tai nạn chết người và 15 năm đối với tai nạn không chết người.

Tại Singapore, người điều khiển phương tiện nếu bị phát hiện có nồng độ cồn trên 0,35 mg/lít khí thở sẽ bị phạt tiền lên đến 85 triệu đồng và đối diện với 6 tháng tù giam.

Với hành vi tái phạm, tài xế phạt tù từ 6 đến 12 tháng và phạt tiền từ 50-130 triệu đồng nếu tái phạm lần thứ 2, phạt 510 triệu đồng và 3 năm tù, tước bằng lái vĩnh viễn tái phạm lần thứ 3.

Nếu gây tai nạn do lái xe khi say rượu, tài xế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chịu án tù từ vài năm tới vài chục năm.

Tại Anh, tài xế bị phạt từ 3 đến 6 tháng tù, phạt tiền từ 75 triệu đồng và tước bằng lái một năm (hoặc 3 năm nếu tái phạm) cho hành vi lái xe sau khi uống rượu bia. Nếu bị kết tội liên quan đến các hành vi điều khiển phương tiện khi uống bia, lái xe cũng khó được nhập cảnh vào các nước khác ở châu Âu hay Mỹ.

Tại Hàn Quốc, với nồng độ cồn vượt mức 0,05 mg/lít khí thở, lái xe sẽ bị quy vào tội hình sự, ngồi tù từ 3 năm trở lên và nộp phạt khoảng 206 triệu đồng. Bằng lái sẽ bị thu hồi hoặc đình chỉ tùy thuộc vào mức độ.

Tại Trung Quốc, nếu lái xe bị phát hiện trong máu có nồng độ cồn từ 80mg/100ml máu trở lên sẽ bị tạm giữ 15 ngày, tước bằng lái xe và trong 5 năm không được cấp bằng trở lại. Nếu lái xe say xỉn gây ra tai nạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và ngồi tù tùy theo mức độ nghiệm trọng của vụ việc.

Nhiều quốc gia như Trung Quốc, Anh, Mỹ đã đề xuất thực hiện các mức phạt từ chung thân tới tử hình đối với hành vi say rượu lái xe gây hậu quả nghiêm trọng.


Dương Hải
Ý kiến của bạn