Hà Nội

Bộ Y tế đang soạn thảo luật dành cho người chuyển giới

03-11-2018 07:57 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong những năm gần đây, sự hiện diện của người chuyển giới tại Việt Nam đang ngày một rõ rệt, ước tính khoảng 300.000 đến 500.000 người chuyển giới. Cuộc sống của người chuyển giới gặp muôn vàn khó khăn khi không được pháp luật công nhận.

Tại hội thảo báo chí “Luật chuyển đổi giới tính vì Người chuyển giới” đã được tổ chức tại TP.HCM ngày 2/11/2018, rất nhiều ý kiến trong cộng đồng người chuyển giới chia sẻ họ gặp các rào cản về mặt xã hội, văn hóa và pháp lý đang đặt người chuyển giới trở thành nhóm dễ bị tổn thương.

Cộng đồng chuyển giới đang đối mặt nhiều khó khăn

Cơ hội tiếp cận với việc làm và y tế của họ cũng bị giới hạn, đặc biệt đối với những người dũng cảm bộc lộ và sống đúng với giới tính mình mong muốn.

Họ bị bắt nạt tại trường học, bị kỳ thị và phân biệt đối xử ở chính gia đình và nơi công cộng... (Ảnh minh họa internet)

Một nghiên cứu về người chuyển giới nữ sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh (2015, CARMAH và Đại học Pittsburg) cho thấy 45% bị từ chối việc làm do phân biệt đối xử. Điều này phần nào giải thích cho thực tế chỉ có 4% những người tham gia khảo sát có các việc làm ở khu vực chính thức (có hợp đồng lao động và được hưởng các chế độ, lợi ích của người lao động) và có tới 13% kiếm sống bằng nghề mại dâm.

Tình trạng bị lạm dụng tình dục và bạo lực trong cộng đồng chuyển giới cũng ở mức đáng báo động. 23% cho biết đã bị buộc phải quan hệ tình dục, và 16% đề cập rằng đã bị bạo lực tình dục. Ngoài ra, 83% người được hỏi chia sẻ là bị chế giễu bởi vì họ là người chuyển giới.

Tuy nhiên, những con số kể trên chưa thể phản ánh đầy đủ về bức tranh cộng đồng chuyển giới ở Việt Nam do chưa đề cập đến cộng đồng người chuyển giới nam, những người chuyển giới chưa lộ diện và chưa đến độ tuổi thành niên.

Trong khi các dịch vụ y tế, pháp lý và xã hội cho người dân nói chung đang ngày càng được cải thiện ở Việt Nam, dịch vụ cho người chuyển giới hầu như không có, gây trở ngại cho cộng đồng trong việc thực hiện một trong những quyền cơ bản nhất của con người - quyền được sống khỏe mạnh.

Theo ThS. Đinh Thị Thu Thuỷ, Chuyên viên vụ Pháp chế (Bộ Y tế), không ít trường hợp người chuyển giới đã gặp phải sự kỳ thị.

Hầu hết người chuyển giới tự điều trị nội tiết tố (hormone) mua ở “chợ đen”. Một số rất ít người chuyển giới có điều kiện kinh tế mới có thể ra nước ngoài hoặc tìm đến các cơ sở không hợp pháp ở Việt Nam để thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Nhiều người đã chết hoặc gặp phải các vấn đề sức khỏe do tự điều trị nội tiết tố hay tự tiêm silicone.

Dự thảo Luật Chuyển đổi Giới tính: Nhiều tiến bộ

Dự thảo Luật đã được xây dựng dựa trên nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp 2013. Trong quá trình xây dựng dự thảo, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - cơ quan phụ trách soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ cộng đồng người chuyển giới Việt Nam và nhiều điểm của dự thảo đã được sửa đổi để đáp ứng quyền của người chuyển giới.

Một người chuyển giới đang chia sẻ mong muốn sống với con người thật của mình tại Trung tâm Hoa Kỳ (TP.HCM). Ảnh: A. Quý

Tuy nhiên, trên thực tế, so với nhiều quốc gia khác, dự thảo này thời gian qua cũng mang đến nhiều tranh luận, với nhiều vấn đề trắc trở mà người chuyển giới đang gặp sẽ vẫn chưa được tháo gỡ khi luật ra đời nhưng chưa bổ sung những xu hướng tiến bộ.

Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính có một số điểm quan trọng còn nhiều ý kiến trao đổi chưa nhận được sự đồng thuận của cộng đồng người chuyển giới. Cụ thể tại điểm 5 Điều 2 dự thảo quy định: “Can thiệp y học để chuyển đổi giới tính là một hoặc toàn bộ quá trình từ điều trị nội tiết tố sinh dục đến phẫu thuật ngực, phẫu thuật bộ phận sinh dục để thay đổi giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện”.

Như vậy theo điểm này trong dự thảo, các cá nhân muốn được thừa nhận là người chuyển đổi giới tính bắt buộc phải điều trị nội tiết tố sinh dục và phẫu thuật ngực hoặc bộ phận sinh dục.

Quy định như khoản 5 Điều 2 của dự thảo sẽ dẫn đến rất nhiều người chuyển giới ở Việt Nam có nguy cơ không được hưởng lợi từ dự thảo Luật này vì một số điều kiện sau: về kinh tế họ không có đủ tiền để chi trả; về sức khỏe một số người không đáp ứng với hormone, bị shock khi tiêm hormone dẫn tới tử vong, hoặc điều kiện sức khỏe không thể sử dụng nội tiết tố hay phẫu thuật.

