Sự cố y khoa ở Hoà Bình khiến 8 bệnh nhân tử vong, đến nay, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Hoà Bình đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam 3 người trong đó có bác sĩ cấp cứu đơn nguyên Thận nhân tạo Hoàng Công Lương. Phóng viên Báo Sức khoẻ&Đời sống có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế về vấn đề này.
Phóng viên: Thưa ông, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình vừa phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án và bắt tạm giam bác sĩ Lương. Là người tư vấn, tham mưu về pháp luật của Bộ Y tế, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
TS. Nguyễn Huy Quang: Vụ việc đau lòng xảy ra tại Bv Đa khoa tỉnh Hoà Bình khiến 8 bệnh nhân tử vong, đây là sự cố y khoa nghiêm trọng và vô cùng đáng tiếc đối với ngành y tế, gây rúng động dư luận xã hội không chỉ ở Việt Nam mà cả ở nước ngoài, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế trong việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Là người làm công tác chính sách pháp luật trong ngành y, tôi không chỉ đau xót mà còn cảm thông với thân nhân những người đã tử vong, đây là điều các bác sĩ không hề mong muốn.
TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.
Đứng trước vụ việc như vậy Bộ trưởng Bộ Y tế đã đề nghị các cơ quan chức năng trong đó có Bộ Công an, các cơ quan chức năng như Sở Y tế, Bệnh viện đa khoa tỉnh, các chuyên gia về thận, hồi sức cấp cứu và các cán bộ của Bộ Y tế tham gia, xem xét cùng cơ quan công an điều tra nguyên nhân, làm rõ sự việc sai phạm, trên nguyên tắc sai đến đâu xử lý đến đấy, rút kinh nghiệm chung cho ngành y tế, hạn chế tối đa rủi ro cho người bệnh trong thời gian tới.
Sự việc xảy ra ngày 29/5 thì đến ngày 30/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hoà Bình đã khởi tố vụ án để điều tra làm rõ nguyên nhân. Sau hơn 20 ngày, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam bị can. Chúng tôi đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, với tinh thần trách nhiệm cao, thận trọng và kịp thời của Bộ Công an. Chỉ trong thời gian ngắn, Bộ Công an đã có sự vào cuộc rất chủ động, tích cực...
Phóng viên: Về trường hợp của bác sĩ Hoàng Công Lương, liệu việc bắt tạm giam bác sĩ Lương có hợp lý hay không?
TS Nguyễn Huy Quang: Việc cơ quan công an khởi tố bị can với bác sĩ Hoàng Công Lương tại Điều 242, Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, là tác nhân gây ra hậu quả làm cho 8 bệnh nhân tử vong.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Cơ quan CSĐT Hoà Bình áp dụng biện pháp ngăn chặn, tạm giam để phục vụ công tác điều tra là đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục và quy định của pháp luật liên quan đến tội danh đặc biệt nghiêm trọng và rất nghiêm trọng.
Tuy nhiên bị can Hoàng Công Lương là bác sĩ trẻ, có trình độ chuyên môn, phạm tội mang tính chất vô ý, nếu không có biểu hiện chạy trốn hay cản trở điều tra, … đề nghị cơ quan công an xem xét thay đổi biện pháp ngăn chặn và cho tại ngoại để phục vụ điều tra.
Phóng viên: Nhìn vào hành động phạm tội của bác sĩ Lương, là người ký vào biên bản đề nghị sửa chữa hệ thống lọc nước RO, và khi chưa có biên bản bàn giao trên giấy, chỉ tin vào báo cáo miệng từ một điều dưỡng, mà đã cho chạy thận. Dư luận mà đặc biệt là những người làm trong ngành y cho rằng, không thể coi bác sĩ Lương là bị can, với những hành động trên không thể đưa vào hành vi cấu thành tội phạm, bởi vì bác sĩ dù có ký hay không cũng không thể biết chất lượng thực sự của việc sửa chữa đường ống này?
TS. Nguyễn Huy Quang: Theo CQĐT, bác sĩ Lương bị buộc tội vi phạm quy định khám chữa bệnh, dù chưa nhận được bàn giao nghiệm thu, sửa chữa bằng văn bản nhưng vẫn ra y lệnh cho điều dưỡng viên khởi động máy. Việc xem xét bị can theo điều 242 của Bộ luật hình sự thì chúng ta cần xem xét 4 dấu hiệu cấu thành tội phạm:
- Bác sĩ Lương là người trực tiếp ra y lệnh, tức là có yếu tố về chủ thể là người trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh.
- Thứ 2, liên quan đến khách thể, xâm phạm trật tự quản lý nhà nước về khám chữa bệnh, điều này cũng đảm bảo về mặt pháp luật.
- Yếu tố cấu thành tội phạm thứ 3 là về mặt chủ quan, đây là tội vô ý.
- Liên quan đến yếu tố khách quan (có gây hậu quả nghiêm trọng hay không và người này có thực hiện đúng quy trình chuyên môn hay không hay là không thực hiện hay không). Ở vụ việc này khiến 8 trường hợp tử vong, là đã gây thiệt hại rất lớn. Hội đồng chuyên môn đã xác định, quy trình lọc máu cho bệnh nhân, bệnh viện đã thực hiện đúng quy trình. Nhưng vấn đề ở đây là việc bác sĩ Lương chưa có biên bản nghiệm thu, bàn giao và thanh lý hợp đồng đã cho y lệnh. Ở đây quy trình chuyên môn là đúng, nhưng thủ tục hành chính chưa chuẩn. Bác sĩ không vi phạm quy trình chuyên môn, nhưng cần nói rõ lỗi về thủ tục, đây không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc chết người, nó liên quan đến các quy tắc, thủ tục hành chính.
Chất lượng nước bác sĩ không thể biết được. Trong trường hợp bác sĩ này chờ tất cả các thủ tục hành chính hoàn tất, có biên bản bàn giao, nghiệm thu thanh lý mới tiến hành chạy thận thì người bệnh vẫn tử vong.
Bộ Y tế đề nghị cơ quan điều tra trong quá trình điều tra xem xét các yếu tố khách quan như bác sĩ Lương vi phạm về thủ tục hành chính, các vi phạm không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới chết người, để từ đó có những kết luận, xác định đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Nếu làm được là sự động viên với đội ngũ thầy thuốc và nhân viên y tế theo nguyên tắc sai đến đâu xử lý đến đó.
Đây là bài học với đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh việc tuân thủ quy định khám chữa bệnh, chúng ta cũng cần tuân thủ các quy tắc về mặt hành chính trong khám chữa bệnh, đây là cách để chúng ta bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông