Ngày 14/7, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), PGS.TS Lương Ngọc Khuê đã ký công văn số 944/KCB-QLCL gửi Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang về thông tin phản ánh trên báo chí ngày 13/7 liên quan đến BS Nguyễn Văn Long - khoa Ngoại, Bệnh viện đa khoa huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bị tấn công khi đang cấp cứu cho người bệnh
Công văn của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang chỉ đạo Bệnh viện đa khoa huyện Việt Yên tổ chức thăm hỏi động viên, quan tâm công tác điều trị phục hồi sức khoẻ và tâm lý cho bác sỹ của bệnh viện bị hành hung; Phối hợp với cơ quan Công an địa phương điều tra làm rõ để truy cứu trách nhiệm đối với nhóm đối tượng trong vụ việc trên; Đồng thời rà soát, chấn chỉnh công tác an ninh, trật tự tại bệnh viện bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế khi cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh tại các điểm nóng trong bệnh viện;
Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị Sở Y tế Bắc Giang báo cáo về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế trước ngày 21/7/2017 để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ.
Trước đó, như báo Sức khỏe & Đời sống đã thông tin, BS. Chu Văn Tám – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Việt Yên – Bắc Giang cho biết, sáng 12/7 tại Bệnh viện đã xảy ra trường hợp bác sĩ bị một đối tượng tấn công bằng máy đo huyết áp.
BS Nguyễn Văn Long đang được đồng nghiệp khâu vết thương do bị ném máy đo huyết áp vào đầu
Người bị đánh là BS Nguyễn Văn Long- hiện đang công tác tại khoa Ngoại của Bệnh viện. Theo đó, trong lúc đang khâu vết thương cho một bệnh nhân có vết thương ở mắt cá thì BS Long bị một đối tượng lấy chiếc máy đo huyết áp đập vào đầu khiến cho BS Long bị chảy máu vùng đầu. Ngay sau đó, BS. Long được đưa vào phòng để sơ cứu và khâu vết thương vùng đầu, còn một bác sĩ khác thì tiếp tục xử lý vết thương cho bệnh nhân.
Đối tượng tấn công BS Long là người đi cùng nhóm với bệnh nhân mà BS Long đang khâu vết thương nhưng phía bệnh nhân xác nhận không phải là người nhà của họ và cho biết người này chính là kẻ đã đánh bệnh nhân vào cấp cứu. Sau khi đánh xong thì đối tượng này bỏ đi
BS Chu Văn Tám cho biết, sự việc đã được báo cáo lên cơ quan công an và các cơ quan chức năng, hiện cơ quan chức năng vẫn đang truy tìm đối tượng nhưng được biết đối tượng đã bỏ khỏi nơi cư trú.
“Chúng tôi rất buồn và bức xúc vì đây không phải là lần đầu tiên bác sĩ của bệnh viện bị hành hung. HIện Bệnh viện đa khoa huyện Việt Yên đã xây dựng các kết hoạch đảm bảo an ninh, tạo môi trường làm việc thật tốt cho các y bác sĩ. Tuy nhiên, có một số trường hợp vẫn vượt quá kiểm soát của bệnh viện”- BS Tám nói.
Về phía BS Long, sau khi được đồng nghiệp khâu vết thương ngay tại Bệnh viện đa khoa huyện Việt Yên, BS Long cảm thấy đau nhức mắt và đã được đưa xuống Bệnh viện mắt TW khám trong ngày 13/7. Kết quả khám tại đây cho thấy, BS Long bị chấn thương nhãn cầu, tụ máu kết mạc. Các bác sĩ Bệnh viện Mắt TW đã cho thuốc và BS Long về theo dõi điều trị tiếp tục tại Bệnh viện đa khoa huyện Việt Yên.
Trường hợp đang khám, cứu chữa người bệnh nhưng vẫn bị hành hung như BS Long dường như không còn là chuyện hiếm bởi liên tục trong thời gian gần đây, quá nhiều trường hợp thầy thuốc đang hành nghề bị người nhà bệnh nhân hành hung. Trong một hội nghị bàn về vấn đề tăng cường an ninh bệnh viện do Bộ Y tế tổ chức cách đây không lâu, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê đã đưa ra những con số đáng buồn - đó là các vụ bạo lực nhân viên y tế thời gian qua xảy ra chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tiếp đến là bệnh viện tuyến TW (chiếm 20%). Đối tượng bị tấn công, hành hung chủ yếu là bác sĩ (chiếm 70%), tiếp đến là điều dưỡng (chiếm 15%). Có đến 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh.
Thầy thuốc luôn phải đối mặt với những tình huống bị chính người bệnh/người nhà bệnh nhân, thậm chí là đối tượng "không liên quan" sẵn sàng hành hung
Có thể kể đến các vụ bạo hành cán bộ y tế nghiêm trọng gần đây nhất là người nhà bệnh nhi đã lao vào đánh BS Lê Quang Dương- BS Lê Quang Dương- Bệnh viện đa khoa Thạch Thất, Hà Nội khiến anh phải khâu nhiều mũi trên đầu và nằm điều trị với tâm lý bất an trong nhiều ngày; rồi trường hợp điều dưỡng đang mang thai tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cũng bị người nhà bệnh nhân hành hung; bố bệnh nhi lao vào đánh bác sĩ tại Khoa Hồi sức Cấp cứu- Chống độc, Bệnh viện Nhi TW… Hay trước đó, côn đồ hành hung người đang cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện đa khoa An Dương - Hải Phòng và đỉnh điểm là vụ người nhà bệnh nhân đâm chết bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa huyện Vũ Thư, Thái Bình...
Những con số này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những hiểm nguy mà thầy thuốc luôn phải đối mặt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Bởi đâu đó luôn có những người nhà bệnh nhân vì quá lo lắng cho người thân nhưng lại chưa có sự hiểu biết thấu đáo đã vội tung những cú đánh vào chính người thầy thuốc đang nỗ lực để giải thích, để tìm cách cứu người thân của mình...