Đã có những trường hợp người chuyển giới chết do sốc thuốc khi tự tiêm hormone, may mắn hơn, được đưa đi cấp cứu kịp thời, nhưng còn biết bao nhiêu các bạn khác đang từng ngày từng giờ đánh cược mạng sống của mình bất chấp rủi ro về địa lý, điều kiện chăm sóc y tế…

Nếu Luật Chuyển đổi giới tính có thể thay đổi được điểm này - không bắt buộc can thiệp y học - sẽ mang tính tiến bộ và nhân văn, đảm bảo quyền con người từ đó tạo điều kiện cho người chuyển giới lao động, học tập như tất cả công dân khác và có đóng góp tốt hơn cho sự phát triển chung của đất nước.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều quốc gia đã công nhận về mặt pháp lý đối với người chuyển giới mà không cần trải qua quá trình điều trị hormone hoặc/và phẫu thuật.

Luật về bản dạng giới của Argentina, thông qua ngày 30/11/2012 được đánh giá là luật tiến bộ bởi không yêu cầu phải phẫu thuật, điều trị hormone hay tâm lý.

Luật Thay đổi tên gọi và xác định bản dạng giới của Đức, năm 1981, sửa đổi năm 2011, điều kiện thay đổi bản dạng giới rất đơn giản: chỉ cần người đó tự tuyên bố giới tính ghi trong giấy khai sinh của họ không trùng với cảm nhận của họ về giới tính của mình.

Luật về bản dạng giới, thể hiện giới và đặc điểm giới của Malta năm 2015, Điều 4 có quy định: tất cả mọi người là công dân Malta đều có quyền yêu cầu thay đổi thông tin giới tính hoặc/và tên gọi nếu người đó mong muốn thay đổi tên gọi để phản ánh đúng giới tính tự nhận của mình.

Luật sửa đổi tình trạng pháp lý của Nauy năm 2016 quy định: bất kỳ cá nhân nào đang sinh sống tại Nauy có trải nghiệm thuộc về giới tính khác với giới tính họ được ghi nhận trong Hộ tịch Quốc gia đều có quyền thay đổi giới tính pháp lý của họ. Nauy là nước thứ tư ở châu Âu tách biệt các quy trình pháp lý và y tế để công nhận về mặt luật pháp đối với những người chuyển giới.

Trước đó, tại các nước Đan Mạch, Ireland, Malta (theo một phán quyết của Tòa án Nhân quyền Châu Âu), những người chuyển giới có thể tự tuyên bố một cách hợp pháp về giới tính của họ mà không cần phải có bất cứ đánh giá y tế hoặc thủ tục y tế nào.

Luật về Bản dạng giới của Chile - vừa được thông qua ngày 12/9/2018 cho phép: người chuyển giới có thể thay đổi họ tên và giới tính trên các giấy tờ tuỳ thân mà không cần phải phẫu thuật. Bộ luật này cũng cho phép công dân trên 14 tuổi đã có thể tự xác định bản dạng giới của bản thân, nhưng người dưới 18 tuổi muốn thay đổi thông tin họ tên và giới tính trên giấy tờ thì cần có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp.

Theo lộ trình xây dựng và ban hành của Luật Chuyển đối giới tính, dự thảo dự kiến được trình Quốc Hội thông qua vào kỳ họp tháng 5/2018 nhằm kịp thời đáp ứng mong muốn của người chuyển giới được hòa nhập với xã hội và được pháp luật công nhận. Song có nhiều lý do đến nay Luật chuyển đổi giới tính vẫn chưa được trình Quốc Hội.

Điều đó đồng nghĩa với việc, hiện nay hàng trăm ngàn người chuyển giới vẫn tiếp tục phải chờ đợi và trì hoãn được hưởng các quyền công dân căn bản. Hàng ngày họ vẫn còn phải ẩn mình nếu không sẽ bị kì thị, phân biệt đối xử, thậm chí rủi ro bị đuổi việc luôn thường trực chỉ vì là người chuyển giới.

Trên thực tế cũng không ít trường hợp đã gặp phải các vấn đề sức khỏe do tự điều trị hormone hay tự tiêm silicone do dịch vụ y tế cho người chuyển giới ở Việt Nam chưa được coi là hợp pháp. Và những câu chuyện về những người chuyển giới thân cô thế cô nơi đất khách đi phẫu thuật “chui” ở những cơ sở tạm bợ, không giấy phép, không đảm bảo điều kiện tối thiểu về y khoa cũng không phải là hiếm.

Để kể ra hết những rắc rối, hay khó khăn đối với cộng đồng chuyển giới khi chưa có luật cả chục trang viết vẫn chưa đủ. Việc sớm ban hành Luật Chuyển đổi giới tính và cởi mở trong các quy định của bộ Luật này theo xu hướng tiến bộ của thế giới là mong muốn không chỉ của người chuyển giới mà còn của cả người cung cấp dịch vụ liên quan cũng như cộng đồng.

Tại Việt Nam, chỉ khi có hành lang pháp lý những người chuyển đổi giới tính mới có cơ hội sống bình đẳng, có quyền kết hôn, và quyền được hưởng hạnh phúc trong một xã hội mà họ được công nhận.


An Quý
Ý kiến của bạn